Oriana Fallaci và những cuộc phỏng vấn lịch sử

Oriana Fallaci là nhà báo chính luận nổi tiếng của Italy. Bà bước vào nghề báo từ năm 16 tuổi ở một tờ báo nhỏ Florence, nhưng chẳng bao lâu sau tên tuổi của bà vượt khỏi nước Ý, xếp chung hàng với những tên tuổi báo chí tầm cỡ đương thời về các vấn đề nóng bỏng của hành tinh. Tập bút ký 'Cuộc sống, cuộc chiến tranh và rồi...' (Lê Minh Đức dịch từ bản tiếng Pháp, NXB TPHCM, 1991) của O.Fallaci, viết vào thời điểm bà đã có mặt ở Việt Nam khoảng trước và sau Tết Mậu Thân 1968. Với tôi, đây là tập bút ký hay và sâu sắc nhất về bối cảnh miền Nam trước 75. O. Fallaci từng trực tiếp gặp gỡ phỏng vấn Thượng tọa Trí Quang, tướng Nguyễn Cao Kỳ, tướng Nguyễn Ngọc Loan và nhiều tù binh cộng sản... Rất lạ, vào lúc ấy bà đã có nhận xét về Nguyễn Cao Kỳ: 'Ông ta đại diện cho nước Việt Nam nhiều hơn là chị nghĩ, ông ta gần Việt Cộng hơn là chị đã tưởng...'

Oriana Fallaci là nhà báo chính luận nổi tiếng của Italy. Bà bước vào nghề báo từ năm 16 tuổi ở một tờ báo nhỏ Florence, nhưng chẳng bao lâu sau tên tuổi của bà vượt khỏi nước Ý, xếp chung hàng với những tên tuổi báo chí tầm cỡ đương thời về các vấn đề nóng bỏng của hành tinh. Tập bút ký “Cuộc sống, cuộc chiến tranh và rồi...” (Lê Minh Đức dịch từ bản tiếng Pháp, NXB TPHCM, 1991) của O.Fallaci, viết vào thời điểm bà đã có mặt ở Việt Nam khoảng trước và sau Tết Mậu Thân 1968. Với tôi, đây là tập bút ký hay và sâu sắc nhất về bối cảnh miền Nam trước 75. O. Fallaci từng trực tiếp gặp gỡ phỏng vấn Thượng tọa Trí Quang, tướng Nguyễn Cao Kỳ, tướng Nguyễn Ngọc Loan và nhiều tù binh cộng sản... Rất lạ, vào lúc ấy bà đã có nhận xét về Nguyễn Cao Kỳ: “Ông ta đại diện cho nước Việt Nam nhiều hơn là chị nghĩ, ông ta gần Việt Cộng hơn là chị đã tưởng...”

O. Fallaci thời còn trẻ tại Sài Gòn.

O. Fallaci thời còn trẻ tại Sài Gòn.

Sinh ngày 29-6-1929 tại Florence, khởi đầu Oriana làm giao liên cho quânkháng chiến Ý chống lại Benito Mussolini. Từ năm 1950 bà bước vào nghề báo, tham gia ban biên tập của Europeo để sau đó, theo yêu cầu của tờ báo, trở thành đặc phái viên tại Việt Nam từ năm 1967, tức bà đã có mặt ở Việt Nam khoảng trước và sau Tết Mậu Thân 1968.

Cuộc sống, cuộc chiến tranh và rồi...

Oriana Fallaci mỗi lần xuất hiện tại khách sạn Continental Sài Gòn thường không thông báo trước. Bà hỏi lễ tân để biết những đồng nghiệp nào đang có mặt, sau đó gọi điện lần lượt cho từng người. Bà có tài tạo ấn tượng rằng những gì bạn sẽ nói với bà là đáng giá hơn rất nhiều so với những gì người khác kể cho bà. Bà tạo dựng danh tiếng về một chuyên gia phỏng vấn gây sốc, khiêu khích, đưa nạn nhân vào thế gọng kìm. Bà đã tham dự ở hầu hết các điểm nóng của cuộc chiến tranh Việt Nam lúc bấy giờ: Dakto, Huế, Đà Nẵng, mặt trận cầu Chữ Y, Chợ Lớn, vùng đồng bằng sông Cửu Long... Với các chính khách, nhà trí thức, văn nghệ sĩ, kể cả người đạp xích lô, bán báo dạo... bà có đầy đủ tính chuyên nghiệp, thông minh, triết lý, vừa tàn bạo trong yêu ghét, vừa nhân đạo biết cần nói điều gì và không nên nói điều gì. Trong đó, đáng chú ý, giữa bà và những người như tướng Loan, tướng Kỳ là một sự đối đầu giữa lý tưởng và thực tế, giữa những nguyên tắc đạo đức và thực tế chiến trường, giữa kẻ đứng trong và đứng ngoài. Những gì bà chứng kiến và cảm nhận tại đây đã được phản ánh lại một cách sống động trong tập bút ký Cuộc sống, cuộc chiến tranh và rồi…

Lời mở đầu của tập sách là một câu hỏi với một cô bé lên năm: “Cuộc sống là gì?” với lời đáp: “Cuộc sống là quãng thời gian giữa lúc người ta sinh ra và lúc người ta chết”. Câu trả lời ấy chẳng những không làm thỏa mãn cô bé 5 tuổi, mà còn làm cho chính O.Fallaci thường xuyên bị dằn vặt. Vì lẽ đó, bà quyết định đi đến những nơi mà cuộc sống đang bị thử thách và cái chết diễn ra hằng ngày... Kết thúc tập bút ký bà chỉ có thể trả lời được câu hỏi “Cuộc sống là gì?” bằng câu nói ngắn: “Đó là cái mà ta phải hoàn thành, đừng để mất thời gian. Cho dù nó có tan vỡ trong lúc ta hoàn thành nó cũng vậy”. Nhiều chương, giữa các trang sách, Fallaci thường chen ngang các lời nhạc phản chiến của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Tuy nhiên, những ký ức sâu đậm của O. Fallaci về chiến tranh Việt Nam không chỉ bó hẹp trong tập bút ký nêu trên, mà còn thể hiện đậm nét ở một số cuộc phỏng vấn lịch sử quan trọng về một số nhà lãnh đạo ở cả hai miền Nam - Bắc, trong đó có cả Tướng Võ Nguyên Giáp (L’ Europeo tháng 2-1969).

Fallaci và Tiến sĩ Kissinger

Fallaci và Tiến sĩ Kissinger

Cuộc phỏng vấn Nguyễn Văn Thiệu

Bài phỏng vấn về Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu được thực hiện bởi Oriana Fallaci vào ngày 30-12-1972, từ chỗ rất ghét ông Thiệu, vì cho rằng ông là nhà độc tài chuyên đàn áp bắt bớ dân chúng, tham nhũng, hiếu chiến… bà quay ra đồng cảm với bi kịch của người đàn ông nhỏ bé đang cố gắng tự chống chọi trước cuộc trao đổi lợi ích giữa các cường quốc. Nguyễn Văn Thiệu cho thấy ông lo sợ bị Hoa Kỳ bỏ rơi: “Chúng tôi đi tìm đâu ra một cường quốc khác có thể giúp chúng tôi như Hoa Kỳ… Không, không đâu, nếu Hoa Kỳ bỏ rơi thì chúng tôi sẽ sụp đổ, sụp đổ hoàn toàn, tuyệt đối” (Nguyễn Tiến Hưng, “Tâm tư Tổng thống Thiệu”, Lời mở đầu, trích dịch Interview with History, trang 57, của Oriana Fallaci.). Nguyên văn bài phỏng vấn này có tựa đề “Thiêu: An Interview/ Oriana Fallacci and Nguyen Van Thieu” đăng trên Tạp chí New Republic, số ngày 20-1- 1973, từ trang 16 đến trang 25, sau này trở thành một phần trong cuốn Interview with History, Houghton Mifflin Harcourt, April 1, 1977), do John Shepley dịch. Phần cuối cuộc phỏng vấn là những câu hỏi mà Oriana Fallaci gọi là những “câu hỏi tàn bạo”. Ví dụ một câu hỏi của Oriana Fallaci và câu trả lời của Thiệu: OF: “Có tin cho ông là nhân vật tham nhũng nhất Việt Nam Cộng hòa”. NVT: “Thậm chí không đáng trả lời.

Bà có khi nào thấy con gái một Tổng thống sống ở nhà trọ do các bà sơ điều hành ở London không? Con gái tôi sống ở đó. [...] Tôi vẫn dùng xe của Tổng thống Diệm, một chiếc Mercedes cũ, thường xuyên tắt máy...” (trích từ DCVOnline.net).

Phỏng vấn đại giáo chủ Iran Khomeini

Sau Việt Nam, O.Fallaci lại tiếp tục có mặt ở chiến trường Vùng Vịnh lần thứ nhất. Thời điểm này bà có lần bị bắn trong lúc tường thuật vụ quân đội đàn áp sinh viên biểu tình ở Mexico. Tại cuộc phỏng vấn đại giáo chủ Iran Khomeini (đăng trên tờ The Times ngày 7-10-1979, không lâu sau cuộc cách mạng Hồi giáo Iran lật đổ chế độ phong kiến) đã được ghi nhận là một trong những cuộc phỏng vấn sắc sảo và táo bạo nhất.

Fallaci đến Qom và chờ 10 ngày để được Khomeini đồng ý phỏng vấn. Tuân thủ đúng những hướng dẫn ngặt nghèo, Fallaci đến ngôi nhà vị đại giáo chủ bằng chân trần và vận áo choàng trùm đầu. Tuy nhiên, ngay khi gặp Khomeini, Fallaci lập tức đặt ra với loạt câu hỏi về việc nhiều tờ báo đối lập bị đóng cửa; tình trạng đối xử cộng đồng thiểu số người Kurd; về những vụ hành hình do chế độ mới thực hiện...

Những tác phẩm văn học

Oriana Fallaci không chỉ là nhà báo chính luận đương đại, mà còn là một nhà văn tên tuổi, có tác phẩm phổ biến rộng trên nhiều quốc gia. Dù bị những người đấu tranh nữ quyền đánh giá tiêu cực, nhưng Fallaci là một trong những cây bút xuất sắc viết cho thế giới phụ nữ. “Letter to a Child Never Born” (Thư gửi đứa trẻ chưa bao giờ ra đời) ấn hành năm 1975 được xem là một trong những tác phẩm tuyệt nhất của bà. Bà đặc biệt quan tâm đến sự bùng nổ Hồi giáo cực đoan. Sau sự kiện 11- 9-2001 ở Mỹ, Fallaci ấn hành ba quyển sách, bày tỏ thái độ không khoan nhượng với Hồi giáo quá khích: The Rage and the Pride (Cơn thịnh nộ và niềm tự hào), The Force of Reason (Sức mạnh của lý trí) và The Apocalypse (Ngày tận thế). Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal năm 2005, bà nói: “Châu Âu bây giờ chẳng còn là châu Âu nữa mà là “Eurabia” - một “thuộc địa” của Hồi giáo, nơi sự xâm chiếm Hồi giáo không chỉ hiển hiện ở bề ngoài mà còn cả trong ý nghĩa tinh thần và văn hóa”.

Các tác phẩm của bà bị đả kích dữ dội từ cộng đồng Hồi giáo nhưng cái bóng lừng lẫy Oriana Fallaci vẫn sừng sững. Tờ Libero cùng Massimo Baldini (Bộ trưởng Nội các Silvio Berlusconi) từng vận động để Fallaci được phong thượng nghị sĩ suốt đời. Tháng 8-2005, bà thậm chí được Giáo hoàng Benedict XVI tiếp riêng. Tháng 11 cùng năm, bà được trao giải Annie Taylor của Trung tâm Nghiên cứu văn hóa phổ thông tại New York; tháng 12, bà được trao Ambrogino d’oro (giải vinh dự nhất Milan); được (cựu) Tổng thống Italia Carlo Azeglio Ciampi trao Huy chương Vàng về những đóng góp cho văn hóa (benemerita della cultura).

Tác phẩm của O. Fallaci.

Tác phẩm của O. Fallaci.

Chưa bao giờ kết hôn, Oriana Fallaci từng yêu một trong những người được mình phỏng vấn - nhà thơ - nhà hoạt động xã hội Hy Lạp Alekos Panagoulis, người từng bị kết tội ám sát lãnh đạo quân phiệt Hy Lạp George Papadapoulos năm 1967. Năm 1976, Alekos Panagoulis tử vong trong một tai nạn xe mà Fallaci tin rằng đó thật ra là một vụ ám sát. Sau khi Panagoulis chết, Fallaci viết cuốn sách “Un Uomo” (Một con người) bày tỏ tình cảm tiếc thương.

O. Fallaci qua đời ngày 15-9- 2006 tại nhà riêng ở thành phố Firenze, sau nhiều năm tranh đấu chống bệnh ung thư vú, thọ 77 tuổi. Nhiều nhà văn - nhà báo cùng thời, đã bày tỏ đau buồn khi nghe tin Fallaci từ trần. Kịch tác gia - diễn viên từng đoạt Nobel - Dario Fo chia sẻ : “Chúng ta đã mất một nhà báo lừng danh thế giới, một tác giả thành công vượt trội, một người ủng hộ nhiệt thành trong các cuộc chiến văn hóa sống động”. Tổng thống Italia Giorgio Napolitano nói: “Oriana Fallaci là nhà báo Italia vĩ đại nhất trong thế kỷ qua”.

TRẦN TRUNG SÁNG

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/oriana-fallaci-va-nhung-cuoc-phong-van-lich-su-post296937.html