PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Còn thiếu cơ chế về xã hội hóa giáo dục

Theo đó, xã hội hóa giáo dục là chủ trương lớn, bao hàm nhiều vấn đề cần hiểu đúng, hiểu đủ là tạo động lực để phát huy chính sách.

Xã hội hóa là giải pháp cơ bản để phát triển giáo dục nước nhà, tuy nhiên PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, dù phát triển mạnh mẽ nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa tiếp cận toàn diện về xã hội hóa ngành giáo dục.

Hiểu đúng bản chất xã hội hóa giáo dục

Người Đưa Tin (NĐT):

Là người trải qua các thời kỳ cải cách giáo dục, ông có đánh giá thế nào về chặng đường xã hội hóa giáo dục ở nước ta, đâu là những vấn đề cần tập trung làm rõ?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ:

Xã hội hóa trong giáo dục là chủ trương lớn, bao hàm nhiều vấn đề, khía cạnh và có sự tác động lớn. Mặc dù chính sách đã có từ rất nhiều năm, gặt hái được nhiều điều tích cực, tồn tại hạn chế cũng có nhưng đến nay mọi người hiểu “xã hội hóa giáo dục” còn đơn giản.

Với nghĩa để cho xã hội, các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền của vào trong ngành giáo dục là một phần rất nhỏ của vấn đề. Ở cấp độ rộng hơn, xã hội hóa có nghĩa là tất cả mọi ngành, mọi cấp, mọi người dân đều phải quan tâm đến sự nghiệp giáo dục.

Quan tâm giáo dục ở đây phải từ các em nhỏ mới sinh cho tới các cụ già, điều này lý giải cho việc giáo dục học sinh phải có sự tham gia của gia đình, nhà trường và xã hội, việc đóng góp sẽ bằng nhiều cách không chỉ riêng là tiền bạc.

Vì giáo dục không chỉ đưa trẻ tới trường là xong mà cha mẹ, xã hội cũng phải cùng chung tay quan tâm đến đưa trẻ đến trường như thế nào. Ngay cả đối với sinh viên sau khi ra trường sẽ tiếp tục học như thế nào, hay người nông dân bây giờ phải học gì trong thời đại mới?... tất cả những điều này là xã hội hóa giáo dục nghĩa - toàn xã hội phải tham gia vào mọi khía cạnh của giáo dục.

 PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

NĐT:

Vậy chúng ta cần hiểu đúng, tiếp cận về xã hội hóa giáo dục như thế nào để nó phát triển và đi đúng hướng, đặc biệt là vẫn đảm bảo sự quản lý của Nhà nước đối với vấn đề này?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ:

Xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục là trách nhiệm chứ đừng tìm cách bỏ lại vào túi.Ở các nước, khi mở trường tư, trường phi lợi nhuận khu vực tư nhân bỏ tiền cho

học sinh

đi học, không phải vì cùng nhau chia lãi.

Tại nước ta, cần kích thích xã hội làm sao đầu tư vào giáo dục nhưng chỉ để lấy lại một mức phần trăm tối thiểu, thậm chí là không lấy lãi mới đúng bản chất. Nếu vẫn lấy tiền bỏ túi, coi xây trường là để kinh doanh tăng học phí thì rất khó.

Nhà nước phải có chính sách để xã hội phải hiểu đúng giá trị, cái lời nhất là tạo nên con người cho thế hệ tương lai mới đúng xã hội hóa.

NĐT:

Trên thực tế mặc dù có nhiều chính sách thu hút, đẩy mạnh phát triển xã hội hóa giáo dục nhưng vẫn chưa thực sự triển khai mạnh mẽ ở các địa phương. Theo ông, làm thế nào xã hội hóa dục thực sự đi vào đời sống người dân?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ:

Một số nơi hiện nay vẫn nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa thực tiễn của chính sách dẫn đến tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Chỉ khi nào nhận thức được đầy đủ thì người ta “nhiệt tình” thực hiện. Vì vậy, bài toán đặt ra làm thế nào có sự thống nhất nhận thức trong hệ thống, khi đó, chắc chắn xã hội hóa đem lại lợi ích vô cùng to lớn.

 Cần nhiều cơ chế để xã hội hóa phát triển (Ảnh: Hữu Thắng).

Cần nhiều cơ chế để xã hội hóa phát triển (Ảnh: Hữu Thắng).

Chế tài hiện nay là chưa đủ

NĐT:

Vấn đề thiếu trường, thiếu lớp tại các khu đô thị được sự quan tâm lớn. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn còn “thờ ơ” với trách nhiệm của mình. Theo ông cần có những giải pháp gì cho vấn đề này?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ:

Chúng ra chưa đủ chế tài để buộc họ phải thực hiện việc xây trường ngay chính trong khu đô thị của họ. Thực tế có những quy định liên quan việc khi xây nhà phải kèm theo xây trường và các thiết chế xã hội để phục vụ đời sống người dân sinh sống ở đó.

Tuy nhiên, theo tôi phải quy định cụ thể, chi tiết về việc phải có diện cho trường học là bao nhiêu, khi nhà được xây thô với tỉ lệ bao nhiêu phần trăm thì phải tiến hành xây trường thì chúng ta mới cho đi vào kinh doanh. Trường học chỉ xuất hiện trong dự án, trên giấy và không ai quan tâm thì đồng nghĩa không có chỗ cho con em đi học.

Tôi đã thấy nhiều dự án người ta chỉ xây dựng chỉ xây nhà ở để bán lấy tiền và bỏ trống cả khu đất rộng rãi hàng chục năm và không có ai làm. Nếu được hỏi thì chủ dự án kêu hết tiền. Chế tài hiện nay là chưa đủ để thực hiện xã hội hóa giáo dục, nên chúng ta bắt buộc phải có những chính sách mở trường ngoài công lập. Phải có quỹ đất sạch cho giáo dục, thu hút tư nhân đầu tư vào giáo dục.

Xã hội hóa sách giáo khoa là một trong những chủ trương được đẩy mạnh.

Xã hội hóa sách giáo khoa là một trong những chủ trương được đẩy mạnh.

NĐT:

Thực tế, có rất nhiều đơn vị tư nhân tham gia vào hoạt động giáo dục vẫn còn gặp vướng mắc về hành lang pháp lý, nhất là chính sách khuyến khích, ưu đãi về đầu tư thực hiện xã hội hóa giáo dục. Trước tình trạng này, chúng ta cần làm gì để tạo môi trường thuận lợi nhằm huy động nguồn lực tối đa phát triển xã hội hóa giáo dục

, thưa ông?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ:

Có rất nhiều nội dung khác nhau cần thiết thực hiện như vấn đề xây dựng trường ở trong khu đô thị Nhà nước phải quy định buộc nhà đầu tư phải thực hiện đúng quy định. Nhưng ở chiều ngược lại cũng cần khuyến khích bằng các chính sách ưu đãi đất đai, thuế, đồng thời chế tài quy định chi trả học phí.

Nghiên cứu tất cả chính sách làm sao đều phải hướng về người học hướng về đào tạo nguồn nhân lực tốt cho đất nước. Cùng với đó khích lệ toàn xã hội “phục vụ”, đa dạng hóa, phong phú các thành phần tham gia với sự nghiệp giáo dục để tất cả cùng tốt lên.

NĐT:

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Bích - Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/pgs-ts-tran-xuan-nhi-con-thieu-co-che-ve-xa-hoi-hoa-giao-duc-a636676.html