Phải chớp bằng được cơ hội cho gạo Việt!

Thời cơ xuất khẩu, gia tăng giá trị cho gạo Việt đang lớn tới mức, chính Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã phải lên tiếng: 'Thời cơ không chờ đợi chúng ta. Đừng để mất cơ hội'.

Tác động của El Nino đã, đang khiến sản lượng gạo tại nhiều quốc gia châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm, nhiều nước đang ra sức mua gạo dự trữ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ, tiếp theo là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Nga đều đã ban hành các lệnh cấm xuất khẩu gạo. Thời cơ xuất khẩu, gia tăng giá trị cho gạo Việt đang lớn tới mức, chính Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã phải lên tiếng: “Thời cơ không chờ đợi chúng ta. Đừng để mất cơ hội”.

Theo thừa nhận được đưa ra cuối tháng 7 vừa qua của đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo Việt Nam và Thái Lan đang tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ qua. Cụ thể, tính đến ngày 27/7, giá gạo 5% tấm, 25% tấm xuất khẩu của nước ta tăng lần lượt 35,1% và 36,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện, các thị trường Trung Quốc, Philipiness, Indonesia đều hướng nhập khẩu về thị trường Việt Nam. Xuất sang Trung Quốc sau một thời gian dài sụt giảm nay cũng bật tăng mạnh. Tính đến hết tháng 5/2023, quốc gia này chi 364,2 triệu USD mua gạo Việt Nam, tăng 79,1% so với cùng kỳ năm ngoái. 6 tháng đầu năm nay, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam. Indonesia vươn lên thành khách hàng lớn thứ ba của gạo Việt, chỉ đứng sau Philippines và Trung Quốc.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt hơn 4,83 triệu tấn, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân tính trong 6 tháng ước đạt hơn 540 USD/tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2022 và mức cao nhất trong 1 thập kỷ qua.

Cũng theo VFA, các đối tác nhập khẩu chủ động tìm đến doanh nghiệp Việt Nam hỏi mua gạo, tự trả giá cao hơn 10 - 20 USD một tấn so với trước 20/7.

Còn theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường, giá gạo có thể tái lập lên mức 1.000 USD một tấn trong thời gian tới.

Nguyên do chủ yếu của việc giá gạo tăng đột biến trên thị trường thế giới được cho là… El Nino. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, El Nino kéo theo những điều kiện thời tiết nóng và khô hơn sẽ khiến lượng dự trữ gạo của thế giới giảm 5%, xuống còn 173,5 triệu tấn trong niên vụ này. Riêng tại châu Á, thời tiết khắc nghiệt đã, đang khiến sản lượng gạo tại nhiều quốc gia châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm, nhiều nước đang ra sức mua gạo dự trữ.

Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - ngày 20/7 tuyên bố tạm dừng xuất khẩu gạo. Ngay sau đó, ngày 29/7, Nga và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cũng “nối gót” thông báo tạm dừng xuất khẩu gạo để đề phòng nguy cơ thiếu hụt. Căng thẳng Nga – Ukraine cùng sự trắc trở của thỏa thuận ngũ cốc biển Đen càng khiến thị trường lương thực toàn cầu căng thẳng về nguồn cung, giá lúa gạo cùng nhiều loại ngũ cốc lớn khác đang tăng vọt.

Và cho dù là bởi nguyên do gì thì có một thực tế không thể phủ nhận là những niềm vui lớn phía sau đó. Không khó có thể mường tượng ra người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo vui đến thế nào khi chứng kiến hạt gạo Việt đang trên đà được giá đến thế.

Nhưng cùng với niềm vui là nỗi lo. Tình hình thị trường gạo thế giới được các chuyên gia cũng như chính lãnh đạo ngành NN&PTNT nhìn nhận là cơ hội có một không hai cho gạo Việt gia tăng giá trị trên thị trường thế giới. “Đây là thời cơ cho chúng ta. Bộ NN&PTNT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay. Các bộ ngành, địa phương tập trung các giải pháp về kỹ thuật, hành chính để tăng lượng xuất khẩu của chúng ta”, Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT Nguyễn Như cho biết.

Còn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thì lên tiếng cảnh báo: “Thời cơ không chờ đợi chúng ta, các thị trường đang tăng cường nhập khẩu gạo để ăn và dự trữ. Do vậy, chấp hành ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp tính toán ngay một chiến lược, kế hoạch trong ngắn hạn về những khó khăn, thuận lợi gửi Bộ NN&PTNT để cùng tháo gỡ. Đừng để mất cơ hội”. Nỗi lo ấy chính là việc gạo Việt có thể đánh mất cơ hội.

Không phải vô cớ có nỗi lo ấy. Không chỉ tư lệnh ngành NN&PTNT mà nhiều chuyên gia đang nhấn mạnh tới câu chuyện “chớp thời cơ” cho gạo Việt. Bởi, nói như ông Trương Thanh Phong - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, bài học từ câu chuyện xuất khẩu gạo năm 2008 vẫn còn nguyên giá trị. Thời điểm đó, khi Việt Nam đang xuất khẩu gạo với giá 900 USD/tấn thì có lệnh ngừng xuất khẩu. Giá gạo giảm còn hơn 300 USD/tấn, ngành gạo Việt Nam tuột mất cơ hội giúp nông dân thoát nghèo và doanh nghiệp phất lên nhờ giá bán tốt.

Nhưng cũng liên quan tới “bài học xuất khẩu gạo 2008”, nhiều ý kiến cho rằng với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đảm bảo an ninh lương thực luôn là điều phải được nhắc nhớ hàng đầu. Tuy nhiên, về vấn đề này, nhiều chuyên gia khẳng định: Việt Nam hiện tại đủ khả năng đảm bảo an ninh lương thực.

Chia sẻ thông tin về ngành hàng lúa gạo tại họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm diễn ra ngày 3/7/2023, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, cho biết, nhờ làm tốt công tác giống, áp dụng cơ giới hóa cùng trình độ thâm canh của nông dân nên năng suất lúa liên tục tăng, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Năng suất lúa bình quân tại ĐBSCL có vụ đạt 7,21 tấn, thậm chí ở Bình Định đạt tới 8,1 tấn/ha - mức cao kỷ lục trong vòng 20 năm qua.

Cũng về vấn đề này, lãnh đạo Cục Trồng trọt thông tin: Năm ngoái, sản lượng lúa gạo của nước ta là 42,7 triệu tấn, thì xuất khẩu 7,13 triệu tấn gạo. Năm nay sản lượng lúa gạo ước tính trên 43,1 triệu tấn, thậm chí 43,2 triệu tấn nên đương nhiên chúng ta có thể xuất khẩu vượt kỷ lục của năm ngoái. Việc xuất khẩu gạo sẽ không ảnh hưởng gì đến nguồn cung trong nước.

“Hiện nay chỉ 90 ngày là có 1 vụ lúa rồi, nên chúng ta hoàn toàn yên tâm về an ninh lương thực, cũng như chớp thời cơ tốt nhất cho xuất khẩu”, ông Nguyễn Như Cường khẳng định.

Như vậy, rõ ràng mọi sự cho công cuộc cất cánh trên đường bay xuất khẩu của gạo Việt hiện không có bất kỳ lực cản nào. Thế nên, phải chớp bằng được cơ hội cho gạo Việt, phát triển thị trường, gia tăng cả khối lượng và giá trị.

Ở khâu thương mại, các doanh nghiệp tập trung vào việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam để định hình cũng như nâng cao giá trị của hạt gạo. Cùng với vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, gạo Việt cũng đang khẳng định là hạt gạo hội tụ đầy đủ các yếu tố: ngon, chất lượng, an toàn” - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định. Sâu xa hơn nữa là giúp người trồng lúa có cơ may kiếm được đồng lãi trên hạt gạo của mình.

Nguyễn Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phai-chop-bang-duoc-co-hoi-cho-gao-viet-post258873.html