Petrovietnam - Đổi mới sáng tạo để bứt phá

Một loạt giải pháp trọng tâm về khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) đã được triển khai tại Petrovietnam nhằm tạo động lực mới, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh để Tập đoàn bứt phá, tăng trưởng với tốc độ '2 con số' trong năm 2025.

Petrovietnam xác định KHCN, ĐMST và CĐS là “chìa khóa” để Tập đoàn duy trì vị thế hàng đầu trong ngành năng lượng và đối mặt với thách thức của chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Petrovietnam xác định KHCN, ĐMST và CĐS là “chìa khóa” để Tập đoàn duy trì vị thế hàng đầu trong ngành năng lượng và đối mặt với thách thức của chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

“Chìa khóa” duy trì vị thế đầu ngành

Quán triệt Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia; cùng các Nghị quyết, chỉ đạo, định hướng của các cấp về phát triển KHCN, ĐMST, CĐS; cũng như những định hướng phát triển ngành năng lượng, ngành Dầu khí và Petrovietnam trong giai đoạn tới; Ban Thường vụ Đảng ủy Petrovietnam đã thống nhất ban hành Nghị quyết 951-NQ/ĐU về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS, tạo động lực mới, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh để Tập đoàn bứt phá, tăng trưởng với tốc độ “2 con số” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự đồng thuận cao từ Công ty mẹ đến các doanh nghiệp, đơn vị trong Tập đoàn; huy động cả hệ thống chính trị Tập đoàn, từ cán bộ, đảng viên đến người lao động trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Trong bối cảnh tiềm năng, trữ lượng dầu khí còn lại không nhiều, môi trường kinh doanh ngày càng nhiều biến động và thách thức, Tập đoàn xác định KHCN, ĐMST và CĐS là “chìa khóa” để Petrovietnam duy trì vị thế hàng đầu trong ngành năng lượng và đối mặt với thách thức của chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Định hướng này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đáp ứng yêu cầu của bối cảnh hiện nay, nhất là khi Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia, xác định phát triển KHCN, ĐMST và CĐS đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Petrovietnam đặt ra các mục tiêu tổng quát, đến năm 2030, tiềm lực, trình độ KHCN, ĐMST và CĐS của Tập đoàn đạt mức tiên tiến của khu vực ở nhiều lĩnh vực quan trọng, một số lĩnh vực đạt trình độ quốc tế. KHCN, ĐMST và CĐS được phát triển thành động lực tăng trưởng mới, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, góp phần quyết định đưa toàn Tập đoàn tăng trưởng bền vững với tốc độ “2 con số”, vươn tầm trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia có tiềm lực mạnh, quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế, nằm trong danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới (Fortune Global 500).

Nghị quyết 951-NQ/ĐU về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS của Đảng ủy Tập đoàn là giải pháp đột phá quan trọng hàng đầu; động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn Tập đoàn; nền tảng vững chắc để Tập đoàn tăng tốc, vươn tầm trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia. Cùng với đó, các quy chế/quy định, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng: toàn thể đơn vị trong Petrovietnam cần tận dụng sức mạnh thời đại, ứng dụng KHCN tạo sự đồng bộ, hình thành cơ sở dữ liệu chung; tập trung đẩy nhanh và mạnh việc ứng dụng KHCN, CĐS, ĐMST trong quản lý, quản trị điều hành hoạt động một cách đồng bộ từ Công ty mẹ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên; ứng dụng 100% mô hình “văn phòng điện tử” trong toàn Tập đoàn. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng công nghệ lõi phục vụ mục tiêu chiến lược ngành Dầu khí, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển ngành; xác định nghiên cứu khoa học là giải pháp mấu chốt, trọng yếu trong việc triển khai nhiệm vụ các năm tới để tăng năng suất, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn nhằm đảm bảo doanh thu, lợi nhuận và mục tiêu chiến lược trong bước chuyển mình của Tập đoàn.

Đẩy mạnh xây dựng công nghệ lõi phục vụ mục tiêu chiến lược ngành Dầu khí

Đẩy mạnh xây dựng công nghệ lõi phục vụ mục tiêu chiến lược ngành Dầu khí

7 giải pháp trọng tâm

Nghị quyết 951-NQ/ĐU được ban hành nhằm tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của từng người lao động đối với phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. Từ đó, một loạt các giải pháp trọng tâm đang được đẩy mạnh trong toàn Tập đoàn.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn Tập đoàn về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Tập đoàn về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS, xác định rõ trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện. Người đứng đầu phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện.

Thứ hai, sắp xếp lại hệ thống ĐMST của Petrovietnam, hoàn thiện các quy chế/quy định, nâng cao năng lực quản trị KHCN, ĐMST, CĐS. Sắp xếp lại hệ thống KHCN, ĐMST của Tập đoàn và các đơn vị thành viên theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi các hoạt động ĐMST từ nghiên cứu phát triển - ứng dụng - thương mại hóa. Xây dựng Trung tâm Khoa học Công nghệ - Đổi mới sáng tạo - Đào tạo là nơi hội tụ trí tuệ, thống nhất, tập trung nguồn lực về KHCN, ĐMST và CĐS toàn Tập đoàn.

Phát triển đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học đủ năng lực, trình độ đáp ứng việc giảng dạy các công nghệ then chốt của Tập đoàn; đẩy mạnh hợp tác với các đại học, viện nghiên cứu uy tín của nước ngoài; đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, hiện đại hóa phương thức đào tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là AI.

Thứ ba, thường xuyên đo lường và áp dụng các giải pháp quản trị, công nghệ, đào tạo để nâng cao năng suất lao động từ các nhân tố tổng hợp (TFP: đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất/cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động). Áp dụng sâu rộng các công nghệ tiên tiến vào quy trình sản xuất và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả tổng thể, đặc biệt là sử dụng các thiết bị tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) và các phần mềm chuyên dụng.

Đo lường và áp dụng các giải pháp quản trị, công nghệ, đào tạo để nâng cao năng suất lao động

Đo lường và áp dụng các giải pháp quản trị, công nghệ, đào tạo để nâng cao năng suất lao động

Triển khai một cách có hệ thống các công cụ quản trị hiện đại nhằm tối ưu hóa quy trình làm việc, giảm thiểu lãng phí thời gian và nguồn lực, bao gồm áp dụng các mô hình quản trị tinh gọn, hệ thống quản lý dự án tiên tiến, phần mềm theo dõi tiến độ công việc và các công cụ công tác trực tuyến; Tăng cường ứng dụng các hệ thống quản lý tích hợp để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, tối ưu hóa quan hệ khách hàng và nâng cao khả năng thích ứng nhanh với những biến động của thị trường, góp phần giảm thiểu chi phí quản lý và tối đa hóa hiệu quả hoạt động tổ chức.

Thứ tư, tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho phát triển KHCN, ĐMST và CĐS toàn Tập đoàn - Công ty mẹ và các doanh nghiệp trong Petrovietnam, hằng năm đầu tư tối thiểu 2% doanh thu hợp nhất hoặc tối thiểu 10% lợi nhuận hợp nhất cho phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.

Xây dựng kế hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng kết nối (có dây/không dây) cho toàn Tập đoàn, tiêu chuẩn hóa các trung tâm dữ liệu, chuyển dịch ứng dụng truyền thống thành điện toán đám mây. Nghiên cứu và phát triển hệ thống hỗ trợ quản lý thông qua Internet vạn vật, hệ thống giám sát điều hành tập trung, phản tích cảnh báo rủi ro trong quản trị doanh nghiệp và tiến tới xây dựng các công trình nhà máy công xưởng thông minh. Tăng cường xây dựng và bổ sung tạo lập dữ liệu mới bằng việc triển khai các chiến dịch số hóa để chuyển đổi các đối tượng quản lý lên môi trường số. Xây dụng hệ thống siêu dữ liệu cho Công ty mẹ và kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị trong Tập đoàn.

Thứ năm, phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia. Tăng cường đầu tư, đổi mới, nâng cao chất lượng tuyển dụng, đào tạo, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, ĐMST và CĐS theo tiêu chuẩn quốc tế; ưu tiên đào tạo bổ sung cho những năng lực, lĩnh vực còn thiếu. Có cơ chế, chính sách hấp dẫn về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi, nhất là ở các trình độ sau đại học; thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các “tổng công trình sư” trong và ngoài nước có khả năng tổ chức, điều hành, chỉ huy, triển khai các nhiệm vụ trọng điểm về KHCN, ĐMST và CĐS, phát triển AI và đào tạo nguồn nhân lực.

Xây dựng khoa đào tạo tiên tiến chuyên sâu về AI trong Trung tâm Khoa học Công nghệ - Đổi mới sáng tạo - Đào tạo của Tập đoàn. Xây dựng nền tảng giáo dục, đào tạo trực tuyến, mô hình giáo dục đại học số, nâng cao năng lực số trong toàn Tập đoàn. Xây dựng, kết nối và phát triển mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Thứ sáu, nâng cao quy mô và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, CĐS, phục vụ phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Ban hành Chương trình phát triển công nghệ chiến lược, chủ lực gắn liền với các mục tiêu Chiến lược của toàn Tập đoàn để tập trung nguồn lực, tránh bị phân tán; có cơ chế thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ chiến lược, chủ lực.

Khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu chung cho ngành Dầu khí; xác lập cơ chế bảo đảm dữ liệu thành nguồn tài nguyên tư liệu sản xuất quan trọng; phát triển mạnh mẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo dựa trên dữ liệu lớn.

Thứ bảy, tăng cường hợp tác, xây dựng và phát triển hệ sinh thái sáng tạo mở. Có chính sách đủ mạnh khuyến khích tinh thần khởi nghiệp về KHCN, ĐMST và CĐS, cùng với chính sách hỗ trợ khởi nghiệp trong doanh nghiệp, đơn vị trong Tập đoàn. Chủ động tìm kiếm các đối tác chiến lược về KHCN, ĐMST và CĐS. Có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra.

Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở toàn Tập đoàn liên kết chặt chẽ với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của quốc gia và thế giới. Trong đó Công ty mẹ thực hiện định hướng, điều phối, kiến tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho hoạt động hiệu quả của toàn hệ sinh thái; các doanh nghiệp, đơn vị trong Tập đoàn làm trung tâm thử nghiệm và ứng dụng công nghệ; Trung tâm Khoa học Công nghệ - Đổi mới sáng tạo - Đào tạo là nền tảng, trụ cột nghiên cứu phát triển và đào tạo KHCN, ĐMST và CĐS toàn Tập đoàn.

Bên cạnh đó, Tập đoàn và các đơn vị thuộc lĩnh vực hoạt động chính hàng năm đã và đang chủ động đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và các ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị điều hành doanh nghiệp. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo về CĐS cho các cấp lãnh đạo quản lý cũng như CBNV Tập đoàn; các buổi hội thảo chuyên đề để trao đổi, chia sẻ, giới thiệu các giải pháp công nghệ thông tin ứng dụng trong lĩnh vực năng lượng từ các chuyên gia có kinh nghiệm nhằm hỗ trợ công tác CĐS tại Petrovietnam và các đơn vị thành viên.

Công tác tuyên truyền, phổ biến được Tập đoàn và các đơn vị triển khai thông qua nhiều hình thức như: đăng bài trên các kênh thông tin điện tử của Tập đoàn (website, PetroTimes, Intraweb), phổ biến bằng văn bản, tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị, các cuộc họp chuyên đề, cuộc thi tìm hiểu về CĐS... nhằm phổ biến đến toàn bộ CBNV trong toàn Tập đoàn về chủ trương của Đảng ủy và Tập đoàn về công tác CĐS.

Để thực hiện hiệu quả các giải pháp ứng dụng KHCN, ĐMST và CĐS cần có sự đồng thuận, nhất trí cao, từ Công ty mẹ đến các doanh nghiệp, đơn vị trong toàn Tập đoàn, từ cán bộ lãnh đạo các đơn vị thành viên đến người lao động, toàn hệ thống chính trị Petrovietnam quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu đề ra.

Phương Thảo

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/petrovietnam-doi-moi-sang-tao-de-but-pha-724011.html