Phần mềm tuyển sinh chung: Bước đột phá chuyển đổi số hệ cao đẳng
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn phần mềm tuyển sinh chung cho hệ cao đẳng, nhằm số hóa quy trình, chuẩn hóa dữ liệu, nâng cao minh bạch trong xét tuyển 2025.
Hệ sinh thái tuyển sinh nghề nghiệp được thông suốt
Thực hiện Kế hoạch số 872/KH-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sáng ngày 24/7/2025 tại Trường Cao đẳng Thủy sản và Công nghệ Thực phẩm (Hải Phòng), Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên phối hợp với Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin, Vụ Giáo dục Đại học tổ chức tổ chức hội thảo “Tập huấn nghiệp vụ xử lý nguyện vọng xét tuyển trình độ cao đẳng năm 2025”.

Chương trình tập huấn nghiệp vụ xử lý nguyện vọng đăng ký xét tuyển trình độ đại học; trình độ cao đẳng năm 2025 tổ chức tại trường Cao đẳng Thủy sản và Công nghệ thực phẩm (Hải Phòng). Ảnh: Thanh Thảo
Đây là lần đầu tiên, hệ thống phần mềm xử lý nguyện vọng chung vốn trước đây chỉ áp dụng cho tuyển sinh đại học được mở rộng sang khối trường cao đẳng. Sự kiện thu hút đông đảo đại diện các trường cao đẳng trên cả nước đã đăng ký tham gia chạy thử và triển khai phần mềm dùng chung trong mùa tuyển sinh 2025.
TS Trịnh Quốc Tấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thủy sản và Công nghệ thực phẩm (Hải Phòng), đơn vị đăng cai tổ chức nhấn mạnh: “Đây là bước đi rất thiết thực, thể hiện rõ cam kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc đồng bộ hóa và chuyên nghiệp hóa quy trình tuyển sinh giữa các bậc học. Với hệ cao đẳng, việc áp dụng phần mềm tuyển sinh chung không chỉ giúp chuẩn hóa dữ liệu và thao tác xử lý, mà còn tăng tính minh bạch, khách quan, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục nghề nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đào tạo nguồn nhân lực quốc gia”.

TS Trịnh Quốc Tấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thủy sản và Công nghệ thực phẩm (Hải Phòng). Ảnh: Thanh Thảo
Theo TS Trịnh Quốc Tấn, trước đây, mỗi trường có cách xử lý nguyện vọng và lọc tuyển riêng, dẫn đến thiếu thống nhất, khó khăn trong tổng hợp dữ liệu, đối chiếu và đảm bảo công bằng giữa các cơ sở. Phần mềm dùng chung sẽ tạo ra một “hệ sinh thái tuyển sinh nghề nghiệp” thông suốt, từ khâu đăng ký lọc ảo, chốt danh sách cho đến hỗ trợ thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.
Lợi thế của phần mềm tuyển sinh
Tại hội thảo, các đại biểu đã trực tiếp thao tác trên hệ thống phần mềm từ nhập dữ liệu, lọc nguyện vọng, xử lý điểm chuẩn, cho tới phân tích phổ điểm và thống kê chỉ tiêu. Phần mềm được thiết kế tối ưu với giao diện thân thiện, tốc độ xử lý cao, tích hợp công cụ báo cáo tự động và khả năng đồng bộ dữ liệu liên trường.
Thạc sĩ Nguyễn Duy Quang - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch TP. Đà Nẵng, một trong những trường tích cực chuyển đổi số trong công tác tuyển sinh nhận định: “Phần mềm giúp các trường giảm đến 50% thời gian xử lý so với cách làm thủ công, trong khi vẫn đảm bảo độ chính xác cao hơn. Trước đây, việc nhập liệu, lọc nguyện vọng và phân loại thí sinh rất tốn công và dễ nhầm lẫn. Nay chỉ cần vài thao tác là hệ thống tự động lọc ảo theo điểm, mã ngành, ưu tiên khu vực và còn cho phép xuất báo cáo ngay”.

Thạc sĩ Nguyễn Duy Quang - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch TP. Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Thảo
Theo ông Quang: “Một điểm mạnh khác là khả năng thống kê theo thời gian thực. Thay vì chờ tổng hợp dữ liệu nhiều ngày, các trường có thể nắm ngay biến động về số lượng thí sinh đăng ký từng ngành, điều chỉnh chỉ tiêu hoặc gợi ý điều chỉnh nguyện vọng cho thí sinh một cách linh hoạt. Điều này giúp các trường nâng cao hiệu quả truyền thông ngành nghề, đặc biệt là với những ngành du lịch - dịch vụ có tính cạnh tranh cao”.
Hướng đến hệ sinh thái tuyển sinh công bằng, minh bạch
Không chỉ giúp các trường tối ưu nghiệp vụ, phần mềm tuyển sinh chung còn tạo điều kiện thuận lợi cho người học tiếp cận thông tin, tra cứu và đăng ký nguyện vọng một cách dễ dàng. Các thao tác được thiết kế phù hợp với cả thiết bị di động, giúp thí sinh ở mọi vùng miền kể cả vùng sâu, vùng xa có thể thao tác trực tuyến, hạn chế việc đi lại hoặc sai sót khi nộp hồ sơ.
Ông Trần Nhữ Thanh - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Giới thiệu việc làm, Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh Tuyên Quang - chia sẻ: “Đối với những trường vùng cao như chúng tôi, việc áp dụng phần mềm giúp tiết kiệm nhân lực, đồng thời minh bạch hóa toàn bộ quy trình tuyển sinh. Quan trọng nhất là thí sinh có thể tiếp cận thông tin chính thống, biết mình đang ở đâu trong danh sách xét tuyển và có thể điều chỉnh nguyện vọng ngay trên hệ thống”.

Ông Trần Nhữ Thanh - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Giới thiệu việc làm, Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Thanh Thảo
Ông Thanh cũng kiến nghị Bộ và các đơn vị liên quan sớm có hướng dẫn sử dụng bằng video, đồng thời hỗ trợ đường truyền và kỹ thuật cho những trường ở khu vực hạ tầng mạng yếu, để phần mềm phát huy hiệu quả đồng đều trên toàn quốc.
Năm đầu tiên được tổ chức, hội thảo không chỉ cung cấp kiến thức nghiệp vụ cho các trường, mà còn mở ra một tương lai mới trong công tác tuyển sinh của hệ cao đẳng một tương lai số hóa, minh bạch và gắn kết chặt chẽ với người học.
Phần mềm tuyển sinh chung không đơn thuần là công cụ xử lý kỹ thuật, mà là nền móng quan trọng để xây dựng một hệ sinh thái tuyển sinh nghề nghiệp hiện đại, nơi mọi cơ sở giáo dục, mọi thí sinh đều được kết nối thông suốt, công bằng và hiệu quả.