PC Hòa Bình: Nỗ lực giảm tổn thất điện năng

Để giảm tổn thất điện năng (TTĐN), những năm qua, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) đã nỗ lực đầu tư, cải tạo lưới điện, cũng như nâng cao năng lực quản lý, vận hành.

 Việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng lưới điện là một trong những giải pháp PC Hòa Bình thường xuyên thực hiện nhằm giảm tổn thất điện năng. Ảnh: Nhân viên Điện lực Lạc Sơn bảo trì đường dây điện.

Việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng lưới điện là một trong những giải pháp PC Hòa Bình thường xuyên thực hiện nhằm giảm tổn thất điện năng. Ảnh: Nhân viên Điện lực Lạc Sơn bảo trì đường dây điện.

Là địa bàn miền núi có địa hình phức tạp, việc đầu tư hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Mặc dù người dân ở các vùng quê trong tỉnh đã có điện lưới quốc gia để sử dụng, nhưng nhiều đường dây cũ nát chưa được đầu tư, cải tạo. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp điện, mà còn là một trong những nguyên nhân gây TTĐN.

Đồng chí Lương Văn Phương, Phó Giám đốc PC Hòa Bình cho biết: Những năm qua, vấn đề giảm TTĐN được ngành điện, PC Hòa Bình rất quan tâm. Hàng năm, công ty triển khai thực hiện các giải pháp để giảm TTĐN, trước hết tập trung xử lý các trạm chống quá tải. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã cấy được 75 trạm biến áp (TBA) phân phối chống quá tải và giảm tổn thất tại các TBA có tổn thất cao. Đây là giải pháp giảm TTĐN hiệu quả nhất, vì giảm bán kính cấp điện, tăng điện áp ở cuối đường dây cho các khách hàng sử dụng điện.

Công ty cũng đã nâng cấp các mạch vòng 35 kV Hòa Bình - Tân Lạc, Tân Lạc - Mai Châu, Kỳ Sơn - Lương Sơn, Lạc Sơn - Tân Lạc và Nho Quan - Yên Thủy. Toàn bộ các mạch vòng này đã được kẹp dây, nâng tiết diện dây dẫn 2 lần, hiện đã vận hành ổn định. Nâng công suất trạm trung gian Cao Dương từ 3.200 kVA lên 6.000 kVA, chống quá tải đường dây 22 kV khu vực Cao Thắng (Lương Sơn) để giảm tổn thất. Một số TBA có đường dây 0,4 kV cũ nát đã được sửa chữa, cải tạo, đảm bảo cấp điện và giảm tổn thất. Các Điện lực cũng đã thực hiện kiểm tra khách hàng sử dụng điện, niêm phong hệ thống đo đếm, giảm sự can thiệp của khách hàng đối với hệ thống đo đếm.

Trước thực trạng ở nhiều khu vực nông thôn vẫn còn dùng công tơ dòng nhỏ, lạc hậu, là một trong những nguyên nhân gây TTĐN, PC Hòa Bình tập trung thay thế công tơ định kỳ. Từ đầu năm đến nay, công ty đã thay được khoảng 36 nghìn công tơ, nhiều nhất từ trước đến nay. Đã đầu tư vào lưới điện được 14.000 công tơ điện tử thay thế công tơ cơ khí. Việc thay công tơ điện tử giúp mỗi TBA giảm TTĐN từ 1 - 2%. Với những giải pháp đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ TTĐN của PC Hòa Bình đã giảm dần qua các năm. Nếu năm 2016, tỷ lệ TTĐN trên 10%, đến năm 2019 giảm còn 6,9%. Năm 2020, công ty được giao giảm tỷ lệ này còn 6,78%.

Trong 10 tháng qua, tỷ lệ TTĐN của Công ty là 8,67%. Trong đó, tổn thất lưới điện cao thế chiếm 1,88%; lưới điện trung thế chiếm 3,4%; lưới điện hạ thế chiếm 3,6%. Đồng chí Lương Văn Phương, Phó Giám đốc PC Hòa Bình cho biết thêm: Theo quy luật hàng năm, tổn thất tăng cao vào mùa hè (các tháng 4, 5, 6) và giảm xuống từ tháng 9 đến cuối năm. Với kết quả trong 10 tháng năm nay, dự kiến mức TTĐN của toàn công ty sẽ giảm theo kế hoạch. Để tiếp tục giảm TTĐN, trong thời gian tới, Công ty tiếp tục tập trung đầu tư, cải tạo hạ tầng lưới điện, thay thế công tơ điện tử, nhất là ở khu vực nông thôn. PC Hòa Bình đặt mục tiêu đến hết năm 2021, tỷ lệ TTĐN giảm xuống dưới 6,7%.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/147282/pc-hoa-binh-no-luc-giam-ton-that-dien-nang.htm