PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm: Người mở đường cho lúa bạc tỷ Việt Nam

PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm đã ghi dấu ấn đậm nét với việc nghiên cứu, phát triển giống lúa lai hai dòng TH3-3 - một thành tựu khiến giới khoa học 'chấn động'.

PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là 1 trong 135 nhà khoa học được tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu năm 2024 (do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức).

 PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm trong lễ Tôn vinh Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu. Ảnh: Mai Loan.

PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm trong lễ Tôn vinh Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu. Ảnh: Mai Loan.

Cả cuộc đời gắn với cây lúa, với nhà nông, bà đã góp phần làm rạng danh nền nông nghiệp Việt Nam khi cho ra đời hàng loạt giống lúa mới, chất lượng cao, giàu giá trị kinh tế, trong đó, chọn tạo và phát triển thành công giống lúa lai hai dòng TH3-3.

Tháng 6/2008, PGS.TS. AHLĐ Nguyễn Thị Trâm khiến cả giới khoa học "chấn động", khi chuyển nhượng thành công giống lúa lai hai dòng TH3-3 với giá kỷ lục 10 tỷ đồng, tạo ra khích lệ lớn đối với ngành khoa học nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực giống.

Hành trình chinh phục lai hai dòng

Lúa lai là một trong những hướng đi quan trọng để gia tăng sản lượng lúa gạo, đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng cao. Trên thế giới, lúa lai ba dòng đã được phát triển mạnh, đặc biệt là tại Trung Quốc. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi quy trình sản xuất hạt giống phức tạp và chi phí cao. Trong bối cảnh đó, lúa lai hai dòng xuất hiện như một giải pháp hiệu quả hơn, với quy trình nhân giống đơn giản hơn, năng suất cao và dễ áp dụng hơn trong điều kiện sản xuất ở Việt Nam.

 PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm dành cả cuộc đời gắn bó với cây lúa, với nhà nông. Ảnh: NVCC.

PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm dành cả cuộc đời gắn bó với cây lúa, với nhà nông. Ảnh: NVCC.

Những năm 1990, PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm đã bắt tay vào nghiên cứu hệ thống lúa lai hai dòng, một lĩnh vực còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Với tinh thần kiên trì và sáng tạo, bà đã lai tạo thành công giống TH3-3, mở ra một chương mới cho ngành lúa lai của nước ta.

Giống lúa lai hai dòng TH3-3 được tạo ra từ tổ hợp T1S-96/R3. Trong đó, T1S-96 là dòng mẹ bất dục đực nhiệt độ, còn R3 là dòng bố có khả năng phục hồi mạnh. Đây là sự kết hợp độc đáo giúp giống lúa này vừa có khả năng sinh trưởng mạnh mẽ, vừa đạt năng suất cao trong nhiều điều kiện canh tác khác nhau.

Lúa có nhiều ưu điểm, đó là thời gian sinh trưởng ngắn: Vụ mùa từ 105-115 ngày, vụ xuân từ 115-125 ngày, giúp rút ngắn thời gian canh tác và phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau. Năng suất cao, đạt trung bình 6-7 tấn/ha, thậm chí có nơi lên đến 8 tấn/ha, cao hơn nhiều so với các giống lúa thuần truyền thống.

Giống lúa này cũng có khả năng thích nghi tốt, phù hợp với nhiều vùng trồng lúa trên cả nước, từ miền Bắc đến miền Trung và Tây Nguyên. Với thân cứng, giống lúa này chống đổ ngã tốt, đặc biệt thích nghi trên đất ba vụ (hai vụ lúa, một vụ màu). Ngoài ra, TH3-3 còn kháng tốt với một số bệnh hại chính như bạc lá, khô vằn, đạo ôn.

Đặc biệt, giống lúa này cho chất lượng gạo vượt trội. Hạt gạo dài trên 7mm, khi nấu cho cơm dẻo, mềm, có vị đậm đà, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Sự thành công của TH3-3 không chỉ là một thành tựu khoa học mà còn có tác động to lớn đến ngành sản xuất lúa gạo và đời sống nông dân.

Ngay sau khi được đưa tới tay bà con nông dân, TH3-3 được nhân rộng trên 60% diện tích trồng lúa lai của cả nước, trở thành một trong những giống lúa chủ lực, tăng thu nhập cho nông dân. Nhờ năng suất cao, giá thành hạt giống hợp lý, bà con nông dân có thể đạt lợi nhuận tốt hơn so với nhiều giống lúa thuần khác.

Trước khi TH3-3 ra đời, phần lớn lúa lai tại Việt Nam phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Việc tự chủ về công nghệ lúa lai hai dòng không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn đảm bảo tính bền vững cho ngành nông nghiệp trong nước.

Việc sản xuất và nhân giống lúa lai yêu cầu sự tham gia của nhiều lao động nông nghiệp có tay nghề. Điều này giúp tạo ra công ăn việc làm ổn định, đặc biệt là ở những vùng chuyên canh lúa.

Năm 2008, PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm đã ký hợp đồng chuyển nhượng bản quyền giống lúa TH3-3 với giá trị 10 tỷ đồng cho Công ty TNHH Cường Tân. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử trong ngành lúa gạo Việt Nam, khi một giống lúa do nhà khoa học trong nước nghiên cứu lại có giá trị thương mại cao đến như vậy. Thành công này không chỉ khẳng định giá trị của khoa học nông nghiệp mà còn mở đường cho các giống lúa Việt Nam vươn ra thị trường.

Dành sự tri ân sâu sắc tới bà con nông dân

PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm sinh ngày 14/3/1944 tại Thôn Đan Tiến, xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm cho biết, những thành công của bà hôm nay không thể thiếu bà con nông dân —những người đã đồng hành và ứng dụng các kết quả nghiên cứu của bà vào thực tiễn sản xuất.

"Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến bà con nông dân ở nhiều vùng của Tổ quốc đã mạnh dạn ứng dụng những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học" , bà xúc động.

Sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà khoa học và nông dân đã giúp những giống lúa lai do bà nghiên cứu được nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và cải thiện đời sống cho nhiều hộ gia đình nông nghiệp. Bà luôn coi nông dân là nguồn động lực và cảm hứng để tiếp tục cống hiến cho khoa học nông nghiệp.

Không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu và ứng dụng trong nước, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm còn mang trong mình khát vọng đưa nền khoa học nông nghiệp Việt Nam hội nhập với thế giới. Bà đã tạo ra hàng chục giống lúa lai năng suất, chất lượng cao, góp phần làm rạng danh nền nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế như: NN-9, NN-10, NN-23,… và chuyển nhượng thành công bản quyền giống lúa lai TH3-4 với giá chuyển nhượng lớn.

Năm 2016, PGS Nguyễn Thị Trâm đã cho ra đời 4 giống lúa thuần Hương Cốm. Các giống lúa này cho năng suất cao hơn các giống lúa thơm hiện đang gieo trồng với gạo thơm, thon dài, trong và bóng, tỷ lệ gạo nguyên cao, giàu dinh dưỡng, vị ngọt đậm,…

Tháng 12/2016, hai giống Hương cốm 1 và Hương cốm 4 của PGS Nguyễn Thị Trâm lại tiếp tục được chuyển giao bản quyền cho Công ty TNHH Cường Tân để mở vùng sản xuất lúa thơm hữu cơ, xây dựng chuỗi sản phẩm nông sản sạch chất lượng cao cung cấp ra thị trường.

Có thể nói, bà là người bán bản quyền các giống lúa lai nhiều nhất Việt Nam, là một trong những nhà khoa học nữ thành công nhất trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Tôi ước mong các nhà nghiên cứu trẻ được giành hết thời gian cho học tập nâng cao trình độ, cập nhật những kiến thức mới nhất, hiện đại nhất, rèn luyện kỹ năng nghiên cứu thành thạo nhất để có thể thực hành tốt hơn các nghiên cứu hiện đại, đưa nền khoa học nông nghiệp nước nhà hội nhập với thế giới”, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm bày tỏ.

Với những cống hiến của mình, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm đã giành nhiều giải thưởng danh giá, như Huân chương Lao động hạng Ba năm 2001, Giải thưởng Kovalepskaia năm 2001; Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (giải tập thể) năm 2005; Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2009; Danh hiệu “Nhà khoa học của Nhà nông” tôn vinh lần 2 năm 2019; Cúp vàng Nông nghiệp Việt Nam cho giống lúa TH3-3 năm 2008…

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/tri-thuc-viet-toan-cau/pgstsahld-nguyen-thi-tram-nguoi-mo-duong-cho-lua-bac-ty-viet-nam-2077273.html