'...Phải thắt lưng buộc bụng để chi thêm cho giáo dục cũng là việc nên làm'
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, giáo dục là một lĩnh vực đặc biệt, chi cho giáo dục một đồng, tương lai sẽ mang lại nhiều đồng. Vì thế, nếu phải 'thắt lưng buộc bụng' để chi thêm cho giáo dục cũng là việc nên làm.
Ngày 16/12, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã làm việc tại tỉnh Bắc Giang nhằm nắm bắt kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo năm 2021 của địa phương này.
Tại đây, đoàn đã tới thăm cơ sở vật chất, tình hình giảng dạy, học tập trong điều kiện một năm học khó khăn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại Trường Tiểu học Bích Sơn và Trường THCS Thân Nhân Trung (huyện Việt Yên); làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang.
Trong tình hình chung của cả nước ứng phó với dịch bệnh Covid-19, các trường học của tỉnh Bắc Giang nói chung và Trường Tiểu học Bích Sơn, Trường THCS Thân Nhân Trung nói riêng đã có sự ứng phó tốt, sẵn sàng chuyển trạng thái sang dạy học trực tuyến. Ghi nhận nỗ lực này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn, nhà trường sẽ tiếp tục tinh thần sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, linh hoạt triển khai hiệu quả các mục tiêu chung của ngành.
Qua trò chuyện với một số học sinh, Bộ trưởng cho rằng, điều đáng mừng là các em ngày càng tự tin, dám nói lên ý nghĩ, quan điểm của mình; do đó, các thầy cô cần vun đắp thêm cho các em sự tự tin, sáng tạo, chủ động, tôn trọng cá tính, phát huy tố chất riêng của từng học sinh.
Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng lưu ý, bên cạnh tích cực dạy kỹ năng, tri thức, các nhà trường cần quan tâm bồi đắp con người, nhân cách cho các em; chú trọng rèn luyện đạo đức, xây dựng văn hóa học đường, rèn luyện cách ứng xử, để trong giao tiếp các em vừa chủ động, tự tin nhưng cũng phải lễ phép.
Chắt chiu, dành nguồn lực cho giáo dục
Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn cho biết, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bắc Giang đã chỉ đạo tổ chức tốt việc khảo sát, đánh giá một năm triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 1; tích cực chuẩn bị các điều kiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022. Bắc Giang đã hoàn thành biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 2, lớp 6, báo cáo Bộ GDĐT phê duyệt; đang tiếp tục chỉ đạo tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, lớp 7, lớp 10.
Năm 2021 là năm thứ 2 đặc biệt khó khăn với ngành Giáo dục, bởi diễn ra trong bối cảnh cả nước căng mình chống dịch Covid-19. Trước tình hình trên, với phương châm “tạm dừng đến trường, song không dừng việc học”, ngành Giáo dục Bắc Giang đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo chuyển trạng thái nhanh từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến và các hình thức dạy học khác để bảo đảm nội dung, chương trình và chất lượng giáo dục.
Phát biểu tại cuộc làm việc, nhấn mạnh một số nhiệm vụ ngành Giáo dục đang triển khai, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Toàn ngành đang chung sức, chung lòng thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Có rất nhiều công việc đặt ra và phải làm từ phía Bộ GD-ĐT, nhưng triển khai thực tế lại do các địa phương. Chia sẻ điều này, Bộ trưởng mong muốn, tỉnh Bắc Giang sẽ thấu hiểu và tiếp tục quan tâm, phối hợp triển khai thành công sự nghiệp đổi mới này.
Nhắc tới nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục, Bộ trưởng dành sự ghi nhận cho việc thích ứng nhanh chóng và triển khai được một phần chuyển đổi số trong giáo dục của Bắc Giang giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ không chỉ mang tính chất ứng phó tạm thời, mà là việc căn bản cho rất nhiều đổi mới khác nên phải được làm toàn diện. “Cú hích của dịch bệnh đã giúp chúng ta làm được một số việc, nhưng phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Đã làm phải làm triệt để, làm toàn diện, để tăng sức mạnh, để không bị động trong mọi tình huống”, Bộ trưởng nói.
Một nhiệm vụ nữa cũng được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập với mong muốn tỉnh Bắc Giang sẽ quan tâm làm tốt trong thời gian tới, đó là xã hội hóa giáo dục. Đây phải được xem là đường đi lâu dài để giải quyết những vấn đề, mục tiêu của giáo dục,…
Nhìn lại những kết quả của giáo dục Bắc Giang thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đã thể hiện rõ nét sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương cho sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Sơn mong rằng tỉnh Bắc Giang sẽ dành sự quan tâm, ưu tiên hơn nữa về nguồn lực để phát triển giáo dục, đào tạo.
“Giáo dục rất đặc biệt. Chi cho giáo dục một đồng, tương lai sẽ mang lại nhiều đồng. Vì thế, nếu phải “thắt lưng buộc bụng” để chi thêm cho giáo dục cũng là việc nên làm”, Bộ trưởng nói, đồng thời mong muốn, tỉnh Bắc Giang sẽ chắt chiu, dành nguồn lực cho đẩy nhanh hoàn tất kiên cố hóa trường lớp học; đầu tư cho hạ tầng số, trang thiết bị học tập; giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên; nâng cao chất lượng giáo dục các bậc học…
Một số nhiệm vụ cụ thể khác như: Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; đổi mới giáo dục theo chiều sâu, trong đó có đổi mới giảng dạy môn Ngữ văn, Lịch sử trong trường phổ thông… cũng được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, với mong muốn tỉnh sẽ có những chỉ đạo triển khai thực hiện đạt hiệu quả.