'Phải tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030'
Đây là lời của Chủ tịch COP28 tại Đối thoại Khí hậu Petersberg tại Berlin (Đức). Theo Hội đồng chuyên gia về khí hậu của Liên hợp quốc, vào đầu năm nay, thế giới có nguy cơ vượt qua giới hạn nóng lên toàn cầu 1,5 độ C trong khoảng một thập kỷ, thúc giục giảm đáng kể lượng khí thải làm nóng hành tinh.
Báo Quốc tế thông tin, phát biểu khai mạc Đối thoại Khí hậu Petersberg tại Berlin (Đức), Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) ngày 2/5, ông Sultan Al Jaber đã kêu gọi các bên tham gia tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo "Chúng ta sẽ tăng cường hành động trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, phải tăng gấp 3 công suất (năng lượng tái tạo) vào năm 2030 và tăng gấp đôi vào năm 2040".
Lời kêu gọi của ông Al Jaber đồng thời khẳng định mục tiêu mà Cơ quan Năng lượng quốc tế đã đặt ra. Tháng trước, tại một cuộc họp kín với các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) ở Nhật Bản, ông Al Jaber cũng đã nêu mục tiêu này. Tuy nhiên, ông không kêu gọi chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Thay vào đó, Chủ tịch COP28 cho biết trọng tâm phải là loại bỏ khí thải mà chúng tạo ra trong khi đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo.
Ông Al Jaber cũng kêu gọi các nước phát triển cung cấp gói khí hậu trị giá 100 tỷ USD/năm đã cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển. Năm 2009, tại hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ở Copenhagen (Đan Mạch), các nước giàu cam kết đến năm 2020 sẽ hỗ trợ các nước nghèo 100 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, năm ngoái, Tổ chức hợp tác và phát triển Kinh tế (OECD) cho biết tổng số tiền giải ngân theo cam kết hiện còn thiếu 17 tỷ USD.
Tương tự, tại Đối thoại Khí hậu Petersberg, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nêu rõ cuộc khủng hoảng khí hậu đã gây ra thách thức an ninh lớn nhất trong thế kỷ này cho tất cả các nước. Điều này đòi hỏi thế giới cùng hợp lực, sử dụng các công cụ tài chính và chính trị, cũng như các giải pháp công nghệ để giải quyết khủng hoảng.
Đại diện của hơn 40 quốc gia tới Đức để tham dự sự kiện, thảo luận về các bước đi xa hơn nhằm đạt được các mục tiêu khí hậu nêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Sự kiện ở Berlin được xem là sự chuẩn bị cho COP28, dự kiến diễn ra từ ngày 30/11 đến 10/12 tới tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất).
Tại Việt Nam, nhận thức được tiềm năng, vai trò của năng lượng tái tạo trong việc phát triển kinh tế cũng như bảo vệ môi trường, Chính phủ khẳng định: "Phát triển năng lượng tái tạo không chỉ tập trung mở rộng quy mô và tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, mà còn giải quyết vấn đề cung cấp năng lượng cho khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng một xã hội sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, thân thiện môi trường".
Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam (Quyết định số 2068 GĐ-TTg ngày 25/11/2016) với những mục tiêu lớn: tăng sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo đạt khoảng 101 tỷ kWh vào năm 2020, khoảng 186 tỷ kWh vào năm 2030 và khoảng 452 tỷ kWh vào năm 2050. Theo đó, tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc tăng từ lên khoảng 38% vào năm 2020; đạt khoảng 32% vào năm 2030 và khoảng 43% vào năm 2050.