Phải siết trách nhiệm người nổi tiếng khi quảng cáo

Việc siết chặt trách nhiệm quảng cáo đối với người nổi tiếng không chỉ là yêu cầu cấp thiết, mà còn là giải pháp bảo vệ người tiêu dùng và duy trì tính minh bạch của thị trường.

Mới đây, trong phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, một nội dung thu hút sự quan tâm lớn của dư luận là việc tăng cường trách nhiệm đối với người làm quảng cáo, đặc biệt là người nổi tiếng và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Theo đó, dự thảo luật yêu cầu người ảnh hưởng khi quảng cáo phải kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo; nếu chưa sử dụng hoặc chưa hiểu rõ về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ thì không được giới thiệu về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ.

 Hàng loạt người nổi tiếng, KOL, KOC bị xử phạt vì quảng cáo sai sự thật. Ảnh: PV

Hàng loạt người nổi tiếng, KOL, KOC bị xử phạt vì quảng cáo sai sự thật. Ảnh: PV

Góp ý dự thảo luật, các đại biểu đề xuất quy định rõ hơn nghĩa vụ của người quảng cáo, nhất là người nổi tiếng, khi quảng cáo sai sự thật phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường.

Trên thực tế, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc người nổi tiếng vi phạm quy định quảng cáo. Điển hình như trường hợp Hằng Du Mục, Quang Linh Vlog bị khởi tố trong vụ án sản xuất hàng giả, lừa dối người tiêu dùng. BTV Quang Minh và MC Vân Hugo mới đây cũng bị xử phạt hành chính liên quan đến việc quảng cáo sữa không đúng sự thật.

Không thể để lời nói suông

Ông Trần Văn Hòa (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, người nổi tiếng có sức ảnh hưởng rất lớn đến quyết định tiêu dùng của công chúng. Do đó, việc luật hóa trách nhiệm của họ là bước đi cần thiết.

“Không thể để họ chỉ cần nói “tôi đã dùng rồi” là được. Phải có quy định rõ ràng, yêu cầu họ nộp bản cam kết đã sử dụng, thậm chí có thể phải cung cấp hóa đơn, ảnh hoặc video sử dụng thật. Cơ quan quản lý cũng cần có công cụ hậu kiểm để xử lý khi phát hiện sai phạm” - ông Hòa nhấn mạnh.

Ông Hòa cũng ủng hộ việc xử phạt nghiêm khắc, nếu người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật. “Họ nhận tiền để quảng cáo thì phải chịu trách nhiệm, nếu lời giới thiệu đó gây hại cho người tiêu dùng. Không thể nói suông rồi phủi tay” - ông Hòa nói thêm.

Chung quan điểm, chị Nguyễn Thị Minh Trang (ngụ TP Thủ Đức) nhấn mạnh cần làm rõ thế nào là “hiểu rõ” sản phẩm, đặc biệt với các mặt hàng liên quan đến sức khỏe.

Theo chị Trang, nếu người nổi tiếng chỉ lặp lại lời nội dung quảng cáo từ nhãn hàng, mà không thực sự tìm hiểu thì không thể gọi là hiểu và càng không đủ cơ sở để quảng cáo.

Chị Trang đề xuất cần có tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ “hiểu rõ”, đặc biệt với sản phẩm liên quan đến sức khỏe, trẻ em, người già, tránh tình trạng quảng cáo mơ hồ, dẫn dắt người tiêu dùng.

Cần luật hóa, tránh “kẽ hở”

Luật sư (LS) Nguyễn Thị Thu Hương, Đoàn LS TP.HCM, cho biết hiện Luật Quảng cáo chưa có quy định rõ về trách nhiệm pháp lý của người nổi tiếng khi quảng cáo sai sự thật. Do đó, trong phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, các đại biểu cũng kiến nghị bổ sung quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của nhóm đối tượng này trong các nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành.

“Đề xuất này là hoàn toàn hợp lý và cần thiết nhằm chuẩn hóa hành lang pháp lý, từ đó góp phần tạo lập môi trường quảng cáo minh bạch, công bằng và có trách nhiệm” - LS Hương nói.

LS Hương cũng nhấn mạnh việc người nổi tiếng được xem là “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng”, việc xác định mức độ “đã sử dụng” và “hiểu rõ” sản phẩm như đề xuất trong dự thảo luật cần được cụ thể hóa.

Việc người nổi tiếng được xem là “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng”, việc xác định mức độ “đã sử dụng” và “hiểu rõ” sản phẩm như đề xuất trong dự thảo luật cần được cụ thể hóa.

“Nếu đưa các thuật ngữ này vào luật, các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn chi tiết: Hiểu rõ là hiểu đến mức nào, thể hiện bằng hình thức gì, để tránh việc áp dụng tùy tiện và đảm bảo sự thống nhất trong thực thi pháp luật” - LS Hương đề xuất.

Cũng theo LS Hương, dự thảo luật lần này đã có điều chỉnh, bổ sung khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” tại khoản 2 Điều 8 phân biệt rõ hai nhóm: Người trực tiếp trình bày quảng cáo qua hình thức như mặc, treo, dán, vẽ... và người thực hiện hợp đồng dịch vụ quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo.

Đặc biệt, tại khoản 2a Điều 36, dự thảo đã bổ sung thuật ngữ “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng” - một bước tiến quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi quảng cáo của người nổi tiếng trên mạng xã hội.•

Khi niềm tin bị tổn hại

ThS Đinh Văn Mãi, Trường ĐH Văn Lang, cho biết những vụ quảng cáo sai sự thật của người nổi tiếng gần đây đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng và sức khỏe, tài chính của họ. Khi phát hiện thông tin sai lệch, người tiêu dùng không chỉ mất niềm tin vào sản phẩm, mà còn hoài nghi về toàn bộ thị trường, làm giảm hiệu quả chiến dịch truyền thông chân chính. Điều này cũng gây tổn hại đến hình ảnh của người nổi tiếng và suy yếu chuẩn mực đạo đức trong ngành quảng cáo.

Người nổi tiếng có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt dư luận nhưng khi họ quảng cáo sai sự thật, hệ quả không chỉ là sản phẩm bị tẩy chay mà còn làm suy yếu các chuẩn mực xã hội. Quảng cáo sai sự thật cũng khuyến khích lối tiêu dùng thiếu tỉnh táo khiến người tiêu dùng dễ bị thao túng và vay nợ để thỏa mãn nhu cầu.

Hơn nữa, sự mờ nhạt giữa thật và giả trong quảng cáo khiến công chúng khó phân biệt thông tin đúng sai, gây rối loạn trong việc tiêu thụ thông tin. Hệ quả là một bộ phận người tiêu dùng tin rằng “nổi tiếng là đủ để tạo niềm tin”, bỏ qua việc nâng cao chuyên môn và kỹ năng, gây tác động tiêu cực cho xã hội.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, ThS Trần Xuân Tiến, Trường ĐH Văn Hiến, cho biết trong kỷ nguyên số, người nổi tiếng không chỉ quảng bá sản phẩm mà còn định hình xu hướng và giá trị tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm không có chuyên môn, gây sai lệch thông tin và thiệt hại cho người tiêu dùng.

Việc bổ sung trách nhiệm pháp lý của người nổi tiếng trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là cấp thiết. Ngoài ra, cần xây dựng bộ quy tắc nghề nghiệp dành riêng cho người có ảnh hưởng, bảo đảm hoạt động quảng bá minh bạch, trung thực. Quy tắc này nên được cập nhật thường xuyên, đi kèm cơ chế chứng nhận để nâng cao tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo nội dung.

Đồng thời, cần tăng cường giáo dục truyền thông cho công chúng, giúp người tiêu dùng tỉnh táo trước quảng cáo. Vai trò giám sát xã hội từ báo chí, mạng xã hội đến chính người tiêu dùng cũng cần được phát huy để tạo áp lực minh bạch với người nổi tiếng.

Các nền tảng mạng xã hội cũng cần nâng cao trách nhiệm, yêu cầu gắn nhãn quảng cáo rõ ràng, công khai nội dung tài trợ và tạo điều kiện để người dùng dễ dàng báo cáo vi phạm.

THẢO HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phai-siet-trach-nhiem-nguoi-noi-tieng-khi-quang-cao-post849221.html