Phấn đấu 100% học sinh dân tộc bán trú và nội trú được tuyên truyền về bình đẳng giới
Ở Việt Nam, mặc dù đã có những tiến bộ trong phổ cập giáo dục cơ bản song trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái vẫn có nguy cơ bỏ học cao hơn các nhóm trẻ em khác.
Trong văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo 100% học sinh các trường, lớp bán trú và dân tộc nội trú phải được tuyên truyền kỹ năng sống về giới và bình đẳng giới với nội dung và thời lượng phù hợp với lứa tuổi.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT yêu cầu tiếp tục thực hiện Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2025".
Bảo đảm mục tiêu 100% các trường, lớp bán trú và dân tộc nội trú được tuyên truyền kỹ năng sống về giới và bình đẳng giới với nội dung và thời lượng phù hợp với lứa tuổi. Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục; thực hiện hiệu quả công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội cho học sinh; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong quản lý, giáo dục học sinh, đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh bán trú nhỏ tuổi sớm xa gia đình; tăng cường an ninh, an toàn trường học.
Theo Bộ GD&ĐT, các các trường, lớp bán trú và dân tộc nội trú, bán trú cần tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù.
Trong những năm học trước, công tác giáo dục về giới và bình đẳng giới tại các trường phổ thông nói chung, trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, học sinh đã tiếp cận được những kiến thức pháp luật về bình đẳng giới, góp phần từng bước giúp các em hiểu rõ hơn vai trò, trách nhiệm của bản thân, gia đình và xã hội trong bình đẳng giới, đặc biệt là bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Từ sự chuyển biến trong nhận thức sẽ dẫn đến những chuyển biến trong hành động của các em về bình đẳng giới.
Đặc biệt, thời gian qua, các trường phổ thông nói chung, trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú nói riêng đã tích cực mời các báo cáo viên truyền đạt cho học sinh những kiến thức pháp luật về bình đẳng giới; Luật Bình đẳng giới, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của địa phương về công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; phòng chống tệ nạn; triển khai bộ quy tắc ứng xử trong môi trường giáo dục… nhằm góp phần từng bước làm thay đổi nhận thức của học sinh về giới và bình đẳng giới.