Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ để kinh tế Việt Nam tăng tốc

Các chuyên gia đều cho rằng, để tăng tốc nền kinh tế Việt Nam cần tránh tư duy nóng vội trong ban hành các chính sách điều hành kinh tế; Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, tạo động lực cạnh tranh lành mạnh trong thu hút đầu tư.

Sáng 3-1, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức tọa đàm đối thoại chính sách “Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và Triển vọng 2025”.

Dự báo tăng trưởng năm 2025 khoảng 6,5%

Nói về các động lực của kinh tế Việt Nam năm 2024, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VEPR đánh giá xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng, dòng vốn FDI tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam, đầu tư tư nhân dần tăng trưởng trở lại.

 TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VEPR nhận định về tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025. Ảnh: MT

TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VEPR nhận định về tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025. Ảnh: MT

Dù vậy, một số lĩnh vực chưa đạt kỳ vọng như chi tiêu hộ gia đình vẫn yếu. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt mục tiêu. Cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt gây áp lực tỷ giá.

Nhìn chung, ông Việt cho biết, các dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đều cho thấy tiềm năng phát triển của nền kinh tế trong năm 2025, dự kiến đạt mức 6,5% đến từ các động lực tăng trưởng như đầu tư công, đầu tư tư nhân và hoạt động xuất nhập khẩu đều đang duy trì đà phát triển.

Ngoài ra còn các yếu tố thuận lợi từ bên ngoài là đồng USD suy yếu và chính sách giảm lãi suất của FED sẽ hỗ trợ kinh tế vĩ mô, thuận lợi cho xuất khẩu. Đặc biệt có thể tận dụng chính sách thương mại mới của Mỹ, để nâng vị thế cạnh tranh toàn cầu.

Thận trọng khi ban hành chính sách

Tuy nhiên, TS Nguyễn Quốc Việt nhận định vẫn còn không ít những rủi ro tăng trưởng đã xuất hiện khi biến động kinh tế thế giới và các xu thế chính sách bảo hộ thương mại và các nước lớn có thể giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

“Bên cạnh đó, các xung đột địa chính trị chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ làm phân mảng kinh tế thế giới, ảnh hưởng tới tăng trưởng toàn cầu, nhất là các quốc gia phụ thuộc xuất khẩu”, ông Việt nhận định.

Thêm nữa, biến đổi khí hậu và dân số già hóa nhanh chóng đang là mối đe dọa ngày càng tăng đối với sự ổn định tài chính vĩ mô của Việt Nam trong dài hạn.

 Các chuyên gia hy vọng cải cách và tinh gọn bộ máy Nhà nước hướng tới hệ thống quản lý hiệu quả. Ảnh: MT

Các chuyên gia hy vọng cải cách và tinh gọn bộ máy Nhà nước hướng tới hệ thống quản lý hiệu quả. Ảnh: MT

Về rủi ro trong nước, TS.Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nhận định các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng là giải ngân đầu tư công còn chậm, không đồng đều.

Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn liên quan đến pháp lý, chi phí đầu vào còn cao, đơn hàng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững, thiếu lao động, năng suất thấp trong khi yêu cầu số hóa và xanh hóa ngày càng cao.

Việc cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm. Rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn và thị trường bất động sản phục hồi chậm, giá cao.

TS Nguyễn Quốc Việt đưa ra khuyến nghị chính sách trong thời gian tới. Thứ nhất, cần tập trung ổn định vĩ mô gắn với phục hồi tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ hơn so với giai đoạn hậu COVID-19, tránh tư duy nóng vội, chủ quan duy ý chí.

Các chính sách vĩ mô cần được ban hành, đánh giá tác động một cách cẩn trọng, đa chiều và có lộ trình cụ thể được công bố sớm để các chủ thể liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp có thể thích ứng, chống chịu tốt hơn trước những cú sốc về chính sách.

“Hứng khởi của nền kinh tế 2024 và đầu năm 2025 đến từ các động lực về cải cách, tinh gọn bộ máy nhà nước. Chúng tôi hy vọng cải cách và tinh gọn bộ máy nhà Nước hướng tới hệ thống quản lý hiệu quả, hiện đại hơn so với giai đoạn trước. Mục tiêu là để giảm rủi ro kinh doanh và chi phí tuân thủ”, TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong giai đoạn tới, cần tập trung xây dựng quy chế và chính sách để thúc đẩy động lực phát triển bền vững như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và phải đáp ứng được xu hướng thương mại - đầu tư toàn cầu.

Với những rủi ro ngắn hạn, đại diện VEPR cho rằng đảm bảo dư địa chính sách điều chỉnh kinh tế vĩ mô để hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Trong trung hạn, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ và kỹ năng cho lực lượng lao động và phát triển khoa học công nghệ nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh doanh sáng tạo và bền vững.

Và cuối cùng, trong dài hạn, xây dựng chiến lược và thực hiện các chính sách phát triển có mục tiêu, có trọng tâm, trọng điểm đồng thời đảm bảo việc giải ngân đầu tư công một cách có hiệu quả.

TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5-7% được đặt ra cho năm 2025, các giải pháp quyết liệt về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là rất cần thiết.

Theo đó, cần tập trung giải quyết các rào cản, điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh. Cải cách thể chế theo hướng phá bỏ những quy định, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không phù hợp với cơ chế thị trường.

“Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, tạo động lực cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương trong thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế”, ông Cung nói.

Đồng thời cần có sự phối hợp, giám sát chặt chẽ giữa Chính phủ, các cấp quản lý để đẩy nhanh quá trình cải cách.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/phan-cap-phan-quyen-manh-me-de-kinh-te-viet-nam-tang-toc-post828288.html