Petrovietnam gắn liền với sự phát triển của đất nước

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) là một trong những trụ cột kinh tế của đất nước. Petrovietnam đã trải qua nhiều thăng trầm để cho thấy rằng vai trò của Tập đoàn là cần thiết và không thể thay thế trong tiến trình phát triển của Việt Nam.

Qua 6 thập niên xây dựng và phát triển, Petrovietnam là một trong những đơn vị kinh tế lâu đời nhất của đất nước ta. Tập đoàn đã trải qua các thời kỳ với mô hình khác nhau như: Tổng cục Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, đến nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Từ mô hình doanh nghiệp thuần nhà nước, đến mô hình doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế, Petrovietnam không chỉ phát triển về cả quy mô sản xuất kinh doanh, vốn điều lệ mà ngày càng giữ vai trò xương sống về an ninh năng lượng (thăm dò khai thác dầu - khí), an ninh lương thực (sản xuất phân bón) và cả an ninh quốc phòng (tham gia bảo vệ chủ quyền và biên giới quốc gia trên biển).

Petrovietnam hướng đến phát triển điện gió ngoài khơi.

Petrovietnam hướng đến phát triển điện gió ngoài khơi.

Hiện nay, Petrovietnam đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến chế biến dầu khí, công nghiệp khí, điện và dịch vụ dầu khí. Từ chỗ không có dầu khí, đến nay công tác tìm kiếm thăm dò đã xác định được trữ lượng dầu khí của các phát hiện tới trên 1,4 tỉ tấn quy dầu; đã nghiên cứu đánh giá tiềm năng còn lại của Việt Nam là 1,6-2,8 tỉ tấn quy dầu. Cho đến nay, Tập đoàn đã khai thác được 414,3 triệu tấn dầu và 168,6 tỉ m3 khí. Bởi vậy, có thể khẳng định rằng với trữ lượng đã phát hiện và tiềm năng, dầu khí của nước ta vẫn đủ khả năng cân đối bền vững cho hoạt động khai thác, bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước trong những thập niên tới.

Cụm mỏ Đại Hùng.

Cụm mỏ Đại Hùng.

Petrovietnam luôn tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế. Song song với việc thu hút đầu tư từ các công ty dầu khí quốc tế để phát triển các hoạt động dầu khí ở trong nước, Tập đoàn đã tích cực tìm kiếm, mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Petrovietnam là đơn vị duy nhất ngay từ đầu đã hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế trong sản xuất kinh doanh, thể hiện đầy đủ đường lối và chủ trương của Đảng và Nhà nước trong nguyên tắc “hai bên cùng có lợi”, tôn trọng luật pháp quốc tế. Từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác với bạn bè quốc tế từ chính sách “đổi dầu lấy lương thực”, hợp tác chuyển giao công nghệ thăm dò khai thác dầu khí, sản xuất phân bón chất lượng cao, phát triển công nghệ điện khí cho đến công nghệ sản xuất năng lượng xanh…

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - Động lực kinh tế miền Trung.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - Động lực kinh tế miền Trung.

Không chỉ phát triển thăm dò khai thác dầu khí trên biển, trong nhiều năm qua Petrovietnam cũng đã trở thành nòng cốt, là hạt nhân trong việc hình thành các khu công nghiệp tập trung tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai - Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất - Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Vũng Áng - Hà Tĩnh, Nghi Sơn - Thanh Hóa... Đáng nói ở chỗ để xây dựng các nhà máy, các khu liên hợp lọc hóa dầu có vốn đầu tư hàng trăm nghìn tỉ đồng tại các địa phương nêu trên hoàn toàn phục vụ chiến lược phát triển kinh tế đất nước với mục đích cao nhất là phát triển các vùng khó khăn, nghèo đói, tài nguyên ít để từ đó nâng cao đời sống người dân, thu hút lao động và nâng cao trình độ sản xuất, kinh tế vùng.

Có những thời kỳ đỉnh cao khi Petrovietnam đã nộp ngân sách tới gần 30% GDP của cả nước. Nhưng cũng phải nhắc đến giai đoạn khủng hoảng của dầu khí thế giới trong thập niên vừa qua, khi giá dầu liên tục thấp, có thời điểm còn thủng “đáy”, Petrovietnam gặp không ít khó khăn, nhiều mỏ dầu khai thác lên còn bị lỗ, cộng với biến động nhân sự cấp cao của Tập đoàn nên đã có một số ý kiến cho rằng xem xét việc “giải thể Petrovietnam”.

Sau khi xem xét nghiêm túc các vấn đề tồn tại, cùng với nỗ lực vượt khủng hoảng của Petrovietnam, lãnh đạo Đảng và Nhà nước vẫn đặt niềm tin vào người dầu khí, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn về chính sách, cơ chế. Đặc biệt sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi Luật Dầu khí, thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển ngành Dầu khí, bảo đảm an ninh năng lượng, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về dầu khí. Đồng thời khẳng định vai trò của Petrovietnam là đơn vị đại diện cho quyền, lợi ích của Việt Nam.

Công nghiệp khí là một trong những lĩnh vực trụ cột, phát triển năng động của Petrovietnam hiện nay.

Công nghiệp khí là một trong những lĩnh vực trụ cột, phát triển năng động của Petrovietnam hiện nay.

Hiện nay, Petrovietnam đã gần như hoàn chỉnh hệ thống tổ chức hoạt động theo mô hình toàn tập đoàn, thực hiện thành công tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi. Xây dựng được đội ngũ những người làm dầu khí hùng hậu, với số lượng lao động gần 60.000 người có trình độ cao, đủ khả năng làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong và ngoài nước. Người lao động dầu khí luôn có ý thức, trách nhiệm cao trong chia sẻ với cộng đồng, hằng năm đóng góp cho công tác an sinh xã hội khoảng 500 tỉ đồng mỗi năm. Riêng năm 2021, cùng với các hoạt động hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 là hơn 1.000 tỉ đồng.

Với trách nhiệm đối với sự phát triển kinh tế đất nước, trong những năm qua Petrovietnam cũng đang tích cực thí điểm, nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới, giảm tỉ lệ phát thải của các nhà máy sản xuất công nghiệp, lọc hóa dầu, xung phong vào tiến trình xây dựng các nhà máy điện gió trên biển, trên đất liền cũng như các sản phẩm nhiên liệu sạch, xử lý các vấn đề ô nhiễm không khí, đất, nước biển.

Có thể thấy rằng, Petrovietnam là một Tập đoàn kinh tế gắn liền đối với tiến trình phát triển của Việt Nam. Tập đoàn đã và đang khẳng định giá trị của mình bằng hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng được nâng cao và thể hiện trách nhiệm đối với xã hội của doanh nghiệp Nhà nước tiêu biểu.

An An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/petrovietnam-gan-lien-voi-su-phat-trien-cua-dat-nuoc-i673175/