'Phải khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là trụ cột của nền kinh tế'

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong Chỉ thị, Thủ tướng nhấn mạnh, khu vực kinh tế tư nhân, trong đó trọng tâm là doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội.

Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 50% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm (chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế). Dưới góc nhìn nghiên cứu chuyên sâu và thực tiễn, TS. Phạm Thị Thu Hằng, đã có những chia sẻ với Tạp chí Thương gia về những tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân

Hiện nay, kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% tăng trưởng GDP, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo việc làm cho 85% số lao động cả nước. Từ góc độ một chuyên gia kinh tế, theo bà liệu đã đến lúc có thể khẳng định kinh tế tư nhân là trụ cột quan trọng nhất của nền kinh tế chưa?

Đây là câu hỏi rất hay vì nó phản ánh nhận thức của xã hội về khu vực tư nhân sau một giai đoạn lịch sử khi mà vai trò của nó bị đánh giá thấp, thậm chí là bị gạt bỏ. Tuy nhiên tầm quan trọng của khu vực tư nhân đã được khẳng định lại và thể hiện rõ nhất bằng Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (TƯ) năm 2002 và Nghị quyết 10 năm 2017 của TƯ. Và như ta đã thấy, sau đó hàng loạt các cải cách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi đã được xây dựng và không thể không phủ nhận rằng nhờ đó mà khu vực tư nhân đã lớn mạnh, đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển chung của cả xã hội như ngày nay.

Tôi theo dõi và nghiên cứu khu vực này gần 30 năm nay, và nhận thấy đôi khi chúng ta hay có thói quen chỉ nhìn vào chỉ số đóng góp vào GDP để đánh giá tầm quan trọng của một khu vực kinh tế nào đó. Nhưng nếu nhìn vào chỉ số “tạo công ăn việc làm” thì sẽ thấy tầm quan trọng của khu vực tư nhân, đó là không kể những đóng góp khác về mặt phát triển kinh tế xã hội.

Mỗi một khu vực kinh tế đều mang trong mình sứ mệnh của nó cho sự phát triển của đất nước, nó chỉ trở nên quan trọng nếu như nó phát huy được vị thế của mình để hoàn thành các sứ mệnh đúng như kỳ vọng. Chẳng hạn như khu vực FDI đã thu hút được lượng vốn đầu tư khủng vào Việt Nam, nhưng đóng góp kỳ vọng về “chuyển giao, lan tỏa công nghệ” rồi “liên kết với doanh nghiệp trong nước” vẫn mang lại kết quả rất khiêm tốn. Vẫn còn đến 50% doanh nghiệp FDI vẫn báo lỗ, tuy nhiên lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư.

Cho nên quay trở lại câu hỏi ban đầu, hoàn toàn có thể khẳng định “khu vực tư nhân là trụ cột của nền kinh tế”, điều quan trọng là ta cần ứng xử như thế nào với “trụ cột” quan trọng nhất này.

Một số ý kiến cho rằng các doanh nghiệp tư nhân hiện nay mặc dù đóng góp lớn cho nền kinh tế, tuy nhiên vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi so với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI trong việc tiếp cận các nguồn lực tài chính, đất đai cũng như các cơ chế, chính sách ưu đãi khác… Quan điểm của bà như thế nào về vấn đề này?

Có thể nói nếu xét về những chủ trương lớn và nhìn vào hệ thống pháp luật kinh doanh ở Việt Nam thì các khu vực kinh tế ở Việt Nam tương đối bình đẳng. Vấn đề lại nằm ở quá trình tiếp cận nguồn lực đó.

Không thể phủ nhận rằng, do quy định dưới luật không rõ ràng minh bạch, do sự quan liêu và thái độ phục vụ của một bộ phận công chức dẫn đến phát sinh rất nhiều chi phí làm cho các yếu tố sản xuất (đất đai, vốn, công nghệ) hoạt động kém hiệu quả. Điều này tác động đến tất cả các doanh nghiệp của cả 3 khu vực kinh tế.

Có chăng, khu vực tư nhân chịu hậu quả nặng nề hơn tất cả nhưng không phải vì nó là “khu vực tư nhân” mà là các doanh nghiệp khu vực này có quy mô quá nhỏ. Về vực tư nhân, chúng ta ít khi nhắc đến 5 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp (trong khi nhóm này đóng góp trên 30% GDP). Mỗi hộ có khoảng hai lao động. Trong số 5 triệu hộ kinh doanh này có khoảng trên 1,3 triệu hộ hoạt động có đăng ký kinh doanh, có mã số thuế. Tức là hoạt động như doanh nghiệp - tạm gọi là khu vực bán chính thức.

Theo số liệu từ Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đăng ký doanh nghiệp, hiện tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước tính đến hết năm 2023 là hơn 921 nghìn doanh nghiệp. Cùng với số lượng doanh nghiệp nhỏ bán chính thức thì hiện có tổng hơn 2,2 triệu doanh nghiệp.

Giả sử doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ cùng tiếp cận đất đai, thì thông thường doanh nghiệp lớn thuận lợi hơn nhiều, mà doanh nghiệp nhà nước và FDI thì hiếm khi thấy có doanh nghiệp nào quy mô nhỏ và cực nhỏ. Mặc dù, Nhà nước đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ khu vực tư nhân khắc phục những hạn chế khó khăn do quy mô nhỏ gây ra, nhưng các chính sách hỗ trợ này vẫn chưa tạo được kết quả như mong đợi.

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%. Mục tiêu đặt ra là vậy nhưng hiện số lượng doanh nghiệp phá sản, rút khỏi thị trường cũng không nhỏ. Theo bà, liệu có khả thi trong tình hình kinh tế hiện nay và làm thế nào để đạt được mục tiêu đó?

Về số lượng doanh nghiệp, thực tế, chuyện các doanh nghiệp rút khỏi thị trường, phá sản là hết sức bình thường. Ở nhiều nước trên thế giới, khi khảo sát các doanh nghiệp được thành lập ở một thời điểm nhất định, tuy nhiên 10 năm sau đó chỉ còn 30% doanh nghiệp hoạt động.

Không thể phủ nhận rằng điều này có thể đặt ra một thách thức lớn đối với mục tiêu tăng số lượng doanh nghiệp được Chính phủ đề ra. Nhưng sẽ là mục tiêu khả thi nếu có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả từ phía Chính phủ và các bên liên quan. Việc đạt được mục tiêu này đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao từ cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp. Tôi cũng kiến nghị một số giải pháp có thể triển khai trong thời gian tới để nâng cao số lượng và chất lượng hoạt động doanh nghiệp như sau:

Đầu tiên, phải trở lại câu chuyện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đã đến lúc nhà nước cần rà soát lại chính sách hỗ trợ, có những “công cụ, phương thức hỗ trợ” không còn phù hợp, hiệu quả nữa thì phải thay thế ngay. Hiện tại, hầu hết các nước trên thế giới, kể cả các nước đã phát triển , họ đều có chính sách riêng biệt để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cần lưu ý, các chính sách này tập trung vào hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực và thị trường, từ đó mở rộng quy mô, tăng năng suất và phát triển bền vững. Các giải pháp ngắn hạn như giảm thuế thuê đất, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có ý nghĩa nhất định ở những thời điểm khó khăn của các doanh nghiệp, nhưng về lâu dài nó sẽ khiến doanh nghiệp nhỏ không muốn lớn.

Thực tế có rất nhiều công cụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hiệu quả trên thế giới đã được Việt Nam học tập kinh nghiệm và đưa vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo quan điểm của tôi, tăng số lượng doanh nghiệp không thôi cũng không đáp ứng được mục tiêu tăng đóng góp GDP, mà phải tăng số lượng các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn. Tôi đặc biệt lưu ý tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô vừa. Khi có quy mô vừa trở lên doanh nghiệp mới hoạt động hiệu quả được, năng suất mới tăng được và mới có lãi để tái đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, cần phải hóa giải một điểm nghẽn quan trọng của nền kinh tế nước ta, đó là sự tách rời giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước. Một mặt các doanh nghiệp FDI đã tận dụng rất tốt cơ hội thị trường trong nước với dân số trên 100 triệu người, điều mà các doanh nghiệp trong nước đã không có đủ năng lực bắt kịp. Mặt khác khoảng cách về trình độ công nghệ của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước lại khá xa.

Cho nên khi xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy để doanh nghiệp lớn mạnh hơn, chúng ta phải luôn đặt doanh nghiệp trong các mối quan hệ của thị trường.

Thứ ba, tôi muốn quay trở lại đề cập đến mức độ hiệu quả trong hoạt động của các thị trường yếu tố sản xuất: Thị trường bất động sản; thị trường vốn; thị trường công nghệ; thị trường lao động… một khi các thị trường này còn bị “bóp méo”, còn nhiều sự can thiệp hành chính, vận hành thiếu hiệu quả và khó tiên đoán thì các doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực còn khó khăn , chi phí sẽ gia tăng và khó có thể nâng cao năng suất lao động được.

Cuối cùng là vấn đề khai thác lợi thế cạnh tranh. Các doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển chủ yếu ở các địa phương. Thời gian đầu họ dựa vào lợi thế so sánh của địa phương để phát triển, nhưng một khi những lợi thế so sánh này đã được khai thác triệt để, chiến lược phát triển kinh tế địa phương buộc phải thay đổi. Và sự thay đổi đó dứt khoát phải có sự tham gia của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khu vực tư nhân. Họ là lực lượng phát hiện ra “lợi thế cạnh tranh” này, tham gia vào xây dựng và đồng thời thực hiện chiến lược.

Hơn lúc nào hết vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp khu vực tư nhân tại địa phương đó cần được phát huy mạnh mẽ. trong quá trình này sẽ hình thành các cụm công nghiệp mà ở đó các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nhau theo chuỗi cung ứng. Đó mới là lúc hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân được nâng cao nhờ chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI/doanh nghiệp lớn cho doanh nghiệp phụ trợ trong cụm công nghiệp và giảm thiểu tối đa chi phí kinh doanh.

Gần đây, trong chương trình làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo (AI), thương mại điện tử, xây dựng đặc khu kinh tế và thành lập sàn giao dịch tài sản số… Với những chỉ đạo mang tính khai phóng và đột phá trên của Tổng Bí thư sẽ tác động như thế nào đến khối doanh nghiệp tư nhân, thưa bà?

Tôi nghĩ rằng, điều này chắc chắn sẽ tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Nếu các lĩnh vực này được khai phóng thì sẽ tạo tiền đề rất tốt cho việc cải thiện tính hiệu quả trong hoạt động của các thị trường yếu tố, mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm chi phí kinh doanh và nâng cao năng suất lao động.

Tuy vậy, như đã đề cập ở trên, nếu không có chính sách phù hợp và đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy liên kết giữa FDI và doanh nghiệp trong nước, sẽ chỉ có các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn tận dụng được cơ hội này.

Riêng các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực trên thì sẽ có rất nhiều cơ hội. Quan trọng là họ có đủ bản lĩnh, tự tin để nắm bắt nó hay không vì đây là lĩnh vực công nghệ mới, chắc chắn sẽ có rủi ro.

Một điểm cần lưu ý rằng, cho đến nay, các khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh những lĩnh vực này ở Việt Nam hầu như còn rất sơ khai. Tác động của những chiến lược trên đối với khối doanh nghiệp còn phụ thuộc vào việc hình thành hệ sinh thái mà những xu hướng đổi mới sáng tạo này được triển khai như thế nào. Ngay cả những đánh giá tác động của “trí tuệ nhân tạo” đến xã hội loài người nói chung cũng còn có ý kiến khác nhau.

Cách đây vài thập niên, Trung Quốc có xuất phát điểm kinh tế cũng tương tự Việt Nam nhưng hiện nay họ đã có những tập đoàn tư nhân lớn vươn tầm quốc tế như Alibaba, Tencent, Huawei, ByteDance…hay trước đó là Hàn Quốc với Samsung, Huyndai, LG… Theo bà, Việt Nam cần cải thiện những cơ chế gì để thúc đẩy các doanh nghiệp, tập đoàn phát triển, gây dựng được thương hiệu mang tầm cỡ toàn cầu như vậy?

Tôi không nghĩ là Việt Nam có cùng xuất phát điểm như Trung Quốc cách đây vài thập kỷ. Thực ra không nên so sánh Việt Nam với Trung Quốc, họ có lợi hơn hẳn về quy mô nền kinh tế. Cách đây hơn 20 năm, tôi đã từng khảo sát một số trung tâm đổi mới sáng tạo của Trung Quốc, các khu công nghiệp và các doanh nghiệp cũng như trường đại học… thì thấy tầm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp - nhất là trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo của họ rất quyết liệt, rõ ràng.

Các thiết kế chính sách đồng bộ, hướng tới mục tiêu lâu dài và dự đoán được các tác động hiệu quả của nó. Từ hạ tầng cơ sở cứng cho đến các hạ tầng mềm, mỗi nhóm/ khu vực doanh nghiệp đều có chính sách hỗ trợ nhưng không triệt tiêu nhau hoặc tạo vị thế cho khu vực hơn hẳn khu vực kia.

Nếu để trả lời các câu hỏi “Việt Nam cần cải thiện những cơ chế gì để thúc đẩy các doanh nghiệp, tập đoàn phát triển, gây dựng được thương hiệu mang tầm cỡ toàn cầu như vậy?” thì tôi sẽ trả lời đúng 4 giải pháp đã đề cập ở trên. Và đây cũng là điều rút kinh nghiệm và học tập được từ Trung quốc, Hàn quốc, Đài Loan.

Khi quan sát hoạt động ở một trung tâm thương mại rất lớn ở Côn Minh, Trung Quốc, tôi nhận thấy đây chính là địa điểm bán buôn, giới thiệu hàng hóa tiêu dùng do các doanh nghiệp nội địa trong nước sản xuất. Từng đoàn xe máy của bà con từ các vùng quê đến đây lấy hàng. Dường như khi phát động phong trào “đưa hàng về nông thôn” ta đã bỏ qua một lực lượng lớn các hộ kinh doanh cá thể và qua đây cũng có thể phần nào trả lời cho câu hỏi vì sao hàng hóa của Trung Quốc rẻ.

Hay khi nói về giảm chi phí cho doanh nghiệp, các chuyên gia Trung Quốc xác định nó nằm ở chỗ “sản xuất theo cụm”. Các cụm công nghiệp sẽ thu hút một doanh nghiệp lớn vào trước, sau đó doanh nghiệp này sẽ hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa phụ trợ vào theo để sản xuất theo chuỗi. Mọi chi phí tiếp thị, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân viên, vận chuyển được tiết kiệm đến mức tối đa. Các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí chỉ cần mang máy móc vào các nhà xưởng dựng sẵn “plug and play” (cắm là chạy).

Còn đối với Hàn Quốc thì sự thành công của các tập đoàn lớn diễn ra theo một cách khác hơn so với trung quốc. Các công ty Hàn Quốc như Samsung, Huyndai, LG… xuất hiện trước Alibaba, Tencent, Huawei, Bytedance là vì họ đã “bắt kịp làn sóng công nghệ” thập kỷ 1980, 1990 với những công nghệ mới như xe hơi, đồ điện tử, ti vi, máy tính và bứt phá nhanh.

Sau này họ vẫn duy trì để bắt kịp xu hướng mới mà Samsung là một ví dụ điển hình trong việc làm chủ được công nghệ smartphone. Tuy nhiên dù có thế nào, thì vai trò của Nhà nước kiến tạo hệ sinh thái để hỗ trợ các doanh nghiệp lớn mạnh để đổi mới sáng tạo là không thể thiếu.

Hiện nay, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Là một chuyên gia kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, bà đưa ra khuyến nghị gì cho các doanh nghiệp tư nhân để họ có thể khai thác, tận dụng tốt những chính sách, cơ hội từ Nghị quyết 57?

Vấn đề đổi mới công nghệ có ý nghĩa sống còn đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp tồn tại được là nhờ sản phẩm, dịch vụ và sản phẩm mang tính cạnh tranh là nhờ có sự đổi mới. Sự đổi mới với chính doanh nghiệp là rất quan trọng, nhưng đổi mới đối với thị trường còn quan trọng hơn. Vì vậy với Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là một thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đổi mới sản phẩm, dịch vụ của mình.

Trong quá trình phát triển nền kinh tế sản xuất hàng hóa, xuất hiện những “làn sóng công nghệ” nhờ đó thị trường đã xuất hiện những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu mới. Đó chính là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, khi nhu cầu bão hòa, tăng trưởng sẽ chậm lại. Vì vậy, những doanh nghiệp nào đón bắt được làn sóng công nghệ mới này thì sẽ bứt phá mạnh mẽ.

Đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động hơn trong việc đầu tư vào đổi mới sản phẩm, khoa học và công nghệ giúp rút ngắn quá trình này. Các doanh nghiệp phải tìm đến các phát minh sáng chế, liên kết; đặt hàng các viện nghiên cứu, trường đại học để “giải các bài toán” liên quan đến công nghệ, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, cải tiến công cụ lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tuy nhiên, trong nghiên cứu khoa học sẽ có rủi ro và cơ hội, có nghĩa rằng các doanh nghiệp cũng phải chấp nhận rủi ro và chia sẻ lợi ích khi thành công với nhà khoa học.

Một điều chú ý đó là các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực “hấp thụ” công nghệ. Đây là câu chuyện liên quan đến trình độ của người lao động khi tiếp nhận công nghệ được chuyển giao, quản lý công nghệ và cập nhật công nghệ. Doanh nghiệp cần có cán bộ cấp cao được đào tạo về quản trị công nghệ và phụ trách lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tăng cường đội ngũ kỹ sư không những chuyên sâu về công nghệ mà còn có khả năng hiểu và nhận biết được những xu hướng mới của thị trường.

Xin cảm ơn bà!

Bảo An

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/phai-khang-dinh-khu-vuc-kinh-te-tu-nhan-la-tru-cot-cua-nen-kinh-te-post558770.html