Phân phối thực phẩm an toàn: Hiệu quả nhưng chưa rộng khắp
Hệ thống phân phối thực phẩm an toàn hiện nay chưa đồng đều và toàn diện, nên cần sớm đẩy mạnh phát triển rộng khắp và bền vững trong thời gian tới.
Tiêu dùng thực phẩm an toàn là nhu cầu thiết yếu của mỗi người dân, từ đó việc đề ra chính sách xây dựng hệ thông phấn phối thực phẩm an toàn là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, để chính sách gắn với thực tiễn, phát huy được sự linh hoạt trong triển khai của các hệ thống phân phối, từ đó nhân rộng mô hình, cần thiết có sự hỗ trợ hơn nữa để ngày càng nhiều DN tham gia phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn luôn là đòi hỏi thiết yếu.
Tại tọa đàm “Phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn” do Tạp chí Công Thương thực hiện ngày 7/12, các diễn giả có chung nhận định, việc phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn hiện nay trên toàn quốc chưa đồng đều và toàn diện. Do đó, cần đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn rộng khắp và bền vững trong thời gian tới.
Nắm rõ quá trình phát triển các hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá, trên thị trường toàn quốc vẫn đang có những chuỗi siêu thị quản lý an toàn thực phẩm rất tốt. Tuy nhiên điểm khó để nhân rộng các mô hình này lại tập trung ở nguồn vốn đầu tư.
Mặt khác, các mối liên kết trong xây dựng chuỗi giá trị về nông sản thực phẩm an toàn hiện nay còn đang rất lỏng lẻo và khó khăn. Để hình thành và kết nối được chuỗi sản xuất - phân phối cùng những dịch vụ hỗ trợ tài chính, logistics, chứng nhận chất lượng, kiểm tra kiểm soát thị trường tại nhiều nơi vẫn còn gặp khó khăn nhất định.
“Ở những địa phương vùng sâu, vùng xa điều kiện kinh tế còn hạn chế nên chưa đủ đáp ứng cho việc xây dựng chuỗi phân phối thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, những yếu tố chủ quan khác như trình độ quản lý nhà nước hay kiến thức của khối cộng đồng DN, cộng đồng hộ sản xuất kinh doanh nơi này nơi kia vẫn còn hạn chế sẽ rất khó tạo dựng chuỗi kinh doanh thực phẩm an toàn đồng bộ”, bà Nga cho biết.
Thực tế từ các DN cung ứng và phân phối thực phẩm an toàn đã có thành công nhất định trên thị trường nội địa cho thấy, khó khăn vướng mắc nhất vẫn là ở việc làm cách nào để các chuỗi cung ứng phát triển, gắn liền với vùng, khu vực người tiêu dùng sinh sống, từ đó mới tạo sự thuận lợi cho người tiêu dùng có cơ hội được lựa chọn sản phẩm an toàn, ưng ý.
Từ chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Masan MaetLife cho thấy, điều quan trọng nhất của việc khi đã có sản phẩm an toàn, đảm bảo dinh dưỡng cần làm sao để cho người dân có cơ hội tiếp xúc, tiếp cận với sản phẩm.
“Việc phát triển hệ thống phân phối là vô cùng quan trọng, chuỗi phát triển ngoài việc đầu tư của DN vẫn cần nhất là nhận thức của người tiêu dùng. Trong khi vẫn có 97% lượng thịt, thực phẩm vẫn lưu thông ở chợ truyền thống sẽ cần nhiều hơn những chương trình quảng bá để cho người dân hiểu được thế nào là 1 miếng thịt thực sự tươi ngon, là miếng thịt thực sự đảm bảo an toàn.
“Để tạo sự thuận lợi hơn cho người tiêu dùng có cơ hội được lựa chọn sản phẩm đảm bảo an toàn, chiến lược của DN sẽ mở rộng độ bao phủ khắp các tỉnh, thành với mục tiêu đến năm 2026 sẽ có hơn 10.000 điểm bán. Với mục tiêu và sự tiếp cận rộng khắp đến từng xã, thị trấn, DN tin tưởng sản phẩm an toàn trong chuỗi phân phối sẽ có tốc độ tiếp cận nhanh hơn với người tiêu dùng”, ông Trung tin tưởng.
Chia sẻ khó khăn cũng như mong muốn của DN khi tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, bà Lê Thị Nga, Tổng Giám đốc Công ty CP Ong Tam Đảo, Vĩnh Phúc (Honeco) bày tỏ, khi mật ong đã đạt chuẩn độ chín thường mật rất đặc, với điều kiện nhiệt độ thay mật ong sẽ bị kết tinh, nhưng mật kết tinh lại khiến người tiêu dùng lầm tưởng đó là mật từ ong cho ăn đường.
“Nhận thức của người tiêu dùng đang là khó khăn, trở ngại đối với các DN kinh doanh mật ong nói chung và Honeco nói riêng. Điều này đang gây trở ngại trực tiếp cho việc phân phối các sản phẩm của DN trên thị trường. Hướng tới DN thông qua kênh xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương để đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng mới có hy vọng tiếp cận và tăng khả năng tiêu thụ trong hệ thống thực phẩm an toàn”, bà Nga bày tỏ.
Từ thực tế của các DN, đại diện Vụ Thị trường trong nước khuyến cáo, để có khả năng tham gia chuỗi kinh doanh thực phẩm an, các DN, cơ sở kinh doanh cần phải có sự phối hợp của Bộ NN&PTNT, DN chế biến sản phẩm nông sản và sự vào cuộc chính quyền địa phương như Hội Nông dân, Ủy ban MTTQ và đặc biệt phải có có sự tham gia giám sát của cộng đồng.
“DN cần chủ động hơn nữa trong việc kết nối với cơ quan quản lý nhà nước, hiến kế những điều kiện kinh doanh phù hợp, cơ sở để xây dựng tốt nhất mạng lưới kinh doanh thực phẩm an toàn để đóng góp vào phát triển kinh tế. Thực tế này cũng là dịp để các Bộ, ngành ban hành những cơ chế chính sách phù hợp, cập nhật nhất cho phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn đối với từng giai đoạn phát triển”, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước chỉ rõ./.