Phân cấp rạch ròi, đổi mới quy trình làm luật đáp ứng yêu cầu phát triển
Sáng 12/2, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) (VBQPPL).
Theo tờ trình tại Quốc hội, dự thảo Luật Ban hành VBQPPL có nhiều đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật như đơn giản hóa thủ tục từ đó rút ngắn gần một nửa thời gian ban hành luật, giảm bớt chủ thể có thẩm quyền ban hành VBQPPL, bổ sung nghị quyết của Chính phủ là VBQPPL…
Luật Tổ chức Quốc hội được sửa đổi nhằm thực hiện chủ trương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Nội dung sửa đổi bao gồm điều chỉnh một số nội dung có liên quan đến việc phân định thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thẩm quyền của Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác.
Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ
Phát biểu tại tổ, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của kỳ họp bất thường của Quốc hội để kịp thời giải quyết những vấn đề rất cấp bách cho phát triển.
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại tổ. Ảnh: Quang Phúc
Theo Chủ tịch nước, Nghị quyết số 18-NQ/TW về tinh gọn tổ chức bộ máy đã được ban hành qua 8 năm, đã có sơ kết, nhưng kết quả thực hiện chưa được như mong muốn.
“Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp, thống nhất phương châm tinh gọn nhưng phải hiệu lực, hiệu quả, bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ. Rà soát lại thì việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW “vướng” tới hơn 5.000 luật và văn bản pháp luật các loại. Trong đó, có 200 luật cần sửa đổi bổ sung, quan trọng nhất là 4 luật, 5 nghị quyết Quốc hội xem xét, sửa đổi bổ sung lần này. Mọi cấp, mọi ngành, mọi người trong toàn bộ hệ thống chính trị đều phải vận động mới có thể thực hiện thắng lợi nghị quyết”, Chủ tịch nước Lương Cường nêu rõ.
Khẳng định tầm quan trọng của “3 đột phá” quyết định phát triển là thể chế, nhân lực và hạ tầng, Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu, với kinh nghiệm công tác thực tiễn phong phú, đóng góp nhiều ý kiến để tháo gỡ về thể chế - khâu được coi là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Đối với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên và tiến tới hai con số trong giai đoạn tới, Chủ tịch nước lưu ý, tăng trưởng kinh tế chỉ có ý nghĩa khi cùng với đó thu nhập bình quân của người dân được cải thiện rõ rệt, tuổi thọ bình quân được nâng lên, chất lượng cuộc sống tốt hơn, ăn ngon, mặc đẹp, chứ không chỉ ăn no mặc ấm.
Phân cấp, phân quyền, rạch ròi trách nhiệm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp tổ nêu rõ, cả nước đang tiến hành cuộc cách mạng về bộ máy để xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đi kèm với đó là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, cơ cấu phù hợp với bộ máy tổ chức mới. Mục tiêu là cố gắng hoàn thiện tổ chức bộ máy trong tháng 2 để tháng 3/2025 đưa vào vận hành.
Nhấn mạnh yêu cầu phải “đúng vai, thuộc bài”, Thủ tướng cho rằng cần phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, vì càng rõ càng dễ đánh giá và xác định trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần phân cấp, phân quyền để “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại tổ. Ảnh: Quochoi.vn
Bày tỏ sự ủng hộ quan điểm một cơ quan có thể làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao một cơ quan, Thủ tướng cho rằng rạch ròi như vậy để rõ trách nhiệm, đây cũng là một đổi mới quan trọng trong giai đoạn này.
Thủ tướng nêu ví dụ trong siêu bão Yagi năm vừa qua, việc có phá đập Thác Bà hay không, có di dân hay không, phải có người quyết định. “Như tôi phải đứng trước quyết định có phá đập Thác Bà hay không, rất mong manh. Thẩm quyền này giao Thủ tướng cũng không phù hợp. Người quản lý đê điều là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phá đập hay không thì giao cho Bộ trưởng, chứ giao Thủ tướng, tưởng quyền là to, nhưng thực tiễn là không phù hợp”, Thủ tướng nói và khẳng định lại, việc phân cấp, phân quyền rất quan trọng.
Với thực tế cuộc sống diễn ra rất nhanh, luật không thể dự báo được, Thủ tướng góp ý, luật pháp cần quy định khung mang tính nguyên tắc, để dư địa cho cơ quan hành pháp linh hoạt thực hiện chính sách hiệu quả, miễn là không tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm. Đi kèm với chính sách tạo sự chủ động, sáng tạo, và đặc biệt phải có chính sách bảo vệ cán bộ, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về quy trình, Thủ tướng cho rằng “phải nhanh”. Tiết kiệm thời gian, phát huy trí tuệ và hành động quyết đoán, theo Thủ tướng, là ba yếu tố quyết định thành công trong công việc.
Tạo thuận lợi cho Chính phủ điều hành chủ động, linh hoạt
Nêu ý kiến về sửa Luật ban hành VBQPPL, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Luật hiện hành có 173 điều, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này chỉ còn 72 điều, giảm 101 điều. Nội dung giảm này là rút các quy định liên quan đến nghị định, thông tư ra khỏi Luật này theo quan điểm những việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội quy định, những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì sau này Chính phủ sẽ quy định, qua đó tạo thuận lợi cho Chính phủ chủ động, linh hoạt trong điều hành kinh tế - xã hội.
“Kinh tế - xã hội thì diễn biến thường xuyên. Việc điều hành vừa qua có những vướng mắc do Luật Ban hành VBQPPL. Do đó, chúng ta sửa Luật này là trụ cột cho việc xây dựng các luật mới cũng như sửa đổi, bổ sung các luật bảo đảm đúng thẩm quyền”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ. Ảnh: Quochoi.vn
Trước đây, theo Chủ tịch Quốc hội, có những dự luật cơ quan trình mới chỉ đáp ứng được 50-60% yêu cầu rồi chuyển sang cơ quan của Quốc hội rất vất vả. Có những dự luật, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội ngồi họp 7- 8 cuộc. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết đã nhiều lần yêu cầu, nhắc nhở các bộ trưởng, trưởng ngành phải chịu trách nhiệm đến cùng trong xây dựng luật của cơ quan mình, không thể giao cho Thứ trưởng, rồi Thứ trưởng giao cho Vụ trưởng…, thiếu sâu sát.
"Do đó, hướng đến là phải tăng cường vai trò của cơ quan trình trong việc chịu trách nhiệm đến cùng về dự thảo VBQPPL. Đây là vấn đề cần lưu ý trong sửa đổi Luật lần này. Cùng với đó là tách quy trình chính sách ra khỏi quy trình lập dự kiến Chương trình lập pháp; phân định rõ quy trình chính sách và quy trình soạn thảo; hoàn thiện cơ chế một luật sửa nhiều luật…", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, phải bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là các dự án luật, nghị quyết cùng được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần này.
“Nếu Luật Ban hành VBQPPL được Quốc hội thông qua sẽ tạo điều kiện cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Quốc hội trong thời gian tới, trước mắt là năm 2025 còn hai kỳ họp thường lệ thứ 9, thứ 10”, Chủ tịch Quốc hội nói./.