Phân tích dự báo nhu cầu khí đốt của Đông Nam Á trước năm 2050

Theo dự báo của công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, nhu cầu khí đốt ở Đông Nam Á sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2050. Nguyên nhân là do đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, và những hạn chế của năng lượng tái tạo khiến khu vực này cần một nguồn năng lượng ổn định hơn.

Theo dự báo của công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, nhu cầu khí đốt ở Đông Nam Á sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2050. Hình AFP

Theo dự báo của công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, nhu cầu khí đốt ở Đông Nam Á sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2050. Hình AFP

Báo cáo của Wood Mackenzie cho thấy, trong vài thập kỷ tới, khí đốt sẽ là nguồn năng lượng tăng trưởng nhanh nhất tại Đông Nam Á, vượt cả dầu mỏ và than đá. Dự kiến đến năm 2050, khí sẽ chiếm khoảng 30% trong tổng cơ cấu năng lượng sơ cấp của khu vực. Mức tăng này đến từ nhu cầu đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh kinh tế phát triển nhanh, đô thị hóa tăng và nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao.

Nhu cầu tăng nhờ trung tâm dữ liệu và điện khí

Theo báo cáo Southeast Asia Gas Strategic Planning Outlook, từ nay đến năm 2035, nhu cầu khí đốt ở khu vực sẽ tăng trung bình 3,1% mỗi năm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự bùng nổ của các trung tâm dữ liệu, nhu cầu phát điện bằng khí và giới hạn của năng lượng tái tạo – vốn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết.

Wood Mackenzie dự báo công suất phát điện bằng khí ở Đông Nam Á sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn 2025–2050, kéo theo nhu cầu tiêu thụ khí tăng gần 90%.

Từ năm 2032, Đông Nam Á sẽ trở thành khu vực nhập khẩu ròng LNG

Dự kiến từ năm 2032, Đông Nam Á sẽ chuyển sang trạng thái nhập khẩu ròng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Trong 10 năm tới, nhu cầu LNG của khu vực có thể tăng tới 182%, đưa Đông Nam Á trở thành một trong những thị trường LNG phát triển nhanh nhất thế giới vào năm 2050.

Hiện Indonesia và Malaysia đang đẩy mạnh khai thác khí đốt trong nước để đáp ứng nhu cầu nội địa. Theo ông Raghav Mathur – chuyên gia của Wood Mackenzie – một số mỏ khí mới đã bắt đầu khai thác, hoặc mới được phát hiện sẽ giúp duy trì nguồn cung ổn định đến cuối những năm 2020. Tuy nhiên, về lâu dài, việc tiếp tục thăm dò, đặc biệt ở các vùng biển giáp ranh, sẽ đóng vai trò quan trọng để đảm bảo nguồn cung khí sau năm 2035.

Hạ tầng còn thiếu và những bất định quanh LNG ở Đông Nam Á

Việc mở rộng sử dụng LNG tại Đông Nam Á đang đối mặt với nhiều thách thức, chủ yếu là do chi phí cao và tính cạnh tranh chưa thực sự hấp dẫn. Theo các chuyên gia, để các dự án LNG phục vụ phát điện trở nên khả thi, rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nhà nước — chẳng hạn như trợ giá, ưu đãi thuế hoặc chính sách điều tiết phù hợp. Ngoài ra, việc ký được các hợp đồng mua bán điện dài hạn (PPA) cũng được xem là yếu tố then chốt để thu hút đầu tư.

Công ty tư vấn Wood Mackenzie nhận định rằng từ nay đến năm 2030, Đông Nam Á sẽ cần bổ sung đáng kể các trạm lưu trữ và tái hóa khí nổi (FSRU) để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Tuy nhiên, sự thiếu chắc chắn trong việc triển khai các dự án hạ tầng này có thể khiến tốc độ phát triển LNG bị chững lại.

Một trong những rào cản lớn hiện nay là việc tìm được đối tác công nghiệp phù hợp, và huy động đủ vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng khí — yếu tố được coi là “nút thắt” trong chiến lược phát triển năng lượng của khu vực.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/phan-tich-du-bao-nhu-cau-khi-dot-cua-dong-nam-a-truoc-nam-2050-727192.html