'Phá ngục'' - tờ báo độc đáo ở Việt Nam

Trong lịch sử gần 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, tờ báo 'Phá ngục', của Liên đoàn tù nhân khám Chí Hòa thực hiện được xem là độc đáo nhất. Bởi, đây là tờ báo rất đặc biệt do các tù nhân xuất bản trong lúc thọ án.Và nó tồn tại gần cả chục năm trong nhà tù thực dân, đế quốc…

Tờ báo của kiến trúc sư tài hoa

Trong lịch sử Cách mạng Việt Nam, báo chí có vai trò quan trọng góp phần tạo nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Ngoài một số ít tờ báo “núp bóng” để được hoạt động công khai tại các đô thị lớn ở miền Nam còn có báo chí bí mật được tổ chức, sản xuất ngay bên trong nhà tù. Các tờ báo cách mạng được phát hành trong nhà tù của địch như là một phương tiện nhằm kết nối lực lượng, tuyên truyền chủ nghĩa Cộng sản và còn là tài liệu để học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, giữ vững tinh thần đoàn kết chiến đấu của các tù nhân chính trị.

Tờ báo “Phá ngục” được xem là một điển hình của Báo chí Cách mạng Việt Nam do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (1913 - 1989) sáng lập khi ông bị giam giữ ở khám lớn Sài Gòn.

Trang bìa “Phá ngục” số Xuân 1954.

Trang bìa “Phá ngục” số Xuân 1954.

Ông còn được gọi thân mật bằng nhiều tên khác như Sáu Phát thời chống Pháp, Tám Chí thời chống Mỹ. Ông sinh ra tại cù lao An Hóa, nay thuộc huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, nơi có truyền thống yêu nước kháng Pháp ngay khi có tiếng súng của thực dân. Nhiều sĩ phu bất phục triều đình, không chịu đầu hàng đã tổ chức, lãnh đạo nghĩa quân kháng Pháp đến hơi thở cuối cùng, tiêu biểu như Trương Công Định, Nguyễn Ngọc Thăng (Lãnh Binh Thăng), Nguyễn Hữu Huân, Phan Ngọc Tòng… Và, họ đã dũng cảm tuyên chiến: “Đừng mượn hơi hùm rung cây nhát khỉ/ Lòng ta sắt đá há lung lay!” (Phan Văn Trị)… Tất cả điều đó thấm đẫm trong tâm thức người dân Bến Tre, trong đó có kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát.

Ông là một nhà trí thức cách mạng tài ba, từng đỗ thủ khoa Trường Mỹ thuật Đông Dương. Sau tốt nghiệp, ông được văn phòng kiến trúc sư của người Pháp ở Sài Gòn mời về hợp tác. Tuy mới ra trường, nhưng với tài năng bẩm sinh ông được giao thiết kế Câu lạc bộ thủy quân. Công trình có hình dáng mô phỏng con tàu lướt sóng ra khơi, được đánh giá có không gian thiết kế mạch lạc, nhiều góc nhìn đẹp. Về sau công trình này được chính quyền Sài Gòn dùng làm Phủ thủ tướng. Đến nay công trình vẫn còn được trưng dụng, hiện hữu trên đại lộ Lê Duẩn, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Năm 1940, ông mở văn phòng riêng trên đường Mayer, nay là Võ Thị Sáu, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Vào thời điểm đó, ông là người Việt đầu tiên mở Văn phòng kiến trúc sư ở Sài Gòn. Khách hàng tìm đến rất đông, những bản thiết kế biệt thự, nhà phố của ông không chỉ hiện diện ở Sài Gòn - Gia Định mà còn có cả tỉnh lỵ xa xôi như Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên… Sau đó, ông tham gia cuộc thi thiết kế khu Trung tâm hội chợ triển lãm Đông Dương tổ chức ở vườn ông Thượng (nay là công viên Tao Đàn) và đoạt giải nhất.

Không lâu sau, ông cùng với kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện tham gia cuộc thi thiết kế đồ án thư viện Sài Gòn và chiếm được giải nhì (cuộc thi không có giải nhất). Đến lúc này danh tiếng của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát nổi như cồn, đồng thời dư luận Sài Gòn bàn tán xôn xao đã đến tai cơ quan an ninh khiến một hôm văn phòng của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện bị bao vây, khi đó kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đang ở công trường nên không bị bắt. Từ đây ông trở lại vai trò hoạt động trí vận bí mật. Cũng trong thời gian này ông đã để lại dấu ấn ở vùng căn cứ cách mạng qua đồ án thiết kế trụ sở Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Nhà giao tế Lộc Ninh, Bình Phước - NV). Trụ sở này đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Với tài năng của mình, ông có điều kiện để làm giàu chính đáng. Nhưng gác sang một bên, ông đi theo tiếng gọi của vận mệnh đất nước. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa tháng 8/1945, phong trào học sinh, sinh viên yêu nước rầm rộ từ Bắc chí Nam, văn phòng của kiến trúc sư tài năng Huỳnh Tấn Phát chính là nơi lui tới hội họp của giới sinh viên, trí thức yêu nước Sài Gòn. Năm 1945 sau khi Nhật đảo chánh Pháp, Huỳnh Tấn Phát đã cùng với Hồ Văn Ngà, Phạm Ngọc Thạch… thành lập Thanh niên Tiền Phong. Ông giữ trách nhiệm là Trưởng ban tổ chức Thanh niên Tiền phong.

Năm 1946, ông bị bắt tại nhà in số 160, ngày nay là đường Lý Tự Trọng. Trong khám lớn Sài Gòn, ông được các anh, chị em bầu làm Trưởng ban đại diện “Liên đoàn tù nhân chính trị khám lớn Sài Gòn”. Trong 2 năm bị giam cầm, ông biến khám lớn thành trường học văn hóa, chính trị, quân sự bằng việc cho ra đời tờ báo “Phá ngục”.

Tờ báo độc nhất vô nhị

Tờ báo “Phá ngục” ra số đầu tiên năm 1946, do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát sáng lập. Ông cùng với một số đồng chí của mình viết bài, biên tập, tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng ngay trong nhà tù thực dân. Các tù nhân cách mạng đã vượt qua vô vàn hiểm nguy để che mắt kẻ thù khi xuất bản, lưu hành. Điều khiến người ta trân trọng và kính phục tờ báo “Phá ngục” được viết bằng tay trên giấy tập học trò rồi đóng thành cuốn. Cứ 1 - 2 tháng báo ra một kỳ, mỗi kỳ chừng 40 bản, được bí mật chuyển đến các phòng giam cho bạn tù chuyền tay nhau đọc. Báo ra được khoảng 50 số, là vũ khí đấu tranh, món ăn tinh thần của những người yêu nước trong lúc bị tù đày, tra khảo.

Tranh vui ngày Tết.

Tranh vui ngày Tết.

Đến nay, một trong những số báo đã xuất bản còn lưu giữ khá nguyên vẹn đó là số Xuân 1954, được bác sĩ Kiều Xuân Cư (1919 - 2014), quê ở Nha Trang, một cựu tù chính trị đã cất giữ hơn 60 năm. Ông nguyên là chiến sĩ tình báo Quốc phòng (Ban 2). Ông tham gia hoạt động cách mạng trước 1945, bị Pháp bắt giam ở khám lớn Sài Gòn 1952. Sau khi khám lớn Sài Gòn bị phá bỏ, một số tù nhân yêu nước trong đó có ông được chuyển về khám Chí Hòa. Tại đây ông tham gia làm tờ báo “Phá ngục”.

Ông rất quý trọng và luôn coi tờ báo “Phá ngục” nói chung, số Xuân 1954 nói riêng như một kỷ vật thiêng liêng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Sau khi ông mất mấy năm, con trai ông là Kiều Xuân Long đã trao tặng tờ báo này cho Bảo tàng Bến Tre - quê hương của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. “Tờ báo “Phá ngục”, số Xuân 1954 được xem là hiện vật vô cùng quý giá đối với Bảo tàng Bến Tre và với báo chí cách mạng Việt Nam”, một cán bộ Bảo tàng Bến Tre chia sẻ.

Tờ báo “Phá ngục”, số Xuân 1954 gồm 36 trang, khổ 20cm x 26cm, với gần 50 tác phẩm từ chính luận đến tự sự, văn thơ, thư chúc Tết cùng những tranh vẽ minh họa Táo quân, hoa mai, hoa đào… mang nhiều màu sắc sinh động, được pha chế từ mực in, thuốc ghẻ, thuốc sốt rét… của tù nhân. Tất cả đều do tù nhân thực hiện và được cất giấu bằng nhiều cách có thể được xem là an toàn. Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn và nguy hiểm, tờ báo “bất hợp pháp” vẫn tồn tại cả chục năm trước mũi kẻ thù.

Trang bìa của báo vẽ đôi thanh niên nam nữ ngồi trên lưng hai con tuấn mã, tay giữ chặt dây cương ra dáng phi nước đại. Trang cuối là hình chim bồ câu bay qua bản đồ Đông Dương, thể hiện khát vọng hòa bình. Và khép lại trang cuối bằng hai câu đối Tết đầy lạc quan của tác giả Đồ Sơn: “Tết đến, chúc Tổ quốc vinh quang, anh em chuẩn bị cùng Phá Ngục/ Xuân về, mừng Thu Đông thắng lợi, chị em sắp sửa để tung xiềng”.

Đan xen giữa trang đầu và cuối, nhiều bài viết công phu mang tính tự sự, một trong số đó có “Lá thư Côn Đảo” của tù nhân Lê Thuần viết gửi cho người mẹ già sau bao năm tháng lao tù chưa biết ngày gặp lại. Lá thư thể hiện tình cảm của người con nhớ mẹ, nhớ những năm tháng ở Côn Đảo trước ngày về Chí Hòa. “… Tất cả hương vị Tết chúng con gói ghém trong 4 bao thuốc lá của mấy anh em ở ngoài lao giấu diếm đưa vào. Thế rồi ba ngày Tết người ta ngây ngất trong khói thuốc hơi men. Còn chúng con say sưa trong tình đoàn kết mặn nồng…”. Rồi đến những bài: "Tù chúc tết"; "Tết khu giải phóng"; "Tết công binh xưởng", "Bức thư xuân", "Người mẹ già bên lò bánh tét", "Tâm sự đêm giao thừa"…. tất cả dường như là những dòng hồi tưởng, có đôi khi đứt đoạn, nhưng trên hết vẫn là một tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của người chiến sĩ cách mạng. Điều này được thể hiện rõ hơn trong bài thơ "Đón xuân" của tù nhân Lâm Giang: “Xuân sang hoa nở ở trong lòng/ Tin tưởng ngày mai diệt địch xong/ Cứ một mùa xuân thêm thắng lợi/ Cùng nhau hiệp mặt thỏa chờ mong…”.

Tờ báo là một bằng chứng về tinh thần đoàn kết, sự hy sinh, mưu trí, sáng tạo của những người chiến sĩ cách mạng dù bị lao tù nhưng vẫn không ngừng tranh đấu để giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/pha-nguc-to-bao-doc-dao-o-viet-nam-i734942/