PCI 2024: Doanh nghiệp trả chi phí không chính thức vẫn ở mức cao
Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024 (PCI 2024), thước đo đánh giá của gần 10.000 doanh nghiệp trên toàn quốc về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường đầu tư của chính quyền địa phương, đã được công bố ngày 6/5, tại Hà Nội.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trao kỉ niệm chương cho top 10 tỉnh, thành có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2024.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2024 (PCI 2024). Đây cũng là lần cuối cùng PCI được công bố với đầy đủ 63 tỉnh, thành phố trước khi quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh diễn ra vào cuối năm nay.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, chỉ số PCI không đơn thuần là bảng xếp hạng mà còn là một công cụ thúc đẩy cải cách hành chính mạnh mẽ, là nơi doanh nghiệp nói lên tiếng nói thực tiễn, là nơi chính quyền lắng nghe và hành động.
Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trong năm 2025, vai trò của PCI như một “radar chính sách” giúp phát hiện sớm những điểm nghẽn, rào cản vô hình, từ đó kiến tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi, an toàn và công bằng.
Hải Phòng vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng
Trong bảng xếp hạng năm nay, Hải Phòng vươn lên vị trí dẫn đầu với 74,84 điểm, tăng 4,5 điểm, tương đương tăng 2 bậc xếp hạng so với xếp hạng năm 2023.
Đây là năm đầu tiên Hải Phòng dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, sau khi đã có 4 năm liên tiếp nằm trong Top 3, đồng thời có 7 năm nằm trong Top 10.
Năm 2006, khi chỉ số PCI bắt đầu chính thức đánh giá, PCI của Hải Phòng chỉ xếp hạng thứ 41/63 tỉnh, thành phố. Liên tục từ năm 2006 đến năm 2011, chỉ số PCI của thành phố duy trì mức xếp hạng trong vị trí thấp từ 36-48.
Tuy nhiên, giai đoạn 2019-2024, chỉ số PCI của Hải Phòng bắt đầu có bước chuyển biến mạnh mẽ, liên tục chinh phục các vị trí xếp hạng cao hơn và giữ vững Top đầu qua các năm. Đặc biệt từ năm 2021 đến nay, Hải Phòng luôn nằm trong top 3.
Các địa phương khác là Quảng Ninh, Long An, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục giữ vững vị trí trong Top 5.
Đặc biệt, Hưng Yên lần đầu tiên góp mặt trong Top 10, bên cạnh Thừa Thiên - Huế, Hậu Giang, Phú Thọ, Đồng Tháp.
Theo ông Công, báo cáo PCI 2024 cho thấy một bức tranh tích cực về cải thiện điều hành kinh tế cấp tỉnh. Theo đó, điểm số trung vị đạt 67,67 điểm, tăng 1 điểm so với năm trước và là năm thứ tám liên tiếp vượt mốc 60 điểm - ngưỡng được xem là phản ánh một môi trường kinh doanh thuận lợi.
Đặc biệt, chỉ số PCI gốc phản ánh chất lượng điều hành kinh tế cốt lõi đạt 68,18 điểm, tiếp tục cải thiện liên tục kể từ năm 2016.
"Đây là kết quả của sự bền bỉ, kiên trì cải cách của nhiều địa phương và sự giám sát tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp", ông Công đánh giá.

Theo Chủ tịch VCCI, đằng sau những con số trên là câu chuyện của sự chuyển mình, của nỗ lực và sáng tạo. Đó là hành trình mà PCI đã đồng hành cùng các địa phương để thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hành động vì sự phát triển bền vững và bao trùm.
Báo cáo năm nay cho thấy những chuyển biến tích cực trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân - trụ cột quan trọng cho tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.
Chi phí không chính thức trong kinh doanh có điều kiện gần 55%
Tuy nhiên, kết quả PCI 2024 cũng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục, đặc biệt là tiếp cận đất đai, chi phí tuân thủ pháp luật và sự suy giảm tính năng động của bộ máy chính quyền địa phương.
Tại báo cáo PCI 2024, gần 37% doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức, tăng nhẹ so với 33% năm 2023. Tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra lên đến 28% (so với 16% năm trước). Tỷ lệ này khi thực hiện thủ tục kinh doanh có điều kiện lên gần 55% (cao hơn nhiều so với 2023); về thủ tục đất đai là khoảng 50% (so với gần 38% năm 2023).
Báo cáo PCI 2024 cũng chỉ ra tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức trong đấu thầu công ở địa phương cũng nhích từ 27,6% năm 2023 lên 28,6% năm 2024. Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận điểm tích cực khi chỉ 2,3% doanh nghiệp cho biết chi phí không chính thức chiếm trên 10% doanh thu, tiếp nối xu hướng giảm dần đều từ 2010. So với mức gần 13% năm 2006 (năm khảo sát đầu tiên), gánh nặng chi phí không chính thức đã giảm rất mạnh. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp có tranh chấp nhưng không khởi kiện do lo ngại tình trạng “chạy án” cũng giảm rõ rệt từ 53% năm 2023 xuống còn 44% năm 2024.
"PCI đóng vai trò như một radar chính sách, giúp phát hiện sớm những điểm nghẽn, những rào cản vô hình, từ đó kiến tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi, an toàn và công bằng. Đặc biệt, trong bối cảnh Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định về vai trò của kinh tế tư nhân cần trở thành “đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 68 ngày 4/5 về phát triển kinh tế tư nhân thì PCI sẽ tiếp tục trở thành nguồn dữ liệu thực tiễn quý giá để hoạch định chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, vươn tầm khu vực và toàn cầu, trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế nước ta", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.