Ớt và tấm 'hộ chiếu vàng' vào Trung Quốc
Sau gần 3 năm thí điểm xuất khẩu sang Trung Quốc (từ năm 2022-PV), mới đây Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả ớt xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Theo đó, các lô hàng ớt từ vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không được phê duyệt sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc.

Ảnh minh họa: Internet.
Điều kiện để ớt xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Việt Nam hiện là đối tác nông nghiệp lớn của Trung Quốc, nhất là khi Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch hàng loạt nông sản Việt trong bối cảnh mối quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ. Cụ thể, mới đây đã có thêm 4 mặt hàng được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc gồm: Tổ yến, chanh leo, ớt và cám gạo – đều là các mặt hàng có giá trị kinh tế cao và tiềm năng sản xuất lớn.
Theo Nghị định thư, để xuất khẩu an toàn ớt tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc, ớt phải không mang đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm, đất, tàn dư thực vật và tuân thủ các luật, quy định kiểm dịch thực vật có liên quan của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tất cả các vùng trồng và cơ sở đóng gói ớt xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký bởi được Bộ Nông nghiệp và Môi trường và được GACC phê duyệt. Thông tin đăng ký sẽ bao gồm tên, địa chỉ và mã số để bất cứ khi nào phát hiện có sản phẩm không tuân thủ yêu cầu cũng có thể truy xuất được nguồn gốc một cách chính xác.
Danh sách đăng ký sẽ được Bộ Nông nghiệp và Môi trường chuyển đến Tổng cục Hải quan Trung Quốc để phê duyệt trước khi xuất khẩu và sẽ được cập nhập thường xuyên. GACC sẽ công bố danh sách trên trang web của mình sau khi xem xét và phê duyệt. Những mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đã được đăng ký và phê duyệt sẽ được tiếp tục sử dụng sau khi Nghị định thư này được ký.
Dưới sự giám sát của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tất cả các vùng trồng đăng ký xuất khẩu ớt sang Trung Quốc phải thiết lập một hệ thống quản lý chất lượng và hệ thống truy xuất nguồn gốc, áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và đảm bảo các điều kiện vệ sinh cho việc trồng ớt, ví dụ: Duy trì môi trường sản xuất ớt cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ kịp thời các nguồn bệnh thực vật.
Các vùng trồng đã đăng ký sẽ phải thực hiện giám sát sinh vật gây hại và quản lý toàn diện đối với các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm dưới sự giám sát của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Hồ sơ giám sát và kiểm soát sinh vật gây hại của tất cả các vùng trồng phải được lưu giữ trong ít nhất 2 năm và cung cấp cho GACC khi có yêu cầu. Hồ sơ giám sát và kiểm soát sinh vật gây hại ít nhất phải bao gồm các thông tin chi tiết như ngày giám sát, tên sinh vật gây hại được phát hiện, các biện pháp kiểm soát được thực hiện, ngày áp dụng biện pháp, tên hoạt chất và nồng độ của các hóa chất được sử dụng.
Kiểm soát chặt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói
Việc chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển lô hàng ớt xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ được giám sát bởi cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường hoặc cán bộ được Bộ ủy quyền.
Các cơ sở đóng gói ớt xuất khẩu sang Trung Quốc phải có mặt sàn cứng, sạch sẽ và vệ sinh, có khu vực tiếp nhận nguyên liệu và kho thành phẩm. Khu vực chế biến, đóng gói, bảo quản và các khu vực chức năng khác của ớt xuất khẩu sang Trung Quốc phải được bố trí hợp lý, tách biệt với khu vực sinh sống ở khoảng cách thích hợp.
Cơ sở đóng gói đã đăng ký phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo rằng ớt xuất khẩu sang Trung Quốc có thể được truy xuất nguồn gốc.
Đáng chú ý, Nghị định thư cũng nêu rõ, trong năm đầu tiên thực thi, cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải tiến hành kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%. Nếu trong năm đầu tiên này không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống 1%.
Trong trường hợp phát hiện thấy bất kỳ đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm còn sống, tàn dư thực vật hoặc đất, lô hàng sẽ không được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ngoài ra, các lô hàng ớt từ vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không được phê duyệt sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc. Trong trường hợp phát hiện lô hàng không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc, lô hàng sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy.
Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trong thời gian tới, Cục sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn tại các địa phương tổ chức phổ biến các quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm; hướng dẫn thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chanh leo, ớt tươi xuất khẩu sang Trung Quốc; tiếp nhận các vùng trồng và cơ sở đóng gói ớt đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc.
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp chặt chẽ với GACC để tiến hành kiểm tra, phê duyệt mã số cũng như phát hiện và xử lý các lô hàng không tuân thủ nhằm đảm bảo chất lượng đáp ứng các yêu cầu của Nghị định thư đã ký kết…
Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/ot-va-tam-ho-chieu-vang-vao-trung-quoc.html