Phẩm chất kiên trung của những cựu tù chính trị: Lan tỏa truyền thống, khơi dậy tự hào, xây dựng Thủ đô

Trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, đã có hàng vạn chiến sĩ cộng sản bị địch bắt, tù đày. Dù bị giam cầm và phải chịu đựng những hình thức tra tấn vô cùng khốc liệt, nhưng phẩm chất kiên trung với Đảng, với Tổ quốc của những người tù cộng sản vẫn luôn được giữ vững.

Không những thế, ở mỗi giai đoạn lịch sử, trong mỗi nhà tù, phẩm chất ấy luôn tỏa sáng, soi rọi đường lối đấu tranh của những người tù cộng sản. Để từ đó, góp phần đưa đất nước đến thắng lợi cuối cùng.

Hôm nay, dù đất nước đã hòa bình nhiều thập kỷ, nhưng phẩm chất kiên trung của những người tù cộng sản năm xưa vẫn vẹn nguyên. Ở những hình thái mới, phẩm chất ấy cùng Đảng đấu tranh chống lại những thế lực thù địch, cùng nhân dân xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Nhằm góp phần làm sáng rõ phẩm chất kiên trung của những người tù cộng sản trong giai đoạn hiện nay, Báo Quân đội nhân dân Điện tử tổ chức thực hiện vệt bài về những những cựu tù chính trị đang sinh sống tại địa bàn TP Hà Nội và chi bộ được hình thành từ trong nhà tù thực dân. Họ là những người đang phát huy phẩm chất kiên trung trong chiến đấu, góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp hằng ngày ở khu dân cư.

Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

BÀI 1: “Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng”

“Đảng là một ngôi sao sáng/Sáng nhất trong muôn vì sao/Giữa trời tối đêm mịt mùng/Vẫn một màu sáng trong”, giữa ngục tối và những trận tra tấn vô cùng tàn bạo của quân thù nhưng nhờ có ánh sáng chỉ đường, dẫn lối của Đảng nên cho dù bị giam cầm nhưng những chi bộ Đảng vẫn được hình thành và hoạt động bí mật ngay trong lòng địch và chính tại nơi được coi là “địa ngục trần gian” đó, phẩm chất kiên trung và ý chí quật cường của những chiến sĩ cộng sản được tỏa sáng.

Chi bộ được hình thành trong Nhà tù Hỏa Lò

Tại Nhà tù Hỏa Lò, năm 1930-1931, số lượng các chiến sĩ cộng sản bị bắt giam tăng cao, trong đó nhiều đồng chí đã từng giữ vai trò lãnh đạo trong các chi bộ Đảng bên ngoài. Khi bị bắt giam, phải sống trong cảnh tù đày nghiệt ngã, hàng ngày đối mặt với kẻ thù tàn bạo và xảo quyệt, nên các chiến sĩ cộng sản đã nghĩ đến việc thành lập chi bộ Đảng để đấu tranh chống lại chế độ nhà tù hà khắc. Cuối năm 1931 đầu năm 1932, Chi bộ Đảng ở Nhà tù Hỏa Lò thành lập, đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) được cử làm Bí thư chi bộ.

Ngay từ khi thành lập, Chi bộ Đảng Nhà tù Hỏa Lò đã xác định nhiệm vụ chủ yếu là: Lãnh đạo đấu tranh trong tù, giáo dục, bồi dưỡng lý luận cho tù nhân, tuyên truyền giác ngộ binh lính và giám thị, liên hệ với tổ chức Đảng bên ngoài để tổ chức đấu tranh giành quyền sống… Hoạt động của chi bộ diễn ra trong điều kiện bí mật, đồng chí nào gia nhập chi bộ rồi mới biết và chỉ biết trong phạm vi tổ Đảng. Để giữ bí mật, tên chi bộ (năm 1932) gọi là "Tổ chức bên trong", sang năm 1933 gọi là CH.MI.

Nhằm tạo nên một lực lượng đủ mạnh để đấu tranh chống lại chế độ nhà tù thực dân, chi bộ Đảng đã chủ trương vận động thành lập các tổ chức quần chúng như: Lao tù hội, Đoàn thanh niên cộng sản, Phụ nữ liên hiệp hội. Để tạo nên khối đoàn kết, thống nhất trong toàn thể tù nhân, chi bộ đã chủ trương ra báo "Đời tù" và "Lao tù tạp chí” nhằm mục đích giáo dục, nâng cao trình độ, tư tưởng chính trị và ý thức tổ chức kỷ luật cho đảng viên; trao đổi kinh nghiệm và phương pháp vận động quần chúng. Phong trào học tập văn hóa, ngoại ngữ, chính trị trong các trại giam ngày càng phát triển do các đảng viên cốt cán giữ vai trò là các giáo viên giảng dạy. Sinh hoạt văn hóa, tinh thần của tù nhân trở nên sôi nổi với các hình thức sinh hoạt phong phú như: Đàn hát, làm thơ, diễn kịch…

Ông Nguyễn Tiến Hà, Trưởng ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò, Bí thư chi bộ trong Nhà tù Hỏa Lò năm 1952:

“Tuy trách nhiệm nặng nề nhưng tôi luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”

Ông Nguyễn Tiến Hà, Trưởng ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò, Bí thư chi bộ trong Nhà tù Hỏa Lò năm 1952.

Ông Nguyễn Tiến Hà, Trưởng ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò, Bí thư chi bộ trong Nhà tù Hỏa Lò năm 1952.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, các cuộc đấu tranh của tù chính trị chống lại chế độ giam cầm hà khắc được thực hiện bài bản và đã thu được kết quả, cải thiện cuộc sống cho tù nhân. Nhiều cuộc vượt ngục thành công của tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò đã cung cấp một lực lượng lớn cán bộ lãnh đạo cho phong trào cách mạng bên ngoài như: Cuộc vượt ngục của 7 tù chính trị tại Nhà thương Phủ Doãn tháng 12-1932; cuộc vượt ngục bằng đường cống ngầm trước sân trại J tháng 3-1945 hay cuộc vượt ngục vào đêm 24-12-1951 của 16 tù chính trị khu xà lim tử hình Nhà tù Hỏa Lò…

Đất nước đã thống nhất gần 50 năm và Thủ đô Hà Nội giờ đây đã “thay da đổi thịt” nhưng những cựu tù chính trị thời kháng chiến chống Pháp thì hầu hết đã về với tổ tiên và các nhà cách mạng tiền bối. Hiện nay, chỉ còn một số cựu tù chính trị đều đã hơn 90 tuổi. Cho dù sức khỏe không được như xưa, nhưng khí chất của người chiến sĩ cộng sản vẫn luôn rực sáng trong tim họ.

Mỗi lần thăm lại Nhà tù Hỏa Lò, trong lòng chiến sĩ cựu tù chính trị Nguyễn Tiến Hà, Trưởng ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò và cũng là Bí thư chi bộ trong Nhà tù Hỏa Lò năm 1952, lại bồi hồi xúc động.

Thời gian bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò, ông Nguyễn Tiến Hà đã được đồng đội tín nhiệm bầu vào Ban chi ủy, sau đó được cử làm Bí thư chi bộ của Nhà tù Hỏa Lò. Ông đã cùng Ban lãnh đạo các trại giam tổ chức cho anh em đấu tranh chống khủng bố, đàn áp, đòi cải thiện đời sống cho tù nhân.

“Năm 1951 tôi bị bắt vào Nhà tù Hỏa Lò, trước đó đã có một số đồng chí đảm nhiệm chức vụ Bí thư chi bộ ở đây. Khi tôi vào thì hai đồng chí bị đày đi Côn Đảo. Lúc đó, chi ủy họp và giao nhiệm vụ cho tôi là tiếp tục duy trì hoạt động chi bộ trong Nhà tù Hỏa Lò và đảm nhận chức vụ Bí thư Chi bộ”, ông Nguyễn Tiến Hà nhớ lại.

“Tôi coi đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và đồng đội tin tưởng giao cho mình. Đây là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề bởi Ban lãnh đạo phải hoạt động bí mật và làm thế nào để quán xuyến được tình hình trong tù, đồng thời có sự đấu tranh với kẻ địch để giành lấy sự sống. Trong tù bị giam cầm khó khăn như thế nhưng chúng tôi vẫn tổ chức họp chi bộ, họp tổ đảng của các trại giam để đấu tranh với thực dân Pháp cho ra sân chơi 2 lần/ngày. Tranh thủ những lúc ra chơi đó, chúng tôi bí mật họp chi bộ. Tuy trách nhiệm nặng nề nhưng tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”, ông Nguyễn Tiến Hà kể.

Tranh thủ thời gian ngắn ngủi để họp chi bộ ngay tại sân của Nhà tù Hỏa Lò, Bí thư chi bộ Nguyễn Tiến Hà đã đề xuất ra những kế hoạch, chủ trương, để buộc thực dân Pháp phải bỏ những hình thức tra tấn tàn bạo với các chiến sĩ, đấu tranh không để không cho các tù nhân ăn thực phẩm bẩn… Cứ thế, từng bước một, người Bí thư chi bộ này lan tỏa tinh thần đấu tranh đến rất nhiều chiến sĩ, đồng thời, thực dân Pháp phải hạn chế những chế độ hà khắc vơíngười tù.

Tái hiện hình ảnh các cựu tù chính trị bị giam cầm tại Nhà tù Hỏa Lò.

Tái hiện hình ảnh các cựu tù chính trị bị giam cầm tại Nhà tù Hỏa Lò.

Thiếu tướng Huỳnh Ðắc Hương:

“Tôi luôn tâm nguyện phấn đấu hết sức mình, đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng phát triển”

102 năm tuổi đời và 80 năm tuổi Đảng, Thiếu tướng Huỳnh Ðắc Hương, nguyên Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, Trưởng ban liên lạc Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, từng bị giam cầm ở 5 nhà tù thực dân. Giờ đây khi đã ở vào tuổi xưa nay hiếm nhưng giọng nói của ông vẫn hào sảng và tinh thần cũng như ý chí của người đảng viên này vẫn luôn rực cháy. Thiếu tướng Huỳnh Ðắc Hương luôn tâm nguyện phấn đấu hết sức mình để đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng phát triển.

“Tôi được kết nạp Đảng năm 1942 ở trong nhà tù Quảng Nam. Lúc đó trong nhà tù đã có một chi bộ và hoạt động bí mật. Tất cả chế độ mà thực dân Pháp đề ra trong nhà tù khi đó đều nhằm mục địch là triệt tiêu ý chí cách mạng của các chiến sĩ. Vì thế, hình thức tra tấn của bọn chúng đối với các chiến sĩ vô cùng tàn nhẫn như việc cho các tù nhân ăn gạo mốc, cá thối và cấm không liên hệ với bên ngoài và không cho học tập gì hết… Mặc dù vậy, các chi bộ đảng vẫn hoạt động rất mạnh. Tất cả những người được bồi dưỡng để chuẩn bị kết nạp Đảng đều được học tập, tìm hiểu về Chủ nghĩa Mác-Lênin”, Thiếu tướng Huỳnh Ðắc Hương nhớ lại.

“Quá trình hoạt động cách mạng của tôi mục đích là để vào Đảng bởi vì có vào Đảng mới hoạt động và phát huy được hết ý nguyện của mình. Vì thế, khi được kết nạp Đảng thì tôi vô cùng sung sướng. Khi đã đứng trong hàng ngũ của Đảng thì các nhiệm vụ cách mạng tiếp theo là giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước”, Thiếu tướng Huỳnh Ðắc Hương bày tỏ.

Thiếu tướng Huỳnh Ðắc Hương, nguyên Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, Trưởng ban liên lạc Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào từng bị giam cầm ở 5 nhà tù thực dân.

Thiếu tướng Huỳnh Ðắc Hương, nguyên Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, Trưởng ban liên lạc Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào từng bị giam cầm ở 5 nhà tù thực dân.

“Tôi nhớ khi ấy, trong tù chỉ có một 1 chi bộ chỉ đạo tất cả mọi hoạt động của các chiến sĩ bị giam cầm trong đó. Lễ kết nạp Đảng của tôi được tổ chức nhanh gọn và đơn giản để địch không phát hiện ra; chỉ có một đồng chí bí thư chi bộ của nhà tù và 2 đồng chí đảng viên chứng kiến việc kết nạp”, Thiếu tướng Huỳnh Ðắc Hương kể.

Từng kinh qua 5 nhà tù và khi bị giam ở nhà tù thực dân nào thì cũng cần phải đấu tranh với chế độ hà khắc của đế quốc. Lúc đó, chiến sĩ Huỳnh Ðắc Hương biết tiếng Pháp nên được cử làm đại diện để đấu tranh với thực dân. 5 năm bị giam ở 5 nhà tù khác nhau và cứ ra tù thì bị bắt lại. Khó khăn, vất vả nhưng ý chí và tinh thần của người chiến sĩ cộng sản này luôn kiên cường.

Trường học cách mạng ở nơi “địa ngục trần gian”

Hiện nay, trong hệ thống trưng bày thường xuyên tại di tích có nội dung trưng bày về “Chi bộ Đảng trong Nhà tù Hỏa Lò và những hoạt động “Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”. Đây là chủ đề thu hút được sự chú ý của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Khu buồng giam các chiến sĩ cách mạng tại Nhà tù Hỏa Lò.

Khu buồng giam các chiến sĩ cách mạng tại Nhà tù Hỏa Lò.

Trưởng ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Tiến Hà đã biến nhà tù thành trường học cách mạng. Đặc biệt, ông còn tích cực tham gia tổ chức các lớp học văn hóa, chính trị, ngoại ngữ và cũng là thầy giáo trong các lớp đó. Chính vì vậy mà anh em tù nhân đã gọi ông với cái tên thân mật: Thầy giáo Thỏa hay thầy hiệu trưởng Thỏa. Nhờ được học tập tại các lớp học trong Nhà tù Hỏa Lò mà sau khi thoát khỏi nơi đây, nhiều chiến sĩ đã có thêm kiến thức và năng lực công tác để phục vụ cách mạng; nhiều người trong số họ lại tiếp tục học tập lên cao,

Có thể khẳng định, thành quả đấu tranh của các chiến sĩ trong Nhà tù Hỏa Lò không thể tách rời sự chỉ đạo của chi bộ Đảng. Kinh nghiệm sống và lãnh đạo đấu tranh của đội ngũ đảng viên tiên phong trong Nhà tù Hỏa Lò mãi được tôn vinh và là gương sáng để các thế hệ đảng viên trẻ học tập và noi theo trên con đường xây dựng Thủ đô và đất nước Việt Nam giàu đẹp.

 Đề án thảo luận của Chi bộ Đảng trong Nhà tù Hỏa Lò, năm 1933 (mật thám Pháp thu giữ, dịch sang tiếng Pháp).

Đề án thảo luận của Chi bộ Đảng trong Nhà tù Hỏa Lò, năm 1933 (mật thám Pháp thu giữ, dịch sang tiếng Pháp).

Theo Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, những trường học cách mạng trong các nhà tù thực dân là rất cần thiết bởi vì có những chiến sĩ khi mới bị bắt giam vào đây thì mới nghe nói chứ chưa hiểu rõ về Chủ nghĩa Mác- Lênin. Vì thế, những đảng viên và các bí thư chi bộ phải bồi dưỡng kiến thức để các anh em đó hiểu. Ngoài ra còn phải giảng để mọi người hiểu sâu hơn về chủ nghĩa phát xít và cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta.

“Những lớp học trong tù được mở ra vào thời điểm tranh thủ lúc được ra chơi. Để tránh quân địch phát hiện, chúng tôi dùng gạch để vẽ xuống đất, có những đồng chí chưa biết chữ thì cũng phải học ở đây bằng cách như vậy. Nếu thấy quân địch đến gần thì chúng tôi dùng chân xóa dấu vết”, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương cho biết.

Những thành tựu và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc đem lại cho nhân dân Việt Nam và Thủ đô Hà Nội hôm nay cho thấy lựa chọn của những người chiến sĩ cách mạng là hoàn toàn đúng đắn. Sự phát triển của Hà Nội và đất nước giờ đây chính là phần thưởng xứng đáng cho những người một lòng một dạ đi theo Đảng, đi theo con đường mà Bác Hồ đã lựa chọn.

LỆ HUYỀN, NGUYỀN THẢO, THU THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/pham-chat-kien-trung-cua-nhung-cuu-tu-chinh-tri-lan-toa-truyen-thong-khoi-day-tu-hao-xay-dung-thu-do-712956