Phải giảm chi thường xuyên và tiết kiệm hơn!
Bên cạnh đề nghị Chính phủ đầu tư cho vùng ĐBSCL, các đại biểu Quốc hội cảnh báo dịch Covid-19 còn hiện hữu, cần giảm tối đa chi thường xuyên và tiết kiệm hơn
Ngày 5-11, Quốc hội (QH) bước sang ngày thứ 4 thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Trong các phiên thảo luận, bên cạnh các vấn đề "nóng" như thủy điện, sách giáo khoa lớp 1, nhiều đại biểu (ĐB) QH kiến nghị Chính phủ quan tâm, có giải pháp khắc phục những khó khăn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Gỡ điểm nghẽn cho ĐBSCL
Nói về điểm nghẽn hạ tầng giao thông của vùng ĐBSCL, ĐB Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) kiến nghị sớm đầu tư 3 dự án giao thông. Thứ nhất, dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đi qua 5 địa phương là Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Thứ hai, tuyến đường bộ ven biển nối liền các tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu với tổng chiều dài 52 km. Thứ ba, sớm đầu tư cao tốc Châu Đốc (tỉnh An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng trong giai đoạn 2021-2025, nhằm kết nối cảng nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng) đến trung tâm TP Cần Thơ.
Cũng liên quan đến hạ tầng giao thông, ĐB Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) kiến nghị QH, Chính phủ quan tâm phân bổ vốn đầu tư công cho vùng để ưu tiên xây dựng các tuyến đường cao tốc Mỹ Thuận đến Cần Thơ và Cà Mau; nâng cấp các tuyến quốc lộ 53, 54, 57, 80 và các trục đường kết nối ngang của vùng để tạo động lực cho ĐBSCL phát triển hơn nữa.
Còn theo ĐB Hồ Thanh Bình (An Giang), vùng ĐBSCL đã và đang làm tốt vai trò phát triển kinh tế nông nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. ĐBSCL chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu, 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 70% rau quả cả nước. Chưa kể, với 700 km chiều dài bờ biển và là vùng cửa ngõ quốc tế giao lưu với khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ Dương, ĐBSCL có điều kiện và tiềm năng để phát triển kinh tế biển, thu hút đầu tư nước ngoài. Dù có nhiều tiềm năng, lợi thế như vậy nhưng hạ tầng logistics của ĐBSCL còn hạn chế và vùng lại đối diện với tụt hậu kinh tế, đang dần trở thành gánh nặng cho ngân sách quốc gia.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH báo cáo cấp có thẩm quyền, xem xét bổ sung quy định quốc tang cho đồng bào tử nạn do thiên tai.
Trước QH, ĐB Hồ Thanh Bình nhấn mạnh, phát triển hạ tầng cảng biển nước sâu và hệ thống giao thông nối kết cho vùng ĐBSCL là chiến lược thiết yếu cho vùng trong thời gian tới. "Việc phát triển kinh tế cảng biển nước sâu đã được nghiên cứu và đề xuất từ giữa năm 2000. Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải vừa có các thủ tục đánh giá khả thi. Mong Chính phủ sớm triển khai các thủ tục pháp lý và phương án đầu tư, kêu gọi đầu tư phù hợp" - ĐB Hồ Thanh Bình kiến nghị.
Trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL, ĐB Hồ Thị Cẩm Đào cũng kiến nghị Chính phủ đôn đốc triển khai các biện pháp ứng phó trong mùa khô sắp tới. Trước mắt, theo ĐB Đào, cần triển khai cấp bách các hoạt động như bơm nước, nạo vét cửa sông, kênh, mương trữ ngọt. Về lâu dài cần bố trí vốn trong giai đoạn 2021-2025 để đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động, kịp thời thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.
Dù đã giảm chi nhưng vẫn còn ở mức cao
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng cần đưa ra các "kịch bản" về dịch trong năm 2021 để có phương án ứng phó phù hợp. ĐB Ngân đưa ra 2 kịch bản. "Kịch bản" 1: Vắc-xin điều trị có hiệu quả, dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt trên 6% là khả thi. "Kịch bản" 2: Vắc-xin không hiệu quả, dịch bệnh tiếp tục bùng phát, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ có thể đạt cao nhất 4%-5%.
Để kiểm soát dịch bệnh tốt, ĐB Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho y tế công cộng, y tế dự phòng, đặc biệt là các trung tâm kiểm soát dịch bệnh. Tạo điều kiện để các trung tâm này liên kết với các trung tâm kiểm soát bệnh tật quốc tế để học hỏi, trao đổi thông tin.
Vị ĐB này cũng lưu ý trong bối cảnh nguồn thu giảm do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, thời gian tới còn tiếp tục chịu tác động, Chính phủ cần có các biện pháp giảm chi thường xuyên, tiết kiệm hơn nữa. Đối với kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị phải thận trọng vì nguồn vốn eo hẹp, xem xét ưu tiên cho các dự án cấp thiết, tránh dàn trải.
ĐB Dương Văn Thống (Yên Bái) cũng nhìn nhận các khoản chi thường xuyên trong các năm qua đã cắt giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Ông cho rằng nhiều khoản chi còn lãng phí, trong khi có thể tiết kiệm để đầu tư phát triển. Với những khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt trong giai đoạn tới do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như những biến động của kinh tế thế giới, ĐB Dương Văn Thống đề nghị rà soát, cắt giảm chi thường xuyên mạnh hơn nữa.
Đồng quan điểm, ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện, nhấn mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là những vấn đề cần đặc biệt lưu ý trong năm 2021 cũng như giai đoạn sắp tới. Theo ĐB Nhưỡng, cơ quan, đơn vị, công chức cần gương mẫu trong chi tiêu, tổ chức các hoạt động, tránh gây phản cảm và phải xử lý nghiêm các hành vi lãng phí. "Đảng viên, cán bộ đi nhậu nhẹt tràn lan, đề nghị phải có biện pháp chấn chỉnh" - ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Làm rõ thêm về vấn đề ngân sách trước QH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết chi thường xuyên năm 2021 sẽ giảm 56.000 tỉ đồng so với dự toán năm 2020. "Do vậy, yêu cầu trong năm 2021, như các ĐB phát biểu, chúng ta phải triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; đồng thời thực hiện đồng bộ có hiệu quả các nghị quyết của trung ương, QH về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; đẩy mạnh xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập" - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày.
4 tỉnh Tây Nguyên chưa có đường cao tốc
Thảo luận tại hội trường, ĐB Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) cho biết mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh và khu vực Tây Nguyên đang thiếu và yếu. Tỉnh Đắk Lắk có 7 quốc lộ đi qua với hơn 700 km đường và 140 cây cầu. Tuy nhiên, các tỉnh lộ, quốc lộ và nhiều tuyến đã xuống cấp trầm trọng, có chỗ không lưu thông được như đường 14C. Ngoài ra, trên địa bàn Đắk Lắk và các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông chưa có một mét đường cao tốc nào. Ông Hữu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương nghiên cứu, có kế hoạch cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông của tỉnh; đồng thời chỉ đạo để các tỉnh Tây Nguyên sớm có các tuyến cao tốc kết nối với các khu vực khác.