Phân biệt truyện khiêu dâm và văn chương có yếu tố tình dục

Theo chia sẻ của ThS Vũ Thị Thanh Tâm, tính dục trong văn học rất dễ để phân biệt với các yếu tố nhằm mục đích kích thích của truyện khiêu dâm.

Vụ việc xoay quanh tác phẩm Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian gần đây đã gợi lên nhiều tranh luận về yếu tố tình dục, tính dục trong tác phẩm văn học cũng như phương cách phù hợp cho học sinh phổ thông tiếp cận với các tác phẩm chứa các yếu tố này.

Tri thức - Znews đã có dịp trò chuyện với Thạc sĩ Vũ Thị Thanh Tâm, cựu giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn TP HCM với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy văn học và hiện là người quản lý thư viện tư nhân Ô cửa sách tại Đà Lạt, về việc giới thiệu tác phẩm văn học, đặc biệt là tác phẩm có yếu tố tình dục, tính dục đến học sinh phổ thông.

 ThS Vũ Thị Thanh Tâm. Ảnh: NVCC.

ThS Vũ Thị Thanh Tâm. Ảnh: NVCC.

Khuyến khích giới thiệu tác phẩm ngoài giáo trình

- Chị có thể chia sẻ về trải nghiệm và quan điểm của mình với việc giáo viên giới thiệu đến học sinh, sinh viên những tác phẩm, tác giả ngoài khuôn khổ sách giáo khoa?

- Trước hết, xin được làm rõ khái niệm "sách giáo khoa". Theo chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành từ năm 2018, chúng ta sẽ không có một bộ sách giáo khoa duy nhất nữa, và sách giáo khoa ngữ văn cũng chỉ là một học lệu chứ không phải là nguồn kiến thức duy nhất. Thay vì quy định các tác phẩm cụ thể, chương trình quy định yêu cầu cần đạt về năng lực đọc, viết, nói, nghe ở từng cấp lớp.

Căn cứ vào đó, giáo viên tự chọn ngữ liệu phù hợp để dạy. Chương trình có định hướng mở về ngữ liệu. Mặc dù có các bộ sách giáo khoa khác nhau, nhưng không có nghĩa là giáo viên dạy sách nào chỉ được lấy ngữ liệu từ sách đó. Mặt khác lại có khuyến nghị không ra đề thi bằng các ngữ liệu đã học trong chương trình. Dựa vào kiến thức cần đạt mỗi cấp lớp, giáo viên sẽ lựa chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để ra đề thi, đề kiểm tra. Xin trích nguyên văn: "Chương trình có định hướng mở về ngữ liệu".

Như vậy, việc giáo viên giới thiệu đến học sinh những tác phẩm, tác giả ngoài khuôn khổ sách giáo khoa không phải việc nên làm hay không mà là việc bắt buộc phải làm.

Đổi mới khiến môn Ngữ văn được giảng dạy đúng bản chất hơn: là để hình thành năng lực xử lý văn bản chứ không phải để học thuộc lòng nội dung cần phân tích.

ThS Vũ Thị Thanh Tâm

Để lựa chọn ngữ liệu, giáo viên có thể tham khảo danh mục văn bản gợi ý lựa chọn ở các lớp, do Bộ Giáo dục ban hành kèm chương trình.

Tuy nhiên luôn có dấu ba chấm sau danh sách gợi ý, nghĩa là có thể chọn thêm bên ngoài nữa, và danh sách viết rõ "Danh mục văn bản này không phải là tất cả ngữ liệu của các lớp mà chỉ là những ví dụ minh họa…"

Đây là điểm đổi mới khiến môn Ngữ văn được giảng dạy đúng bản chất hơn: là để hình thành năng lực xử lý văn bản chứ không phải để học thuộc lòng nội dung cần phân tích trong văn bản như cách trước đây chúng ta từng học cả thời gian dài.

- Theo chị, hiện chương trình giáo dục có tạo đủ điều kiện cho giáo viên giới thiệu các tác phẩm văn chương ngoài chương trình học?

- Tất nhiên là có. Theo quy định của chương trình, "Thiết bị dạy học tối thiểu của môn Ngữ văn là tủ sách tham khảo, có đủ các loại văn bản lớn là văn bản văn học, văn bản nghị luận, văn bản thông tin; có đủ các hình thức sách truyện, sách truyện tranh. Trong mỗi loại văn bản lớn có đủ các tiểu loại…"

Như vậy nghĩa là mỗi trường/lớp học phải trang bị đầy đủ tủ sách tham khảo này. Chắc chắn với quy định này, thư viện trường sẽ phải cung cấp nguồn sách phong phú cho giáo viên lựa chọn giới thiệu đến học sinh. Ít nhất là phải có các sách trong danh mục Bộ Giáo dục ban hành.

Tuy rất mở, chương trình cũng ghi rõ: Ngữ liệu được lựa chọn bảo đảm nhiều tiêu chí, trong đó có "Phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm - sinh lí của học sinh ở từng lớp học, cấp học".

Như vậy tức là giáo viên có quyền lựa chọn văn bản nhưng có trách nhiệm đảm bảo văn bản phù hợp các tiêu chí trên.

Tôi băn khoăn rằng tại đây chúng ta đang có một "điểm mờ" đẩy giáo viên vào tình thế phức tạp: Ngữ liệu để dạy trên lớp hoặc ra đề thì chỉ là một đoạn, nhưng để học sinh đọc tham khảo, có thể giáo viên sẽ giao cả quyển sách, nhất là với nhóm học sinh giỏi, vì khó có thể dạy một tác phẩm đúng như nó là nếu không thưởng thức trọn vẹn.

Do đó giả định rằng trong kỳ nghỉ, giáo viên giao sách cho học sinh đọc là hoàn toàn hợp lý. Bây giờ chúng ta hãy lướt qua một lượt danh mục tác phẩm ban hành kèm chương trình, sẽ thấy có nhiều tác phẩm văn học kinh điển, hay, nổi tiếng, nhưng nếu soi kỹ thì sẽ chứa một vài phiến đoạn có ngôn ngữ, nội dung không phù hợp. Ví dụ: Cơm thầy cơm cô, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez…

Đặt giả định rằng một phụ huynh thấy con đọc sách có những phiến đoạn như thế và phàn nàn giáo viên, như vậy rất oan uổng cho giáo viên.

Quay lại vụ ồn ào về Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian. Tác phẩm này xuất hiện trong danh mục tác phẩm gợi ý đọc của chương trình Tú tài quốc tế IB chứ không phải chương trình của Việt Nam. Tác phẩm này cũng không nằm trong danh mục gợi ý của Việt Nam. Song ta hình dung tính tương đương của hai chương trình với hai nhóm học sinh. Học sinh mà phụ huynh phàn nàn học theo chương trình IB và được giao đọc một cuốn sách trong danh mục gợi ý.

Bây giờ nếu căn cứ vào việc nó là tác phẩm trong danh mục, thì giáo viên không sai. Nhưng căn cứ vào ngôn từ "Phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm - sinh lí của học sinh ở từng lớp học, cấp học" thì giáo viên có thể sai vì sẽ có sự phân hóa về kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm - sinh lí giữa các học sinh với nhau nên làm sao mà phù hợp hết được.

Nếu giáo viên chỉ lựa một trích đoạn để dạy, thì tranh cãi có lẽ đã không xảy ra. Nhưng giáo viên giao cả sách, có lẽ vì muốn học sinh thấy tính toàn vẹn của tác phẩm, đó là ý tốt song đó cũng là điều đẩy giáo viên vào tình thế bị chỉ trích.

Tôi phân tích như vậy để thấy tình thế "tạo điều kiện" nhưng không có phương án nào để bảo đảm an toàn cho giáo viên cả.

Phân biệt tình dục trong văn và khiêu dâm rất dễ

- Từ vụ việc trên cũng nảy ra tranh cãi xoay quanh yếu tố tính dục, tình dục trong tác phẩm văn chương trong thời gian vừa qua. Chị có thể chia sẻ rằng nhìn từ góc độ văn học, các yếu tố này có vai trò như thế nào?

- Như tôi phân tích trên đây, việc dạy những tác phẩm có yếu tố tính dục đem lại rủi ro cho giáo viên, vậy đơn giản, có thể cắt hết các tác phẩm như thế ra khỏi chương trình không?

Thế thì ta sẽ phải bỏ không chỉ Trăm năm cô đơn, mà còn cả Số đỏ, Cơm thầy cơm cô, Chí Phèo, Nghìn lẻ một đêm, sử thi IliatOdysseus, Thần thoại Hy Lạp… Và, đau đớn thay, cả Truyện Kiều nữa!

 Theo ThS Vũ Thị Thanh Tâm, "yếu tố tính dục đã tồn tại từ văn học thuở hồng hoang và sẽ tồn tại trong văn học mãi mãi về sau". Yếu tố tính dục đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông điệp của tác giả.

Theo ThS Vũ Thị Thanh Tâm, "yếu tố tính dục đã tồn tại từ văn học thuở hồng hoang và sẽ tồn tại trong văn học mãi mãi về sau". Yếu tố tính dục đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông điệp của tác giả.

Vậy thì sẽ khá nhiều tác phẩm hay, đầy tính nhân văn, mẫu mực của văn học nhân loại, nhưng sẽ biến mất hoàn toàn khỏi tầm hiểu biết của học sinh. Thật không thể chấp nhận điều này.

Ta phải thừa nhận: yếu tố tính dục đã tồn tại từ văn học thuở hồng hoang và sẽ tồn tại trong văn học mãi mãi về sau. Ta không thể chối bỏ, cấm đoán, sỉ nhục, chỉ trích được. Ta phải học cách tiếp nhận cho đúng.

Tác phẩm văn học khác với hoạt động giao tiếp thông thường ở chỗ nó không chỉ có chức năng gửi một thông điệp duy nhất trong lớp vỏ ngôn từ, mà còn có chức năng thẩm mỹ. Và sau lớp vỏ ngôn từ còn là tầng hình tượng, rồi đến tầng ẩn ý của tác giả.

Khi tác giả viết về tình dục, luôn có những ẩn ý bên trong, tùy từng tác phẩm, chẳng hạn như khi thì để nói về bi kịch bị vùi dập thể xác, khi thì nói về vẻ đẹp mang tính nhân bản trong Truyện Kiều, về thân phận con người trong Trăm năm cô đơn, về những khát vọng bị vùi sâu trở thành ẩn ức trong Nghìn lẻ một đêm, về sự tha hóa trong Số đỏ hay Cơm thầy cơm cô

Nếu tách khỏi tác phẩm mà chỉ trích mỗi một đoạn văn về tính dục, thì sẽ thấy tác phẩm thô tục và kích thích. Nhưng đặt trong tác phẩm, người đọc có hiểu biết và kinh nghiệm đọc sẽ không thấy những cảm giác như vậy, vì họ còn mải mê theo câu chuyện của nhân vật, mà suy ngẫm, đi tìm ý nghĩa thực sự.

- Với những cuốn sách có đoạn miêu tả tình dục cụ thể, trần trụi như "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian", đâu là ranh giới giữa văn chương-nghệ thuật và dung tục-khiêu dâm? Độc giả phổ thông làm sao để phân biệt được?

- Rất đơn giản: Thứ nhất, về dung lượng: truyện khiêu dâm có yếu tố sex (tính dục/tình dục - PV) tràn lan, văn chương nếu chứa sex, chỉ ở các phiến đoạn chứ không phải đa phần dung lượng.

Thứ hai, về ý đồ: truyện khiêu dâm dùng yếu tố tính dục để kích thích, văn học dùng yếu tố tính dục để nói về một điều gì đó khác, mang tính nhân bản hơn. Truyện khiêu dâm chỉ có một lớp nghĩa, không thấy tư tưởng gì sau đó nữa, văn học dùng tính dục để thể hiện số phận, tính cách hoặc nhân cách… của nhân vật, có thể dung chứa tư tưởng của tác giả.

Tôi đã khóc khi đọc đoạn này (đoạn tả tình dục trong Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian) chứ không thể thấy bị kích thích nổi.

Thứ ba, nếu bạn có trải nghiệm đọc và sự nhập tâm đủ, thì các đoạn có yếu tố tính dục trong văn học không đem đến cảm giác chính yếu là sự kích thích, mà có khi làm bạn bật khóc, có khi làm bạn lặng thinh bần thần suy nghĩ. Nó là để gợi, không phải chỉ để tả như trong truyện khiêu dâm.

Cụ thể, với Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của Ocean Vương, theo tôi, yếu tố tình dục, dẫu rất thô, lại nói lên một trải nghiệm rất đau đớn mà đầy khát vọng. Nhân vật là một người mới lớn, từng trải qua thiếu thốn và bạo hành, từng không bao giờ được nhìn thấy hay được tôn trọng, có xu hướng đồng tính nam, đã chấp nhận cơn đau xé để được là mình, được nhìn thấy, được lựa chọn… Tôi đã khóc khi đọc đoạn này chứ không thể thấy bị kích thích nổi.

 Sách văn chương (trái) và sách có yếu tố khiêu dâm được dán nhãn cảnh báo (ảnh phải).

Sách văn chương (trái) và sách có yếu tố khiêu dâm được dán nhãn cảnh báo (ảnh phải).

- Liên quan đến các tác phẩm có chứa yếu tố tính dục, tình dục, chị nghĩ có thể dựa vào các tiêu chí gì để xác định tác phẩm phù hợp với độ tuổi nhất định của học sinh hay không? Theo chị ở độ tuổi nào thì các em nên được tiếp cập với các tác phẩm này, và tiếp cận ra sao?

- Theo tôi, có nhiều tiêu chí.

Tiêu chí thứ nhất: Tuổi. Phải trên 16 tuổi. Dưới 16, theo pháp luật, vẫn là trẻ em. Nếu giới thiệu cho trẻ em các tác phẩm này thì chỉ được giao các trích đoạn trong sáng.

Trên 16, việc giao tác phẩm cần được cân nhắc các yếu tố như trải nghiệm đọc, khả năng đọc hiểu tác phẩm, khả năng cảm thụ văn học nữa.

Ví dụ một bạn đọc nhiều sách văn học từ nhỏ thì ở tuổi 16, bạn có thể đọc các sách rất nhiều yếu tố tính dục như Rừng Na Uy mà vẫn có thể hiểu được rằng tác giả đang dùng yếu tố tính dục để nói về thân phận con người, và do đó bạn sẽ không thấy bị kích thích. Ngược lại, một người trưởng thành mà không có trải nghiệm đọc, đọc vào sẽ chỉ thấy bị kích thích thôi.

Tôi trân quý thời gian cấp 3 để học văn học. Giả định con chúng ta không học theo ngành văn sau khi tốt nghiệp cấp 3, thì cấp 3 là khoảng thời gian duy nhất con có thể đọc các tác phẩm chứa yếu tố nhạy cảm mà nếu bỏ hẳn khỏi chương trình thì vô cùng thiếu khuyết. Khi đọc với sự hướng dẫn của thầy cô, thầy cô có thể cho con biết sau những dòng viết về tình dục này là những thông điệp ẩn giấu gì?

Từ đó, học sinh có năng lực đọc để sau này, trở thành người đọc độc lập, có thể hiểu được những cuốn sách hay mình khám phá trong tương lai mà không còn bị trói mắc trong những yếu tố tính dục nữa.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/phan-biet-truyen-khieu-dam-va-van-chuong-co-yeu-to-tinh-duc-post1474884.html