PGS. TS Đỗ Ngọc Thống lưu ý dạng đề so sánh hai tác phẩm văn học

PGS. TS Đỗ Ngọc Thống – tác giả sách giáo khoa bộ Cánh Diều lưu ý dạng đề so sánh hai tác phẩm văn học theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đánh giá hai tác phẩm là nêu lên một cách thuyết phục những điểm tương đồng và khác biệt của hai tác phẩm. Minh họa: CDKH

Đánh giá hai tác phẩm là nêu lên một cách thuyết phục những điểm tương đồng và khác biệt của hai tác phẩm. Minh họa: CDKH

Yêu cầu về dạng đề so sánh 2 tác phẩm văn học

Viết bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm là nêu lên một cách thuyết phục những điểm tương đồng và khác biệt của hai tác phẩm.

Cũng có thể chỉ yêu cầu nêu điểm tương đồng hoặc điểm khác biệt về nội dung, hình thức nghệ thuật của hai văn bản, từ đó bàn luận, nhận xét giá trị độc đáo của mỗi văn bản, nhận ra đặc điểm thể loại, vai trò của cá tính sáng tạo, chỉ ra những điểm chung trong quy luật sáng tạo và tiếp nhận văn chương,...

Bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm văn học thường được thực hiện giữa các tác phẩm cùng thể loại. Cũng có thể yêu cầu so sánh, đánh giá giữa hai thể loại khác nhau nhưng thường để khẳng định điểm giống nhau về đề tài, chủ đề và tư tưởng của hai tác phẩm.

Ví dụ, các tác phẩm "Sông núi nước Nam" (khuyết danh), "Hịch tướng sĩ" (Trần Quốc Tuấn), "Đại cáo bình Ngô" (Nguyễn Trãi), "Tuyên ngôn Độc lập" (Hồ Chí Minh),... viết với các thể loại rất khác nhau nhưng đề tài, chủ đề, tư tưởng, tình cảm,... của các tác phẩm ấy có rất nhiều điểm tương đồng.

Sự khác biệt giữa hai tác phẩm thường biểu hiện rõ ở cách thức, nghệ thuật, hình thức thể hiện từ phương thức biểu đạt đến các hình thức, thủ pháp nghệ thuật.

- Với các văn bản thơ, cần chú ý đến nghệ thuật sử dụng, sáng tạo từ ngữ; các hình ảnh và biểu tượng; cách cấu tứ, các dạng thức của cái "tôi" trữ tình,...

- Với các văn bản truyện và tiểu thuyết, cần chú ý đến nhân vật, điểm nhìn trần thuật, kết cấu, cách kết thúc truyện, kĩ thuật miêu tả ngoại hình, chân dung và phân tích tâm lí nhân vật,...

- Với các văn bản kịch, cần chú ý đến mô típ, cốt truyện, hệ thống nhân vật, xung đột kịch, các dạng thức của lời đối thoại, độc thoại,...

- Với các văn bản kí, cần chú ý đến đề tài, cách tiếp cận vấn đề, cách khai thác số liệu, tài liệu,...

Có nhiều cấp độ và yêu cầu so sánh, cụ thể: so sánh hai tác phẩm, hai đoạn trích; so sánh hai yếu tố như chi tiết, nhân vật, cốt truyện, tình huống truyện, bối cảnh, ngôi kể, điểm nhìn, biện pháp nghệ thuật, đề tài, chủ đề, tư tưởng, cảm hứng,...

Lưu ý với đề so sánh 2 tác phẩm văn học

Xác định mục đích so sánh, đánh giá: Việc so sánh không phải để hướng tới mục đích xem tác phẩm nào có giá trị hơn tác phẩm nào mà để nhận ra những khác biệt, sự đa dạng trong cách nhìn và cảm thụ về đời sống; so sánh để làm rõ vấn đề văn học có trong tác phẩm.

Xác định nội dung, tiêu chí so sánh: đề tài, chủ đề, thể loại, các biện pháp nghệ thuật, ngôn ngữ,...

Đảm bảo cấu trúc chung của một bài nghị luận văn học, tính chính xác của các dẫn chứng, tính chặt chẽ của các lập luận lô gích và tính hình tượng, biểu cảm của ngôn ngữ,...

Các bước để viết bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm văn học như sau:

- Tìm kiếm đối tượng so sánh (với trường hợp người viết phải tự xác định) theo các định hướng: thể loại, phong cách tác giả, khuynh hướng sáng tác, thời điểm sáng tác. Xác định phạm vi so sánh (giữa hai tác phẩm, hai đoạn trích, hai mô típ,...).

- Phân tích điểm giống nhau, điểm khác nhau hoặc cả giống nhau và khác nhau giữa hai tác phẩm được so sánh. Chỉ ra ý nghĩa của sự giống nhau và khác nhau, từ đó giúp người đọc nhận thấy tính độc đáo, đặc sắc riêng của từng tác phẩm.

- Bình luận, lí giải về nguyên nhân dẫn đến sự giống và khác nhau giữa hai tác phẩm.

- Rút ra những nhận thức về đặc điểm thể loại, vai trò của cá tính sáng tạo, quy luật sáng tạo và tiếp nhận văn chương,...

Để tìm ý và lập dàn ý cho bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm văn học, học sinh cần đặt ra và trả lời các câu hỏi như:

- Mục đích so sánh, đánh giá để thuyết phục hoặc làm rõ vấn đề gì?

- Đối tượng và phạm vi so sánh là hai văn bản, hai tác phẩm nào?

- Tiêu chí và phương diện cụ thể cần so sánh là gì (nội dung, nghệ thuật)?

- Hai tác phẩm được so sánh giống hay khác nhau (hoặc cả hai) như thế nào?

- Có thể rút ra những nhận xét và đánh giá gì về cái hay, cái đẹp, tính độc đáo, nét đặc sắc riêng của mỗi tác phẩm,...?

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/pgs-ts-do-ngoc-thong-luu-y-dang-de-so-sanh-hai-tac-pham-van-hoc-179240818135041676.htm