Phân Bón Cà Mau: Không ngừng cải tiến, vượt qua giới hạn để phát triển bền vững
Sau mỗi kỳ bảo dưỡng tổng thể (BDTT) Nhà máy Đạm Cà Mau 2024 - Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đều rút ra những bài học, kinh nghiệm quý báu, từ đó đề xuất những giải pháp tối ưu, đảm bảo cho những kỳ bảo dưỡng tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn. PVCFC không ngừng cải tiến để vượt qua những giới hạn cũ, mỗi kỳ bảo dưỡng là một bước tiến vững chắc trên hành trình phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Với mục tiêu bảo đảm “An toàn - Chất lượng - Tiến độ - Hiệu quả”, BDTT Nhà máy Đạm Cà Mau năm 2024 đã được triển khai trong 14 ngày, bao gồm 4 ngày dừng và khởi động máy, cùng 10 ngày bảo dưỡng và sửa chữa với hơn 3.100 hạng mục. Sự kiện này huy động tổng lực với 1.714 nhân sự, trong đó có 7 chuyên gia nước ngoài, 1 chuyên gia trong nước, 65 nhân sự trong ngành, 1.057 nhân sự nhà thầu thuê ngoài và 584 nhân sự của Nhà máy Đạm Cà Mau.
Điểm sáng trong kỳ bảo dưỡng lần này, Nhà máy Đạm Cà Mau đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến, giúp tăng hiệu suất và độ bền cho các thiết bị quan trọng như các máy nén khí và bơm tuần hoàn… Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện bảo dưỡng được tính toán kỹ và bám sát với thời điểm dừng cấp khí từ thượng nguồn, đảm bảo cho nhà máy hoạt động trở lại đúng dự kiến.
Theo ông Nguyễn Duy Hải - Giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau, thành công của BDTT Nhà máy Đạm Cà Mau năm nay không chỉ ở việc hoàn thành đúng hạn, mà còn là cơ hội để học hỏi và tối ưu hóa cho những lần bảo dưỡng tiếp theo.
Đó cũng là lý do, sau mỗi kỳ BDTT, PVCFC luôn tổ chức Hội thảo tổng kết rút kinh nghiệm sau bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Đạm Cà Mau, với sự tham gia của Ban lãnh đạo Công ty, Ban Giám đốc Nhà máy và nhiều đơn vị trong ngành Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), và Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Đây là cơ hội để đại diện Nhà máy Đạm Cà Mau thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, thách thức, những điểm cần cải tiến trong nhiều công tác bảo dưỡng như: nâng cấp hệ thống DCS, đại tu thiết bị động chính, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị và nhà thầu…, từ đó đưa ra các giải pháp bảo dưỡng sửa chữa để máy móc hoạt động hiệu quả qua thời gian dài, góp phần tiết kiệm chi phí vận hành.
Tại Hội thảo, các đại biểu từ Petrovietnam, BSR, PVFCCo và Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng đã cùng thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến nâng cao hiệu quả cho các kỳ BDTT tiếp theo của Nhà máy Đạm Cà Mau. Những cái bắt tay đầy hứa hẹn và quyết tâm, những bài học, kinh nghiệm “xương máu” được chia sẻ, những giải pháp ấn tượng được đề xuất… đã khẳng định sự đoàn kết và hợp tác giữa các đơn vị trong ngành.
Những bài học hôm nay sẽ là kim chỉ nam cho PVCFC trong hành trình sắp tới. PVCFC sẽ không ngừng cải tiến quy trình và áp dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, tối ưu hóa chi phí và đảm bảo an toàn tuyệt đối trong vận hành, cung ứng các sản phẩm phân bón chất lượng cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu của bà con nông dân trên cả nước.