Phân kỳ chính sách tiền tệ giữa Fed và các NHTW ở châu Âu

Trong khi Fed vẫn giữ nguyên lãi suất và phát đi tín hiệu sẽ không sớm cắt giảm, thì các NHTW ở châu Âu đã hoặc dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất. Điều đó khiến chính sách tiền tệ giữa hai bờ Đại Tây dương đang có xu hướng phân kỳ.

Fed đã phát đi tín hiệu không sớm giảm lãi suất

Fed đã phát đi tín hiệu không sớm giảm lãi suất

Thời gian trước, Fed thường là người dẫn đầu xu hướng chính sách tiền tệ trên thế giới và các NHTW lớn tại châu Âu đều nhìn vào hành động của Fed để đưa ra quyết định chính sách.

Tuy nhiên tình thế hiện nay đang rất khác khi mà hầu hết các NHTW lớn nhất thế giới đã cắt giảm lãi suất, thậm chí cắt giảm nhiều lần kể từ đầu năm, trong khi Fed vẫn “dậm chân tại chỗ” mà nguyên nhân chủ yếu do lạm phát tại Mỹ có thể phải đối mặt với sự gia tăng do tác động từ chính sách thuế quan.

Theo các chuyên gia, thuế quan sẽ đẩy giá hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ tăng và mức tăng giá hàng nhập khẩu còn được khuếch đại thêm bởi sự suy yếu của đồng USD. Ngược lại, phần còn lại của thế giới có thể phải đối mặt với lạm phát chậm hơn thông qua hoạt động thương mại yếu hơn, đồng tiền mạnh hơn so với đồng USD và chi phí năng lượng thấp hơn.

Chính sự trái chiều về lạm phát dẫn tới sự phân kỳ trong chính sách tiền tệ giữa Fed và các NHTW lớn khác, đặc biệt là các NHTW tại châu Âu.

Chẳng hạn gần đây nhất, Fed đã giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách diễn ra ngày 6-7/5 và phát đi tín hiệu sẽ chưa vội cắt giảm lãi suất do lo ngại chính sách thuế quan có thể đẩy lạm phát và thất nghiệp tăng cao hơn.

“Không có chi phí thực sự nào cho việc chờ đợi của chúng ta vào thời điểm này", Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết tại buổi họp báo sau cuộc họp chính sách. “Lạm phát sẽ tăng, thất nghiệp sẽ tăng. Những điều đó đòi hỏi các phản ứng khác nhau”.

Trong các phát biểu gần đây, nhiều quan chức Fed cũng khuyến nghị cơ quan này nên kiên nhẫn chờ đợi để nắm bắt rõ ràng hướng đi của nền kinh tế trước khi đưa ra quyết định chính sách. “Chúng ta cần tiếp tục thu thập dữ liệu, đặc biệt là thông tin liên quan đến chính sách thương mại và tác động của nó đối với nền kinh tế, trước khi quyết định các bước đi tiếp theo”, Chủ tịch Fed New York John Williams nói trên Bloomberg Television.

Hiện thị trường cũng chỉ đặt cược 17% khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong thags 6, giảm mạnh so với mức hơn 60% vào tháng trước.

Trong khi chỉ một ngày sau quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed, tức ngày 8/5, NHTW Anh đã cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản xuống 4,25% và để ngỏ khả năng sẽ nới lỏng hơn nữa khi cảnh báo rằng thuế quan đã làm gia tăng sự bất ổn và có khả năng làm giảm tăng trưởng toàn cầu.

“Vài tuần qua đã cho thấy nền kinh tế toàn cầu có thể khó lường như thế nào. Đó là lý do tại sao chúng ta cần tuân thủ cách tiếp cận dần dần và thận trọng đối với việc cắt giảm lãi suất hơn nữa”, Thống đốc BoE Andrew Bailey cho biết.

Còn với NHTW châu Âu (ECB), mặc dù cơ quan này không nhóm họp trong tháng 5, nhưng trước đó ngày 17/4, cơ quan này cũng đã cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất tiền gửi xuống còn 2,25%, mức thấp nhất kể từ năm 2023. Đây là cắt giảm lãi suất thứ 7 liên tiếp của ECB và cơ quan này cũng đã chuẩn bị tinh thần cho thị trường về đợt cắt giảm lãi suất thứ 8 liên tiếp của mình tại cuộc họp chính sách tháng 6 khi lập luận rằng lạm phát hiện đang ở mức mục tiêu và thuế quan sẽ gây tổn hại đến tăng trưởng.

Hay như NHTW Thụy Điển (Riksbank), dù cũng giữ nguyên lãi suất ở mức 2,25% hôm 7/5, nhưng cơ quan này đang để ngỏ khả năng sẽ cắt giảm lãi suất trong tương lai khi cũng coi thuế quan là mối đe dọa đối với tăng trưởng, trong khi nó có thể giúp hạ nhiệt lạm phát.

“Sự bất ổn do chính sách thương mại mới của Mỹ gây ra có thể gây áp lực giảm lạm phát ở châu Âu”, Riksbank cho biết. “Kỳ vọng lạm phát ngắn hạn đã tăng ở Mỹ, trong khi chúng lại giảm ở khu vực đồng euro”.

Tuy nhiên, hầu hết các NHTW đều cho rằng, cú sốc thương mại vượt quá những gì họ đã chứng kiến và họ thiếu các công cụ để xử lý tình hình thay đổi nhanh chóng, chủ yếu tác động đến cung chứ không phải cầu.

“Điều đó rất khác so với suy thoái thông thường do nhu cầu suy yếu”, Jean Boivin, Giám đốc Viện đầu tư BlackRock cho biết. “Điều đó giống với những gì chúng ta đã thấy trong đại dịch hơn: sự gián đoạn nguồn cung nhanh chóng dẫn đến sự suy giảm, nhưng hoạt động cũng có thể nhanh chóng phục hồi trở lại nếu và khi những sự gián đoạn đó biến mất”, Boivin nói thêm.

Vấn đề thực sự đối với các NHTW là bất kỳ quyết định nào họ đưa ra hiện nay đều tác động đến nền kinh tế trong khoảng thời gian từ 12 đến 18 tháng. Trong khi các quyết định chính trị diễn ra nhanh hơn nhiều và các ngân hàng không có nhiều khả năng nhìn thấy những gì sắp xảy ra.

Vì vậy, nhiệm vụ chính của các NHTW hiện tại là duy trì niềm tin vào thị trường tài chính và ngăn chặn mọi tác động lạm phát từ việc áp thuế quan.

Hà Vy

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/phan-ky-chinh-sach-tien-te-giua-fed-va-cac-nhtw-o-chau-au-164023.html