Phân cấp, phân quyền phải kiểm tra, giám sát để tránh lạm quyền

Đồng tình sửa Luật Tổ chức Chính phủ, các đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, khi phân cấp, phân quyền, phải đi kèm với công khai, minh bạch, giải trình, có phương thức giám sát, kiểm tra để tránh lạm quyền…

Ngày 13/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Chủ trì phiên thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội có Tổng Bí thư Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai.

Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chủ trì phiên thảo luận tổ ngày 13/2. Ảnh: Hồng Thái

Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chủ trì phiên thảo luận tổ ngày 13/2. Ảnh: Hồng Thái

Thảo luận tại tổ 1 (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), các ý kiến cho rằng, việc Quốc hội xem xét, cho ý kiến các luật liên quan đến tổ chức bộ máy là rất kịp thời, đáp ứng cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng. Các dự thảo luật đã bám sát theo yêu cầu, định hướng của Trung ương, Bộ Chính, trị, đã thể hiện rõ tư duy đẩy mạnh phân cấp phân quyền, kiến tạo phát triển…

Đồng tình sửa Luật Tổ chức Chính phủ, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, việc phân cấp, phân quyền hiện nay đang có nhiều tồn tại do cơ chế. Theo đại biểu, đã phân cấp - giao việc thì phải trao quyền. Luật không nên quy định chi tiết đến từng cách thức làm thế nào, mà chỉ quy định mang tính nguyên tắc, yêu cầu, có nghĩa làm như thế nào khi đã trao quyền cho địa phương là do địa phương quyết, chứ không có nghĩa trao quyền cho Chính phủ rồi Chính phủ xây dựng nghị định hướng dẫn và địa phương phải làm theo như thế...

Cùng với đó, khi phân cấp, phân quyền, phải đi kèm với công khai, minh bạch, giải trình, có phương thức giám sát, kiểm tra để tránh lạm quyền. Từ đó, tạo cơ chế giúp cán bộ, công chức phát huy được sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, việc phân cấp, phân quyền hiện nay đang có nhiều tồn tại do cơ chế. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, việc phân cấp, phân quyền hiện nay đang có nhiều tồn tại do cơ chế. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu cũng nhấn mạnh, để tạo đột phá về thể chế, có hai vấn đề. Thứ nhất là thay đổi phương thức quản lý, từ quản lý theo hành vi hiện nay, phải xây dựng quy trình thủ tục, chuyển sang quản lý theo kết quả đầu ra, đo lường kết quả đầu ra.

Bên cạnh đó, pháp luật quy định người dân được làm những gì pháp luật không cấm, còn cán bộ, công chức được làm những gì pháp luật cho phép, dẫn đến cán bộ, công chức, viên chức không được làm khác đi, dù kết quả tốt nhưng không đúng quy định của pháp luật.

Vì vậy, cần thay đổi quy định này, ngoài việc cán bộ, công chức không được làm những gì pháp luật cấm, còn phải làm những gì pháp luật chưa quy định nhưng giải quyết được đầu ra.

“Cho phép cán bộ, công chức năng động, sáng tạo mà không vi phạm quy định của pháp luật thì mới tạo đột phá về thể chế” - đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Trung cho rằng, phân cấp, phân quyền cần gắn liền với công khai, minh bạch, giám sát, kiểm soát, tránh lạm dụng quyền lực. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Trung cho rằng, phân cấp, phân quyền cần gắn liền với công khai, minh bạch, giám sát, kiểm soát, tránh lạm dụng quyền lực. Ảnh: Phạm Thắng

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Trung cho rằng, phân cấp, phân quyền phải gắn liền với công khai, minh bạch, giám sát, kiểm soát, tránh lạm dụng quyền lực. Cùng với đó, không nên quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện, chỉ nên quy định về quan điểm, mục tiêu và nguyên tắc. Bởi phương pháp thực hiện phụ thuộc vào tư duy của mỗi người, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đề cao tinh thần dám nghĩ, dám làm.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn về cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền, về điều kiện thực hiện quyền lực, trong đó quy định nhiệm vụ nào có thể phân quyền thì phân quyền ngay cho địa phương, bởi phân cấp được quy định trong luật, nhưng phân quyền lại được quy định trong các văn bản dưới luật.

Đại biểu Quốc hội Lê Quân đề nghị nới rộng cơ chế phân cấp và ủy quyền, giúp tháo gỡ và giảm thủ tục hành chính. Đại biểu nêu thực tế, các vướng mắc xảy ra nhiều nhất là các địa phương hỏi bộ ngành. Do đó, cần phân cấp nhiều hơn cho Chủ tịch UBND các tỉnh; cấp tỉnh có quyền được phân cấp nhiều hơn cho cấp sở, ngành và cấp huyện.

“Bên cạnh bổ sung quy định phân cấp cho các thủ trưởng đơn vị trực thuộc, có thể phân cấp cho các tổ chức đáp ứng được yêu cầu và ủy quyền cho các cá nhân đáp ứng được yêu cầu...” - đại biểu Quốc hội Lê Quân nêu quan điểm.

Hồng Thái - Thịnh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phan-cap-phan-quyen-phai-kiem-tra-giam-sat-de-tranh-lam-quyen.html