'Sóng ngầm' tại các công ty chứng khoán đổi chủ
Thị trường chứng khoán đang chứng kiến những chuyển động trong hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) tại các công ty chứng khoán quy mô nhỏ.

Công ty Chứng khoán UP (UPSC) đang trong giai đoạn thay đổi cơ cấu sở hữu.
Liên tục sang tay quyền lực, “thay máu” nhân sự cấp cao
Gần đây, tại một số công ty chứng khoán có tín hiệu đổi chủ, song song với việc thay đổi cơ cấu sở hữu, công tác thay đổi bộ máy lãnh đạo bước vào giai đoạn rõ rệt hơn.
Tại Công ty cổ phần (CTCP) Chứng khoán Hải Phòng (Haseco - mã HAC), việc sang tay quyền lực trong giai đoạn qua diễn ra liên tục với thời gian chuyển nhượng khá chóng vánh khi thực hiện thỏa thuận trên sàn.
Cuối tháng 9/2024 và đầu tháng 10/2024, các giao dịch thỏa thuận khối lượng lớn trên sàn của cổ phiếu HAC đưa một số cá nhân trở thành cổ đông lớn chủ chốt nắm giữ phần lớn vốn của Haseco sau khi nhóm liên quan đến Tập đoàn Hapaco thoái vốn.
Đến đầu tháng 6 vừa qua, trong phiên giao dịch ngày 6/6, một lần nữa lượng lớn cổ phiếu HAC được giao dịch thỏa thuận. Gần 23,5 triệu cổ phiếu HAC, tương đương 80% lượng cổ phiếu đang lưu hành được sang tay chỉ trong một phiên, cho thấy cơ cấu cổ đông của Công ty chứng khoán này lại tiếp tục biến động. Ba cổ đông lớn mua vào vốn Haseco hồi cuối năm ngoái là ông Trần Anh Đức, ông Đào Sơn Tùng và ông Vũ Hoàng Việt đều bán toàn bộ/gần hết số cổ phiếu đang nắm giữ trong ngày 6/6 vừa qua.
Cùng với đó, Haseco cũng nhanh chóng thay đổi toàn bộ Hội đồng Quản trị (HĐQT). Ngay trước thềm Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025, toàn bộ thành viên HĐQT của Haseco nộp đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân, bao gồm cả chủ tịch HĐQT là ông Ninh Lê Sơn Hải (ông Hải mới giữ vị trí này hồi tháng 9/2024).
Đến kỳ họp thường niên 2025 diễn ra ngày 26/6 vừa qua, cổ đông Haseco thống nhất giảm số lượng thành viên HĐQT, miễn nhiệm HĐQT cũ gồm 5 thành viên và bầu ra HĐQT mới với 2 thành viên HĐQT và 1 thành viên độc lập, tổng cộng 3 người. Trong đó, ông Đào Lê Huy trở thành Chủ tịch HĐQT mới của Haseco. Cùng ngày, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Tổng giám đốc Haseco cũng có đơn xin từ nhiệm với lý do cá nhân, thay vào đó, ông Ninh Lê Sơn Hải sẽ nhận quyền Tổng giám đốc doanh nghiệp.
Dù các cổ đông cũ đã “nhả vốn”, danh sách những ông chủ mới của Công ty chứng khoán này vẫn chưa được hé lộ. Sau khi đổi chủ, Haseco cũng rục rịch muốn tăng vốn qua kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư với số cổ phiếu dự kiến chào bán là 100 triệu cổ phiếu, gấp 3,4 lần số cổ phiếu đang lưu hành. Mục tiêu của đợt chào bán nhằm bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, đặc biệt là ký quỹ và tự doanh.
Một công ty chứng khoán nhỏ khác là CTCP Chứng khoán UP (UPSC) cũng vừa thông qua việc bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT mới là ông Chu Tuấn An, nhiệm kỳ HĐQT 2025-2030, được thông qua tại đại hội bất thường ngày 28/6/2025 sau khi “người cũ” là ông Cao Tấn Thành xin từ nhiệm ngày 24/6.
Việc thay đổi chức danh cao nhất này diễn ra trong bối cảnh bức tranh cơ cấu sở hữu của UPSC đang được vẽ lại. Ông Cao Tấn Thành trước đó đã đăng ký nhận chuyển nhượng 51,25% vốn UPSC tương đương 15,4 triệu cổ phần đang nắm giữ, thời gian chuyển nhượng từ 19/6 - 4/7 theo phương thức thỏa thuận, ước tính tăng tỷ lệ sở hữu từ 30,61% lên 82,41%. Cùng trong giai đoạn này, 4 cổ đông lớn khác của UPSC đồng loạt thoái vốn đúng bằng số lượng ông Cao Tấn Thành dự tính mua vào.
Dù nắm đến 82% vốn của UPSC sau chuyển nhượng, ông Cao Tấn Thành vẫn rời khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT. Sự sang tay quyền lực của UPSC diễn ra khá “lòng vòng” khi một lần nữa, ông Chu Tuấn An, tân Chủ tịch HĐQT của UPSC dự kiến sẽ nhận chuyển nhượng toàn bộ 81,54% vốn mà ông Cao Tấn Thành đang sở hữu. ĐHĐCĐ bất thường đã thông qua việc ông Chu Tuấn An sẽ không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai số cổ phần này.
Đáng nói, ông Cao Tấn Thành đã từng thực hiện những giao dịch tương tự này nhưng ở một Công ty chứng khoán khác là CTCP Chứng khoán Sen Vàng (GLS).
Ông Cao Tấn Thành cũng từng gom thêm cổ phần GLS giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024. Đến tháng 4/2024, ông Cao Tấn Thành thực hiện bán toàn bộ hơn 60% vốn của Chứng khoán Sen Vàng cho nhóm cổ đông liên quan đến Tập đoàn Xuân Thiện - chủ sở hữu hiện tại của Chứng khoán Sen Vàng và rút lui khỏi Công ty chứng khoán này. Giai đoạn ông Cao Tấn Thành làm Chủ tịch Chứng khoán Sen Vàng, ông Chu Tuấn An cũng giữ vị trí Tổng giám đốc tại Công ty chứng khoán này.
Dòng tiền đầu tư mới, tham vọng mới
Xu hướng tìm mua cổ phần các công ty chứng khoán nhỏ để hoàn thiện hệ sinh thái lớn đã diễn ra vài năm gần đây và vẫn đang tiếp diễn. Ở phía các công ty chứng khoán, sau khi nhận được nguồn lực tài chính đáng kể, các mục tiêu mới phục vụ cho tham vọng lớn cũng được lên kế hoạch.
Chẳng hạn, Chứng khoán Sen Vàng, sau khi về với nhóm liên quan đến Tập đoàn Xuân Thiện giữa năm 2024, vừa qua Công ty này đã thông qua việc sẽ đổi tên thành Công ty Chứng khoán Xuân Thiện (XTSC).
Đi cùng đó, Công ty dự kiến tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng từ mức 135 tỷ đồng hiện tại. Thậm chí, Công ty còn có kế hoạch tăng vốn đến 20.000 tỷ đồng và phấn đấu gia nhập Top 3 thị trường.
Các kế hoạch tăng trưởng mới cũng được đề ra, như việc đăng ký giao dịch chứng khoán phái sinh, bổ sung các nghiệp vụ tự doanh, bảo lãnh phát hành chứng khoán,… Chứng khoán Sen Vàng kỳ vọng đạt doanh thu 179 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 70 tỷ đồng năm 2025. Trước đó, Công ty thua lỗ năm 2022 và giai đoạn 2023-2024, lợi nhuận hàng năm chưa đến 1 tỷ đồng.
Thay đổi cơ cấu sở hữu, nhân sự cấp cao và rục rịch những kế hoạch mới trong tăng vốn, mở rộng quy mô… đang được các công ty chứng khoán trong diện M&A tập trung hướng đến. Đây cũng là điều cần thiết trong bối cảnh ngành chứng khoán đang đứng trước các cơ hội mới, khả năng cạnh tranh trong ngành đang ngày càng cao. Tuy nhiên, không phải thương vụ M&A nào cũng tạo ra những kết quả thành công.
Dù còn nhiều ẩn số, song làn sóng M&A đang cuộn chảy trong ngành chứng khoán Việt Nam là điều không thể phủ nhận. Khi quyền lực đang âm thầm đổi chủ, liệu có một chu kỳ mới đang manh nha hình thành trong ngành chứng khoán - nơi những cái tên mới xuất hiện có thể vươn lên và vẽ lại bản đồ ngành hay chỉ là những cuộc đổi tên, đổi chủ trong ngắn hạn, mà không tạo nên giá trị thực?
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/song-ngam-tai-cac-cong-ty-chung-khoan-doi-chu-d323886.html