Petronas theo đuổi mục tiêu Net-Zero như thế nào

Petronas là NOC châu Á đầu tiên công bố mục tiêu không phát thải ròng carbon phạm vi 1 và 2. Công ty dầu khí này cũng ngày càng quan tâm đến lĩnh vực NLTT.

Là một công ty hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước, Petronas không phải đối mặt với áp lực liên quan đến khí hậu từ các nhà đầu tư tư nhân, song nguồn tài nguyên hạn chế và những thách thức dài hạn đối với khí đốt đã thúc đẩy công ty thay đổi chiến lược. Theo đó, hãng đặt mục tiêu giảm cường độ phát thải để vẫn duy trì vị thế là nhà cung cấp LNG cạnh tranh, vừa đa dạng hóa cơ sở doanh thu bằng cách chuyển sang NLTT và hydro.

Petronas đã công bố nhiều dữ liệu về phát thải hơn trong vài năm qua. Giống như Ecopetrol, hãng sẽ dựa vào các biện pháp giảm sự bùng phát khí đốt, rò rỉ khí metan và cách sử dụng năng lượng hiệu quả để giảm cường độ phát thải. Petronas cũng đã chia sẻ ý tưởng về quản lý phát thải khí metan với các NOC khác ở khu vực Đông Nam Á. Là một nhà sản xuất LNG quan trọng, Petronas đặt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải từ các cơ sở hóa lỏng. Dự án LNG Canada (nơi Petronas nắm giữ 25% cổ phần) sẽ được cung cấp nguồn thủy điện sạch và Petronas đang tìm hiểu các phương án để cung cấp thủy điện cho dự án phức hợp Bintulu LNG ở Malaysia.

Cắt giảm khí thải GHG của Petronas. CSIS.

Cắt giảm khí thải GHG của Petronas. CSIS.

Vào năm 2018, Petronas đã thành lập một đơn vị kinh doanh khí và năng lượng mới để mở rộng sang lĩnh vực NLTT và thu gom, lưu trữ, tái sử dụng carbon. Hãng đã mua lại công ty Ấn Độ Amplus Energy Solutions (chuyên cung cấp các giải pháp lưu trữ pin và năng lượng mặt trời) vào năm 2019. Petronas đặt mục tiêu nâng công suất NLTT lên 3.000 MW vào năm 2024 (từ 762 MW công suất hiện tại). Trong thời gian dài hơn, Petronas đang lên kế hoạch phát triển hydro, khám phá tiềm năng cho các dự án hydro và amoniac “xanh” ở Malaysia và phát triển hydro “xanh” ở Canada. Năm ngoái, NOC này thông báo sẽ phân bổ 9% chi phí đầu tư cho NLTT trong giai đoạn 2021 - 2025.

Một số yếu tố trong chiến lược không phát thải ròng của Petronas ít được chú trọng hơn. Công ty đặt mục tiêu hạn chế phát thải khí nhà kính từ các hoạt động dầu khí ở Malaysia vào năm 2024 nhưng thiếu mục tiêu tương tự cho các tài sản hoạt động ở nước ngoài. Cam kết trung lập carbon năm 2050 của Petronas lưu ý rằng, họ sẽ dựa vào lượng bù đắp carbon để cân bằng lượng phát thải khí nhà kính còn lại trong phạm vi 1 và phạm vi 2 từ các tài sản dầu khí đã vận hành, bao gồm cả bù đắp dựa vào năng lượng và nhờ tài nguyên rừng. Tính toán cơ bản của Petronas, đặc biệt là bù đắp dựa trên năng lượng đã đặt ra sự hoài nghi. Gần đây, Petronas đã bán một lô hàng LNG trung hòa carbon nhưng không tiết lộ nhiều chi tiết về việc tính toán lượng khí thải hoặc chất lượng của sự bù đắp carbon làm cơ sở cho giao dịch thương mại này.

Đây là những bước đầu cho kế hoạch chuyển đổi của Petronas, nhưng có một vài yếu tố đáng để làm nổi bật. Đầu tiên, ban lãnh đạo Petronas đang định hướng chiến lược, trái ngược với các nhà đầu tư tư nhân hoặc thậm chí là của chính phủ Malaysia? Petronas không tránh khỏi áp lực từ những người cho vay và thị trường vốn. Hãng có một số công ty con được niêm yết và các mối quan hệ đối tác rộng lớn, đòi hỏi phải dịch chuyển theo xu hướng của ngành. Những điều này cũng cho thấy rằng, các công ty hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước có thể áp dụng các chiến lược chủ động. Thứ hai, trong việc tìm cách cắt giảm cường độ phát thải tại các cơ sở hóa lỏng và cung cấp LNG trung hòa carbon, Petronas dự báo nhu cầu của người mua sẽ thay đổi như thế nào trong một thị trường hạn chế carbon? Các NOC không thực hiện điều chỉnh tương tự sẽ mất lợi thế cạnh tranh.

Viễn Đông

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/petronas-theo-duoi-muc-tieu-net-zero-nhu-the-nao-642169.html