Panama giữa thế giằng co Mỹ-Trung Quốc
Việc Panama rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) có thể là dấu hiệu cho thấy áp lực ngày càng tăng từ Mỹ trong việc hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở tây bán cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa trở lại Nhà Trắng chỉ vài tuần song căng thẳng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đã bị đẩy lên một mức mới. Bên cạnh những dấu hiệu ban đầu về nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại mới giữa hai cường quốc, việc ông Trump bày tỏ mối quan tâm trong việc đòi lại Kênh đào Panama đã châm ngòi thế giằng co Mỹ-Trung ở khu vực tây bán cầu.
Panama và cạnh tranh Mỹ-Trung
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump liên tục đưa ra những tuyên bố rằng Mỹ cần "lấy lại” Kênh đào Panama và cáo buộc Trung Quốc đang kiểm soát kênh đào này.
![Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (trái) trong chuyến tham quan tại Kênh đào Panama cùng với người quản lý Kênh đào Panama là ông Ricaurte Vasquez hôm 3-2. Ảnh: X](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_114_51443620/8298b0d684986dc63489.jpg)
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (trái) trong chuyến tham quan tại Kênh đào Panama cùng với người quản lý Kênh đào Panama là ông Ricaurte Vasquez hôm 3-2. Ảnh: X
Theo tờ New York Times, cáo buộc từ Tổng thống Trump về sự kiểm soát của Trung Quốc đối với Kênh đào Panama bắt nguồn từ việc 2 cảng ở 2 đầu kênh đào được Hutchison Ports PPC - công ty con của CK Hutchison Holdings có trụ sở tại Hong Kong - điều hành. Sau cáo buộc của ông Trump, Panama đã khởi xướng điều tra đối với công ty này.
Đầu tháng 2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã đến thăm Panama để yêu cầu nước này giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc hoặc phải đối mặt sự trả đũa tiềm tàng từ chính quyền ông Trump. Sau cuộc gặp với ông Rubio, Panama ngày 3-2 đã rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, trở thành quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên chấm dứt hợp tác với BRI.
Việc Panama rút khỏi BRI có thể là dấu hiệu cho thấy áp lực ngày càng tăng từ Mỹ trong việc hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Mỹ Latinh.
Trung Quốc đã phản ứng mạnh quyết định trên của Panama, đồng thời chỉ trích sự can thiệp của Mỹ. Ngày 8-2, theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Triệu Chí Viễn đã gửi công hàm “phản đối mạnh mẽ” tới Đại sứ Panama tại Trung Quốc Miguel Humberto Lecaro Barcenas về việc Panama rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường, theo tờ South China Morning Post.
“Việc lùi bước và 'đi ngược gió' trong hợp tác BRI đi ngược lại kỳ vọng của người dân Trung Quốc và Panama và không nằm trong lợi ích sống còn của Panama” - ông Triệu nói, nhấn mạnh rằng Trung Quốc “kiên quyết” phản đối Mỹ vì “cố tình phá hoại quan hệ Trung Quốc-Panama và bôi nhọ, phá hoại hợp tác BRI thông qua áp lực và đe dọa”.
Ông Triệu nói với Đại sứ Lecaro rằng Bắc Kinh hy vọng phía Panama “sẽ tránh xa sự can thiệp từ bên ngoài và đưa ra quyết định đúng đắn dựa trên tình hình chung của quan hệ song phương và lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước”.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho biết Bắc Kinh "rất lấy làm tiếc" về việc Panama quyết định rút khỏi BRI. "Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ sử dụng áp lực và cưỡng ép để bôi nhọ và phá hoại sự hợp tác theo BRI" - ông Lâm nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ninh cũng bác bỏ cáo buộc từ Mỹ, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh chưa từng can thiệp vào việc quản lý hay vận hành kênh đào. Bà Mao Ninh khẳng định Trung Quốc luôn tôn trọng chủ quyền của Panama và công nhận đây là tuyến đường thủy quốc tế trung lập.
Chính quyền Panama dường như bị kẹt giữa áp lực của Mỹ nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc và sự thúc đẩy kinh tế do các khoản đầu tư "thực dụng" của Bắc Kinh mang lại. Vì vậy, giống như các quốc gia khác trong BRI, Panama phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn trong những năm tới, theo tờ The Conversation.
Tác động ra sao?
Có cả khía cạnh địa kinh tế và địa chính trị trong cuộc đấu tranh tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc về lợi ích liên quan đến Kênh đào Panama. Về mặt chiến lược, kênh đào này thể hiện rõ ràng cách tiếp cận “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump đối với sự cạnh tranh Mỹ-Trung, bắt đầu bằng việc khẳng định lại các lợi ích quan trọng của Mỹ ở tây bán cầu, theo tạp chí The Diplomat.
![Một cảng tại Kênh đào Panama. Ảnh: Kike Calvo/REDUX](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_114_51443620/d2a497eaa3a44afa13b5.jpg)
Một cảng tại Kênh đào Panama. Ảnh: Kike Calvo/REDUX
Là mối quan hệ chiến lược quan trọng nhất của thế kỷ 21, động lực địa chính trị Mỹ-Trung là cuộc cạnh tranh giữa các thế giới quan đối đầu: “Nước Mỹ trên hết” so với “Phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”. Tổng thống Trump tìm cách duy trì quyền bá chủ của Mỹ, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ủng hộ một cấu hình đa cực.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng những áp lực từ chính quyền ông Trump có thể đẩy Panama ra xa vào thời điểm Trung Quốc đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Mỹ Latinh, theo New York Times.
“Những đe dọa của ông Trump có thể làm giảm bớt mong muốn của chính phủ Panama trong việc mở rộng quan hệ kinh tế với Mỹ. Ông ấy có thể sẽ đẩy họ ra xa vào một thời điểm mà có cơ hội thực sự để đưa Panama trở lại trong vòng ảnh hưởng của chúng ta” - ông Ramon Escobar, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho hay.
Đồng quan điểm, ông Evan Ellis - GS nghiên cứu về châu Mỹ Latinh tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Lục quân Mỹ - nói rằng lập trường cứng rắn từ phía chính quyền Trump “tạo cơ hội cho Trung Quốc vô hiệu hóa sức mạnh mềm và tình hữu nghị của Mỹ. Nó làm giảm sức mạnh của Mỹ và tăng cơ hội cho Trung Quốc tham gia cả về chính trị và thương mại [ở Mỹ Latinh]".
Do đó, nếu Mỹ quan tâm đến việc chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, có thể Washington sẽ cần phải đóng vai trò tích cực và chủ động hơn trong khu vực. Tổng thống Panama - ông José Rául Mulino thúc giục Mỹ tăng cường đầu tư vào Panama, cảnh báo rằng sự tách rời của Washington - thể hiện qua giai đoạn 4 năm không có đại sứ Mỹ, từ năm 2018 đến năm 2022 - sẽ tạo ra một khoảng trống mà các quốc gia khác có thể lấp đầy.
Trung Quốc có kiểm soát Kênh đào Panama như cáo buộc của ông Trump?
Kênh đào Panama là tuyến đường quan trọng cho thương mại và quân sự của Mỹ. Washington chiếm 74% lượng hàng hóa qua kênh đào. Tuy nhiên, những cáo buộc của ông Trump về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Kênh đào Panama lại bị phóng đại, theo The Conversation.
Không có bằng chứng nào về cáo buộc của ông Trump liên quan ảnh hưởng của Trung Quốc với kênh đào. Chính phủ Panama quản lý kênh đào thông qua Cơ quan quản lý Kênh đào Panama. Từ năm 1997, CK Hutchison Port Holdings - có cổ phần tại hơn 53 cảng ở 24 quốc gia - đã điều hành Cảng Balboa và Cảng Cristobal ở cả 2 đầu kênh đào. Đây là 2 trong số 5 cảng ở khu vực lân cận.
CK Hutchison Holdings là một trong những nhà đầu tư cảng hàng đầu thế giới và thuộc sở hữu của tỉ phú Lý Gia Thành. Công ty và các dự án không có mối liên hệ trực tiếp nào với BRI.
Nguồn PLO: https://plo.vn/panama-giua-the-giang-co-my-trung-quoc-post833492.html