PGS.TS Bùi Chí Trung: 'Một số điểm nghẽn đang kìm hãm kinh tế báo chí'

Đầu tư Tài chính trân trọng trích giới thiệu bài viết của PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởngViện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn về một sốđiểm nghẽn đã và đang kìm hãm kinh tế báo chí.

Điểm nghẽn trong nhận thức

Trên thực tế, khái niệm “kinh tế báo chí - truyền thông” chưa được thống nhất và chưa xuất hiện chính thức trong bất kỳ một văn bản quy định pháp luật nào mà chỉ được đề cập trong một số báo cáo tổng kết hoặc văn bản định hình chiến lược. Khái niệm này cũng chưa thể hiện rõ ràng trong hệ thống cơ sở lý luận báo chí - truyền thông, trong các giáo trình cơ bản của các trung tâm đào tạo nghiên cứu. Chức năng kinh tế chưa được coi là chức năng cơ bản, thiết yếu, được ghi nhận phù hợp trong hệ thống các chức năng cơ bản của báo chí cách mạng.

Bài toán đặt ra hiện nay cho báo chí – truyền thông Việt Nam nhằm hướng đến mục tiêu làm thế nào để các cơ quan báo chí “tự chủ được tài chính”, tự đảm bảo được “nguồn lực kinh tế - kỹ thuật” cho các hoạt động nghiệp vụ, cũng như khả năng mở rộng quy mô sản phẩm và khả năng ảnh hưởng. Đề cập về những mô hình, giải pháp kinh tế báo chí -truyền thông ở Việt Nam hiện nay đã có nhiều ý kiến, nhưng đa phần chỉ dừng lại ở góc độ mô tả chung chung, trong đó nổi lên là một số mô hình tham khảo từ nước ngoài, đưa ra một số khuyến nghị thiếu cụ thể với cấp quản lý về cơ chế chính sách.

Bài toán kinh tế báo chí đặt ra là cần trả lời câu hỏi cơ bản và quan trọng nhất, thâm chí có ý kiến chất vấn rằng “chúng ta đã có, muốn có và thực sự muốn phát triển thị trường báo chí - truyền thông hay chưa”? Vì muốn có một thị trường báo chí - truyền thông mạnh, trước tiên phải cho nó vận hành đúng các quy luật của kinh tế thị trường.

Ngoài ra, thị trường báo chí - truyền thông cũng chịu tác động của một số quy luật khác như: quy luật tỷ suất lợi nhuận có xu hướng giảm, quy luật khủng hoảng kinh tế, quy luật tâm lý... Đơn cử một ví dụ, để có được thị trường báo chí - truyền thông đúng nghĩa thì ai là người tham gia hoạt động ở đó, ai là người “bán”- người “mua”. Nếu như “bán” mà “nửa vời” (vì chỉ có thứ mang bán là nội dung nhiệm vụ tuyên truyền), không có cái để bán, hoặc không thể/không được sản xuất ra thứ để người ta muốn mua thì hoạt động kinh tế đó mới chỉ là “trao nhận sản phẩm có yếu tố tiền tệ”. Trước tiên, cần thống nhất nhận thức rõ về đặc điểm kinh tế, chức năng kinh tế của cơ quan báo chí. Cần làm rõ câu hỏi: “Cơ quan báo chí có phải là một doanh nghiệp”- chí ít là một “doanh nghiệp đặc biệt”?

Trong nền kinh tế thị trường, cơ quan báo chí chỉ có thể vận hành các hoạt động kinh tế linh hoạt nếu như có vị thế của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế điều này không được khẳng định, thừa nhận đúng vai trò trong các quy định pháp luật hiện hành. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Luật Báo chí 2016, cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu, “không phải doanh nghiệp”. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí chính trị chủ lực, vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa phải thực hiện nhiệm vụ báo chí, vừa phải chăm lo đời sống cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Chúng ta muốn cơ quan báo chí về cơ bản sẽ phải tự chủ về tài chính, nhưng muốn đạt mục tiêu đó trước tiên phải đặt tổ chức này vào khuôn khổ mô hình quản trị doanh nghiệp, để có đầy đủ công năng phù hợp cho việc quản lý tài chính.

Điểm nghẽn giữa mục tiêu phát triển và nguyên tắc hoạt động

Làm thế nào để báo chí vẫn giữ được tôn chỉ, mục đích, làm tròn trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng, có tính chất định hướng về chính sách của đảng, nhà nước, là diễn đàn của nhân dân nhưng vẫn phải có được nguồn thu để tái sản xuất, đầu tư và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả, đó là một bài toán khó giải quyết trong một sáng một chiều. Doanh thu từ phát hành báo in giảm chưa từng có trong lịch sử phát hành báo của Việt Nam. Doanh thu từ quảng cáo cũng gặp không ít khó khăn khi phải cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội mới xuất hiện. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí chính trị chủ lực, vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa phải thực hiện nhiệm vụ báo chí, vừa phải chăm lo đời sống cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên.

Có nhiều ý kiến cho rằng, tác phẩm báo chí là một loại hàng hóa đặc biệt, không chỉ theo quy luật cung - cầu như các hàng hóa khác mà nội dung lại phục vụ cho công tác tư tưởng, cung cấp thông tin chính sách, tuyên truyền. Vì thế, cần thúc đẩy hơn nữa sự hỗ trợ của nhà nước, trong đó có chính sách thuế và các cơ chế ưu đãi bám sát với thực tiễn thị trường, để cơ quan báo chí có thể tập trung tốt nhất việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Hiện còn điểm vênh trong quan điểm, nhận thức của cơ quan chủ quản, cho bộ máy báo chí “tự chủ” hay “tự bơi”, phó mặc cho cơ quan báo chí tự trang trải, vật lộn với thị trường trong khi vẫn phải thực hiện nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của cơ quan, tổ chức của mình. Nhiều cơ quan chủ quản thiếu quan tâm, để cho cơ quan báo chí tự chủ, tự “bơi”, chưa quan tâm đúng mức đến việc chăm sóc, bồi dưỡng cho nguồn cán bộ, nhân viên. Thêm vào đó, thông tin chính thống, thông tin có bản quyền từ các cơ quan báo chí chưa được đánh giá đúng giá trị, việc đánh đánh giá đó cuối cùng phải quy ra hiệu quả kinh doanh và hiệu quả thông tin tuyên truyền đến với xã hội.

Để báo chí vừa làm tốt chức năng tuyên truyền, lại vừa thực hiện được chức năng kinh tế của mình, rất cần thúc đẩy các quy định mới về các sản phẩm báo chí đặt hàng. Cần quy định rõ hơn nội dung nào được coi là hàng hóa và đâu là sản phẩm tuyên truyền, cần phân định rạch ròi ranh giới giữa tuyên truyền và làm kinh tế, tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan báo chí hoạt động.

Điểm nghẽn bùng nổ công nghệ với khả năng đáp ứng

Sau hàng trăm năm phát triển, tờ báo in đã không còn là nền tảng được ưa thích, công chúng đã thay đổi cách tiếp cận thông tin. Thậm chí, ngay cả các loại hình có nhiều thế mạnh như phát thanh, truyền hình truyền thống (mô hình kênh 24/7) hiện đang mất dần sức hút với không chỉ giới trẻ, mà còn cả nhiều thành phần khác trong xã hội; ngoài một số dạng báo-tạp chí điện tử và nền tảng nghe nhìn OTT giữ được thị phần và lượng công chúng trẻ. Sự sa sút về năng lực kinh tế của các loại hình báo chí truyền thống bắt nguồn từ hai vấn đề chính: mất đi vị thế "độc quyền" tin tức và "sụp đổ kênh phân phối sản phẩm". Khi truyền thông xã hội dần trở thành kênh tìm kiếm thông tin phổ biến đối với cộng đồng, các cơ quan báo chí buộc phải cạnh tranh trực tiếp với mạng xã hội và các kênh truyền thông khác để tồn tại. Khi người đọc dần thay đổi thói quen, chuyển sang “lướt” trên internet; các báo dù có phát triển các phiên bản điện tử nhưng cũng không thể đáp ứng được nhu cầu công chúng không chỉ cần thông tin một chiều mà cần tương tác và thậm chí tự mình trở thành nhà sản xuất nội dung, được tham gia vào việc truyền phát thông tin thông qua các nền tảng và ứng dụng mạng xã hội.

Về mặt pháp luật, hiện nay Việt Nam chưa điều chỉnh cơ chế, phương thức bắt buộc các nền tảng lớn có số lượng người dung nhiều như Google, Facebook đã phải trả tiền khai thác thông tin (việc này đã được một số nước thực hiện). Tuy số tiền đó không nhiều nhưng bước đầu đã được thực hiện. Quy định về sở hữu trí tuệ với sản phẩm báo chí chưa thể hiện rõ trong luật bản quyền và sở hữu trí tuệ. Trong Luật Báo chí có điều khoản quy định nguồn thu của các cơ quan báo chí được thu từ khai thác bản quyền, nhưng trên thực tế có lẽ chỉ một phần của truyền hình có thể thực hiện tốt, còn lại với các báo, báo điện tử thì chưa làm được. Tình trạng sao chép, xâm phạm bản quyền báo chí tràn lan mà chưa có giải pháp phù hợp là thực tế mà báo chí Việt Nam đang phải đối mặt.

Mỗi tờ báo phải chọn một phân khúc thị trường phù hợp với tôn chỉ, mục đích cũng như thế mạnh của đơn vị và khai thác sâu thị trường đó. Sự khác biệt của mỗi tờ báo sẽ là yếu tố quan trọng nhất để tồn tại, để có chỗ đứng trong lòng độc giả. Đi tìm sự khác biệt sẽ là công việc đầu tiên, quan trọng nhất của mỗi tờ báo. Kinh tế báo chí cũng từ đó giúp cho các nhà báo có thể sống được với nghề và tự hào với nghề của mình.

Điểm nghẽn trong việc hài hòa mối quan hệ lợi ích

Trong vòng một thập kỷ qua, xuất hiện một khái niệm “xã hội hóa” trong báo chí để mô tả sự tham gia của các nguồn lực xã hội khác nhau trong hoạt động báo chí - truyền thông, dù rằng cách hiểu về xã hội hóa như vậy là chưa thật đúng hàm nghĩa. Dù muốn hay không thì báo chí - truyền thông có thể phát triển được thì vấn đề đầu tiên cần được giải quyết đó là nguồn kinh phí. Hoạt động báo chí - truyền thông vận hành với chi phí tốn kém nên vấn đề trên lại càng trở nên quan trọng. Nhưng ai sẽ là là người cung cấp tài chính cho thị trường truyền thông hiện đại? Phải tham gia vào tiến trình xã hội hóa, trước hết là xã hội hóa về nguồn kinh phí đầu tư cho sản xuất nội dung, sở hữu tư liệu sản xuất thì nền sản xuất đó mới có điều kiện phát triển. Thế nhưng người đầu tư là ai? Họ được lợi gì, và nói đúng hơn vị thế “họ sẽ là ai” trong hoạt động này?

Chúng ta hiểu rằng động lực sâu xa thúc đẩy con người hoạt động chính là lợi ích. Nguyên nhân kinh tế báo chí - truyền thông chưa phát triển có yếu tố từ việc chưa tìm ra chìa khóa trong việc đảm bảo lợi ích, hài hòa lợi ích chung của tập thể, của xã hội trong một giai đoạn lịch sử với lợi ích cá nhân, quyền lợi cá nhân của một nhóm người, một giai tầng trong xã hội. Động lực của sự phát triển xã hội suy cho cùng là kết quả hoạt động có ý thức của con người nhằm theo đuổi những lợi ích nhất định. Lợi ích là một trong những động lực cơ bản của sự phát triển cũng như động lực thúc đẩy hành động của mỗi cá nhân. Chỉ riêng nội bộ một cơ quan (chưa tính đến việc có sự tham gia từ bên ngoài), nếu chỉ tính thu nhập cố định vào chính sách tiền lương cố định, sẽ khó có thể thúc đẩy vai trò đột phá, sáng tạo và dấu ấn cá nhân đổi mới sáng tạo. Trong nhiều cái đích của lợi ích thì có yếu tố sở hữu, chúng ta không thể lảng tránh câu hỏi quan trọng rằng những người tham gia hoạt động báo chí truyền thông (cả bên trong và bên ngoài cơ quan, doanh nghiệp đó) sẽ có cơ hội sở hữu tư liệu sản xuất như thế nào? Gắn kết lợi ích và quyền sở hữu của họ vào tổ chức, liệu có làm tổ chức thêm vững mạnh và phát triển? Có thể vừa đảm bảo mục tiêu và lợi ích của tập thể hài hòa với mục tiêu và lợi ích của cá nhân để tạo ra động lực phát triển xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm đạt được những mục tiêu cao hơn hay không?

Quan điểm tiên quyết là hoạt động báo chí nhất thiết, triệt để không được “tư nhân hóa”, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí là điều “bất biến”. Nhưng việc lý giải nguyên tắc này dường như chưa thật đầy đủ. Sự thật thực tế là sẽ có những yếu tố cá nhân, những mầm mống gây bất lợi cho định hướng hoạt động báo chí cách mạng. Nhưng nếu “cấm-cản” toàn bộ cũng đồng nghĩa là tạo ra rào cản với những nhân tố tích cực, những lực lượng tiên phong khác. Liệu có mâu thuẫn khi vừa đòi hỏi báo chí đạt được mục tiêu kinh tế, nhưng lại tránh biểu hiện thị trường hóa, mong muốn có sự tham gia của đông đảo các đối tượng/giai tầng trong xã hội nhưng lại đề phòng tư nhân hóa; e ngại tự diễn biến, tự chuyển hóa nhưng chưa thừa nhận vai trò tích cực của những lực lượng phi công lập. Bài toán đặt ra là cần củng cố phần then chốt là công tác quản lý và vai trò quản lý của lãnh đạo cơ quan báo chí, đồng thời thúc đẩy sự tham gia lành mạnh của các nguồn lực xã hội, nhất là trong ứng dụng công nghệ mới, nguồn vốn tri thức, kinh nghiệm thị trường…

Điểm nghẽn trong xây dựng cấu trúc tổng thể của kinh tế báo chí và thể chế quản lý báo chí

Một trong những câu hỏi khác cũng được đặt ra trong quá trình giải quyết bài toán kinh tế cho báo chí – truyền thông đó là trong việc sắp xếp hệ thống báo chí toàn quốc. Theo nội dung của Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025, để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và nâng cao chất lượng, các cơ quan báo chí phải xác định các loại hình báo chí. Ngoài những tờ báo có chức năng, nhiệm vụ đặc thù được nhà nước tiếp tục cấp ngân sách để hoạt động (dưới hình thức đặt hàng), còn lại hầu hết các tòa soạn sẽ phải tự chủ về tài chính. Hoạt động theo cơ chế tự chủ đồng nghĩa với việc cơ quan báo chí sẽ quản trị theo mô hình doanh nghiệp. Làm thế nào để tòa soạn có kinh phí vận hành bộ máy, như chi phí xuất bản, chi trả lương, thưởng, nhuận bút, văn phòng phẩm…? Trong khi đó, báo chí còn là công cụ tuyên truyền của Đảng và nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, bởi vậy, không thể vì tăng doanh thu mà để bị “lá cải hóa”, xa rời tôn chỉ, mục đích. Thông tin thế nào để vừa trung thực khách quan, đúng bản chất sự thật mà lại hấp dẫn, thu hút nhiều độc giả là một bài toán luôn đặt ra đối với mỗi tòa soạn, trước mỗi quyết định xuất bản kỳ báo, tạp chí.

Quản lý và phát triển báo chí là để phát triển bền vững. Quản lý phải theo kịp sự phát triển của xã hội. Phát triển kinh tế báo chí chắc chắn cũng sinh ra những vấn đề mới, nhưng phát triển thì mới có thêm nguồn lực để xử lý những vấn đề mới. Và phát triển thì mới không bị tụt hậu, không bị thôn tính. Mục tiêu của quản lý kinh tế báo chí ở cấp độ nhà nước cần xác định như thế nào, để báo chí cách mạng làm tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình trong tình hình mới.

Chúng ta đã nhìn thấy đầy đủ các “nút thắt”, lộ được hết những khó khăn hay còn né tránh? Sự phát triển kinh tế báo chí đòi hỏi sự thay đổi cách tiếp cận để tránh phức tạp hóa, tiêu cực hóa vấn đề. Sự thực là chưa có giải pháp nào về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mô hình kinh tế báo chí truyền thông đặc thù Việt Nam, đủ sức gợi mở ra các cách tiếp cận mới trong sản xuất kinh doanh truyền thông mà cả trong quản lý báo chí truyền thông. Đổi mới động kinh tế báo chí truyền thông chính là mắt xích chính yếu để đổi mới toàn diện hệ thống báo chí - truyền thông trong bối cảnh số. Những thách thức, những nút thắt trên cần sớm được đánh giá, phân tích toàn diện, cặn kẽ, khoa học; để sự phát triển kinh tế báo chí - truyền thông trong giai đoạn mới có sự chuyển biến tích cực và rõ ràng.

PGS.TS Bùi Chí Trung

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/mot-so-diem-nghen-kim-ham-kinh-te-bao-chi-d112204.html