Phải cho phép dân sửa chữa nhà ở riêng lẻ trong khu vực di tích

Ngày 26-6, tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đã giải trình nhiều vấn đề đại biểu quan tâm.

Quốc hội họp ngày 26-6. Ảnh: VIẾT CHUNG

Quốc hội họp ngày 26-6. Ảnh: VIẾT CHUNG

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Luật Di sản văn hóa là một luật chuyên ngành rất khó, liên quan đến di tích, di sản và có liên quan đến 23 luật đang còn hiệu lực.

Về vấn đề bảo tàng, Bộ trưởng cho biết, hướng tiếp cận là mở ra cho phép có bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập, nhằm khắc phục hiện trạng hiện nay. Ví dụ, ở tỉnh đã có bảo tàng cấp tỉnh thì không làm thêm bảo tàng chuyên ngành nữa, mà phải là phòng trưng bày hoặc nhà trưng bày, với bản chất chính là nhà bảo tàng. “Chúng tôi cố gắng đa dạng hóa các mô hình bảo tàng để cung cấp dịch vụ và phục vụ tốt hơn cho hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Về bảo tàng số, hiện nay chưa được thể chế nhưng để tranh thủ công nghệ, đề nghị bổ sung việc trưng bày trên không gian mạng và trên kỹ thuật số, khi nào đủ độ chín thì sẽ có bảo tàng số”, Bộ trưởng nêu.

 Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: VIẾT CHUNG

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: VIẾT CHUNG

Về chính sách cho các nghệ nhân, theo Bộ trưởng, nghệ nhân giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích và di sản. Khắc phục những bất cập của luật trước đây, lần này dự thảo có chính sách cụ thể để tôn vinh nghệ nhân, không chỉ dừng lại ở nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn mà tất cả các nghệ nhân được vinh danh, công nhận đều được hưởng chính sách mà Nhà nước đã ban hành. Chính sách với nghệ nhân có cả chế độ về mai táng, sinh hoạt phí hàng tháng như nhiều cách làm sáng tạo của các địa phương. Bên cạnh đó, dự thảo khuyến khích thêm, tùy theo nguồn lực địa phương, có thể HĐND quyết định chính sách riêng để giúp cho các nghệ nhân có điều kiện tốt hơn công tác, trao quyền giảng dạy.

Về Quỹ Bảo tồn di di sản văn hóa vừa qua, Quốc hội cho phép và tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai. Thực tế cho thấy, quỹ có điều kiện để tôn tạo, phát huy các giá trị di tích (trên 70 tỷ đồng). Quỹ này giúp chúng ta huy động được tiền, nguồn lực từ các nguồn khác nhau để trùng tu, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích, mà nếu chỉ chờ vào Nhà nước, nguồn lực đầu tư công thì rất khó khăn.

Về bảo tồn, phát huy, đầu tư di tích, đâu là trường hợp khẩn cấp? Bộ trưởng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu để đảm bảo các di tích khi bị xuống cấp. Nếu không được bảo tồn, lưu giữ , hư hỏng thì Bộ VH-TT-DL sẽ phối hợp thêm với Bộ Xây dựng để đưa vào bổ sung, hoàn thiện

Vấn đề về phân cấp quản lý di tích, Bộ trưởng cho biết sẽ phân cấp triệt để cho các địa phương để quyết định những vấn đề thuộc di tích, di sản trên địa bàn, không dồn hết vào cơ quan trung ương; cấp nào công nhận di tích thì cấp đó có toàn quyền để quyết định những vấn đề thuộc về quản lý, bảo tồn di tích và nâng cấp.

Về sửa chữa nhà ở riêng lẻ trong khu vực di tích, Bộ trưởng thừa nhận, đây là một vấn đề thực tế của các di tích hiện nay. Khi chúng ta xếp hạng là không công nhận di tích nhưng có nhà dân đơn lẻ trong đó, dân khiếu nại nhiều nhưng không có cơ sở pháp luật để xử lý. Nếu chỉ dựa vào luật về xây dựng thì được cấp phép sửa chữa ngay, nhưng vì nằm trong khu di tích là vùng 1 thì rất lúng túng. Do đó, dự thảo luật cố gắng giải quyết theo hướng đây là bài toán địa phương giải quyết.

Bộ trưởng dẫn chứng, vừa qua Thừa Thiên Huế di chuyển toàn bộ nhà ở trong khu vực Đại Nội. Đây là một cuộc đại cách mạng, phải là ngân sách trung ương bỏ tiền vào mới làm được khu tái định cư và phải vận động rất nhiều mới đưa dân đi được. “Đó là khu vực tập trung, còn những nhà ở riêng lẻ nếu không cho họ được nâng cấp, cải tạo thì vi phạm pháp luật, do đó phải giải quyết hài hòa. Chúng ta ủy quyền cho sở VH-TT-DL, cho chính quyền, cho chủ tịch tỉnh ở địa phương đó xem xét trong điều kiện hiện trạng để cho phép người dân được sửa nhà ở, không thể để mãi như thế được”, Bộ trưởng nêu và cho rằng, không phải làm đại trà nhưng về lâu dài, chính quyền địa phương lập dự án để đưa người dân ra khỏi khu di tích, đền bù một cách thỏa đáng và trả lại mặt bằng đẹp cho di tích, đó là điều tốt nhất.

Bộ trưởng cam kết, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra để hoàn thiện dự luật theo hướng có chất lượng nhất, bao quát nhất và tạo điều kiện để di tích, di sản là báu vật của quốc gia thiên nhiên ban tặng, hàng ngàn năm nay cha ông ta tôn tạo, giữ gìn mà có, biến di tích, di sản trở thành tài sản của quốc gia.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phai-cho-phep-dan-sua-chua-nha-o-rieng-le-trong-khu-vuc-di-tich-post746384.html