Phác thảo bức tranh báo chí kinh tế Việt Nam

Lịch sử báo chí Việt Nam từ Đổi Mới đến nay đã ghi nhận sự hình thành của khối báo chí kinh tế, một điểm mới hoàn toàn so với trước đó.

Hợp tác để phát triển

Từ cuối thập niên 1990, khi Việt Nam bắt đầu chính sách Đổi Mới về kinh tế và tiến hành mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, ngay lập tức nảy sinh nhu cầu cung cấp thông tin chính xác, nhanh chóng, kịp thời, khách quan, tin cậy được cho nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Ba cơ quan báo chí kinh tế lớn nhất của Việt Nam đã cùng ra đời trong thời điểm đó, gồm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Báo Đầu tư và Thời báo kinh tế Việt Nam. Nhờ đáp ứng được nhu cầu của thị trường là thông tin kinh tế, đầu tư của Việt Nam, ba tờ báo này đã có sự phát triển mạnh mẽ, từng bước hình thành nên các tổ hợp báo chí hàng đầu tại Việt Nam.

Một điểm thú vị là chính các tờ báo như Đầu tư và Thời báo kinh tế Việt Nam cũng có sự hợp tác đầu tư với chính các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Sự hợp tác này đưa đến hiệu quả tức thì, theo đó Việt Nam có được các ấn phẩm báo chí đạt chất lượng quốc tế cả về nội dung lẫn hình thức.

Đầu năm 1989, Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) được thành lập. Cùng với việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng bộ máy đáp ứng đòi hỏi quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lãnh đạo SCCI rất quan tâm đến việc hợp tác với các cơ quan báo chí, truyền thông để tuyên truyền, phổ biến luật pháp của nhà nước về FDI.

Thời điểm đó, một số nhà báo Australia thành lập tại Hồng Kông Công ty “Vietnam Invesment Review” (VIR), cử đại diện đến Hà Nội tiếp xúc với lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (SCCI) để hợp tác xuất bản tờ báo về đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Tháng 6/1991, Chủ nhiệm SCCI đã ký Quyết định số 445/HTĐT về việc thành lập cơ quan báo Việt Nam Đầu tư nước ngoài, nay là báo Đầu tư. Và ngay trong tháng 6/1991, báo Việt Nam Đầu tư nước ngoài ký kết Hợp đồng hợp tác kinh doanh về xuất bản báo chỉ với đối tác nước ngoài là Công ty TNHH Vietnam Investment Review (VIR Ltd. Co.), trở thành cơ quan báo chí liên kết đầu tiên trong làng báo chí Việt Nam.

Ngày 27/9/1991 báo Việt Nam Đầu tư Nước ngoài (tiếng Việt) và Vietnam Investment Review (tiếng Anh) đã chính thức phát hành và nhận được sự đón nhận, hưởng ứng của đông đảo độc giả trong và ngoài nước. Tháng 9/1996, cùng với việc hợp nhất SCCI và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước thành Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo Việt Nam Đầu tư Nước ngoài được đổi tên thành Báo Đầu tư và bắt đầu xuất bản 2 kỳ/tuần. Đến tháng 5/1998, do Bên nước ngoài rút khỏi Hợp đồng hợp tác kinh doanh, Báo Đầu tư đã chính thức tiếp quản, chủ động quản lý toàn bộ quy trình sản xuất, kinh doanh và từng bước trở thành một trong những cơ quan báo chí kinh tế hàng đầu của Việt Nam hiện nay.

Nếu như Báo Đầu tư là cơ quan ngôn luận của một cơ quan thuộc Chính phủ, Thời báo Kinh tế Việt Nam ra đời trong bối cảnh khó khăn hơn. Tờ Thông tin Kinh tế, tiền thân của Thời báo Kinh tế Việt Nam bắt đầu phát hành những số báo đầu tiên từ năm 1991, với khởi đầu chỉ có 3 nhân sự. Năm 1993, Thời báo Kinh tế Việt Nam chính thức ký kết hợp tác với Tập đoàn báo chí Ringier Thụy Sĩ, mở ra giai đoạn mới, hướng đi mới. Sau khi bắt tay với Tập đoàn Ringier, Thời báo Kinh tế Việt Nam đã liên tục cho ra đời những ấn phẩm mới và đều được đánh giá rất cao về chất lượng nội dung cũng như cách thức thể hiện. Năm 1994, Vietnam Economic Times, phiên bản tiếng Anh được xuất bản và năm 1996, các ấn phẩm The Guide và Tư vấn Tiêu & Dùng được ra mắt bạn đọc. Và một dấu mốc quan trọng là vào tháng 7/1998, thời điểm Việt Nam vừa chính thức hòa mạng internet, VnEconomy, phiên bản báo điện tử của Thời báo Kinh tế Việt Nam đã ra mắt và sớm trở thành tờ báo điện tử kinh tế hàng đầu của Việt Nam.

Trong khi đó, Thời báo kinh tế Sài Gòn lại là một điển hình phát triển của báo chí ở địa phương. Ngày 4/1/1991, Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã phát hành số báo đầu tiên. Từng bước, các ấn phẩm của cơ quan này như SaigonTimes Weekly, SaigonTimes Daily… lần lượt ra mắt, trở thành những ấn phẩm không thể thiếu cho giới kinh doanh, các nhà làm chính sách, giới quản lý, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cùng những người quan tâm đến vấn đề kinh tế. Tuy là một tờ báo “địa phương”, song tầm ảnh hưởng của Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã vươn ra cấp độ toàn cầu.

Thành công nhờ thị trường

Trong giai đoạn này, các tờ báo kinh tế, đặc biệt là những tờ báo tiếng Anh như Vietnam Investment Review, Saigon Times Daily, Saigon Times Weekly, Vietnam Economic Times… đã trở thành những kênh thông tin đối ngoại cho Việt Nam và là những kênh thông tin tham khảo chính của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài khi đó cần thông tin và các tờ báo kinh tế sống được và phát triển mạnh là nhờ đáp ứng nhu cầu đó. Nhiều hãng thông tấn nước ngoài thậm chí đã mua lại nguồn tin bài của các tờ báo Việt Nam. Từ đây, trong lĩnh vực báo chí của Việt Nam xuất hiện một nhóm báo chí mới, được gọi là “báo chí kinh tế”, với nội dung chủ yếu là các vấn đề kinh tế.

Điểm chung của các cơ quan báo chí kinh tế này là đã có những đóng góp rất tích cực trên lĩnh vực thông tin tuyên truyền kinh tế, thu hút đầu tư đầu tư trong và ngoài nước, góp ý phản biện, xây dựng chính sách… đã góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, báo chí kinh tế phải chủ động tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn, cả từ phía nhà nước và nhà đầu tư. Do đó, có thể nói nhóm báo chí kinh tế đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Các tờ báo nói trên cũng đã cổ vũ, kéo theo sự phát triển của nhiều tờ báo, tạp chí kinh tế, đầu tư khác như Diễn đàn doanh nghiệp, Thời báo tài chính, Thời báo ngân hàng, Sài Gòn Tiếp thị… trong những năm sau đó. Bản thân các cơ quan báo chí cũng cạnh tranh với nhau trong việc sản xuất, xuất bản và khai thác thương mại từ thị trường.

Ngoài hoạt động nội dung, các báo chí kinh tế còn có các hoạt động khác hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động đầu tư và thương mại. Thời báo Kinh tế Việt Nam đã nhiều năm thực hiện giải thưởng Rồng Vàng nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Thời báo Kinh tế Saigon có chương trình Saigon Times Top 40 hàng năm vinh danh các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Báo Sài Gòn Tiếp thị triển khai chương trình bình chọn và chuỗi hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, một mặt cổ vũ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, một mặt trở thành một điển hình về làm kinh tế báo chí… Đây chính là cầu nối để công chúng hiểu hơn về các hoạt động kinh tế trong sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam.

Đáng chú ý là trong thời kỳ phát triển hưng thịnh nhất, đây đều là những cơ quan báo chí hoạt động hiệu quả, làm “kinh tế báo chí” giỏi và tự tồn tại được bằng nguồn lực xã hội, không phụ thuộc vào ngân sách. Nhờ phục vụ tốt nhu cầu của thị trường, chính thị trường đã nuôi dưỡng các cơ quan báo chí này. Đây cũng là một đặc điểm rất đáng chú ý trong lịch sử báo chí kinh tế Việt Nam nói riêng, lịch sử báo chí Việt Nam nói chung.

Giờ đây, vì nhiều lý do khách quan, báo chí kinh tế cũng đang đối mặt nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, sự phát triển của nền kinh tế tài chính đất nước vẫn tiếp tục tạo ra các cơ hội mới, khi mà nhu cầu về thông tin kinh tế tài chính nói chung vẫn rất lớn. Trong bối cảnh đó, làm thế nào để có thể phục vụ tốt nhất nhu cầu này của thị trường, thực sự là đối tác song hành cũng các doanh nghiệp, nhà đầu tư và đông đảo công chúng đang là bài toán đặt ra cho các cơ quan báo chí kinh tế, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ mạng xã hội, cũng như tác động từ sự biến chuyển nhanh chóng về công nghệ truyền thông nói chung.

Nghệ Nhân

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/phac-thao-buc-tranh-bao-chi-kinh-te-viet-nam-d112187.html