Pháo phản lực WR-40 Langusta của quân đội Ba Lan

WR-40 Langusta là pháo phản lực tên lửa hiện đại hóa của quân đội Ba Lan có khả năng chiến đấu cao, được trang bị hệ thống dẫn đường và điều khiển hỏa lực hiện đại.

Pháo phản lực tên lửa Grad là một trong những vũ khí huyền thoại của lực lượng vũ trang Liên Xô. Được sản xuất từ những năm 1960, hệ thống này được biên chế ở nhiều quốc gia trên thế giới, với tổng số lượng sản xuất hơn 8.500 chiếc.

Sau hơn 60 năm, Grad vẫn được sử dụng trong quân đội nhiều nước trên thế giới, trong đó có một số phiên bản được hiện đại hóa theo tiêu chuẩn hiện đại. Tại Nga, tổ hợp 9K51M Tornado-G MLRS là một sản phẩm phát triển tiếp theo của hệ thống Grad, đang dần được đưa vào sử dụng. Tại nhiều quốc gia hậu Xô Viết, cũng như các quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw trước đây cũng nâng cấp các hệ thống tương tự, như tổ hợp WR-40 Langusta của Ba Lan.

Pháo phản lực tên lửa WR-40 Langusta của quân đội Ba Lan. Ảnh: Topwar

Pháo phản lực tên lửa WR-40 Langusta của quân đội Ba Lan. Ảnh: Topwar

Quá trình phát triển

Đến năm 2007, Ba Lan vẫn còn 227 tổ hợp Grad BM-21 trong lực lượng vũ trang, được lắp đặt trên khung gầm xe tải 4 bánh Ural-375. Ý tưởng hiện đại hóa và cải tiến hệ thống vũ khí này để đáp ứng những yêu cầu hiện đại của Ba Lan bắt đầu từ đầu những năm 1990. Tuy nhiên, quá trình hiện đại hóa sau đó đã bị trì hoãn.

Theo đó, đề xuất thay thế khung gầm bằng loại phát triển trong nước, từ bỏ khung gầm Ural-375D đã được đưa ra. Vào thời điểm đó, khung gầm của Liên Xô đã quá cũ và động cơ lắp trên xe được cho là không kinh tế. Ngoài ra, việc cung cấp phụ tùng và linh kiện từ các nước thuộc không gian hậu Xô Viết cho Ba Lan trở nên khó khăn hơn.

Ngoài việc thay thế khung gầm, quân đội Ba Lan còn lên kế hoạch nâng cấp hệ thống dẫn đường và điều chỉnh hỏa lực. Bên cạnh đó, quốc gia này đang trong quá trình tạo ra loại đạn phản ứng mới, với tầm bắn xa hơn, giúp tăng khả năng chiến đấu.

Và một trong những yêu cầu chính đối với việc hiện đại hóa là bảo toàn khả năng vận chuyển bằng máy bay vận tải quân sự khổng lồ C-130 Hercules của NATO.

Phương án hiện đại hóa đầu tiên chỉ được đưa ra vào năm 2003, dựa trên khung gầm của xe tải Star 1466 của Ba Lan, với một ca-bin kéo dài và bố trí bánh xe 6x6. Việc lắp đặt này đã vượt qua các bài kiểm tra kỹ thuật quân sự, nhưng không được chấp nhận sau đó. Và việc sản xuất hàng loạt xe tải này phải dừng lại ở Ba Lan.

Năm 2005, phương án nâng cấp thứ hai được giới thiệu. Lần này, đề xuất đưa ra là sử dụng khung gầm Jelcz P662D.35 của Ba Lan, với cùng kiểu bố trí bánh xe 6x6, nhưng có một ca-bin bọc thép bảo vệ tổ lái khỏi hỏa lực từ vũ khí hạng nhẹ của đối phương.

Việc tạo ra nguyên mẫu được hoàn thành vào cuối năm 2006. Cuối tháng 12, pháo phản lực bản cập nhật đã thành công vượt qua các cuộc thử nghiệm quân sự và được đưa vào trang bị với tên gọi “WR-40 Langusta”. Con số “40” là chỉ phạm vi bắn của loại đạn Feniks-Z mới của Ba Lan.

Ngoài khung gầm trang bị cabin bọc thép, pháo phản lực còn sử dụng tên lửa mới, có tầm bắn tăng lên. Nó còn nhận được hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, do các chuyên gia từ công ty WB Electronics của Ba Lan tạo ra.

Ngày 22-4-2008, quân đội Ba Lan đã quyết định hiện đại hóa lô Grad đầu tiên. Đợt đầu bao gồm 31 chiếc, quá trình sản xuất được thực hiện tại các cơ sở của công ty quốc phòng Ba Lan Huta Stalowa Wola (HSW).

Sử dụng khung xe mới

Xe tải địa hình Jelcz 662D bố trí bánh 6x6 đã được chọn làm khung gầm cho tổ hợp pháo phản lực Grad nâng cấp. Dòng xe tải địa hình này do công ty Jelcz của Ba Lan phát triển, và được sử dụng rộng rãi trong các lực lượng vũ trang nước này.

Ngoài sử dụng cho WR-40 Langusta, dòng xe tải này còn được dùng làm bệ phóng tên lửa chống hạm, radar trinh sát pháo binh và các thiết bị quân sự chuyên dụng khác.

WR-40 Langusta bố trí trên khung xe Jelcz 662D.350 của Ba Lan. Ảnh: Topwar

WR-40 Langusta bố trí trên khung xe Jelcz 662D.350 của Ba Lan. Ảnh: Topwar

Đối với phiên bản pháo phản lực tên lửa, nhà sản xuất đã sử dụng một bản sửa đổi Jelcz P662D.350. Xe được trang bị một cabin gồm 4 cửa 6 chỗ ngồi. Buồng lái của WR-40 Langusta có khả năng chống đạn STANAG 4569 cấp độ 1, và bảo vệ kíp điều khiển khỏi các loại đạn vũ khí cỡ nhỏ thông thường.

Sức tải trọng của khung gầm quy định là 10.000kg, khối lượng toàn bộ khi lắp đặt là 17.100kg (không có tên lửa). Chiều dài khung gầm là 8,6m, rộng 2,54m, chiều cao 2,74m. Xe có thể vượt qua chướng ngại vật nước sâu hơn 1,2m.

Khung gầm JELCZ P662D.350 được trang bị động cơ diesel Iveco Aifo Cursor 8 xi-lanh, đạt tiêu chuẩn EURO 3 với dung tích 7,8 lít. Công suất định mức của động cơ là 352 mã lực. Xe chiếc nặng 17 tấn có thể đạt tốc độ 85km/giờ trên đường cao tốc, tầm hoạt động đạt 650km.

Khả năng chiến đấu

Khả năng chiến đấu của pháo phản lực WR-40 Langusta của Ba Lan tương đương với tổ hợp Grad. Việc lắp đặt bản cập nhật vẫn giữ nguyên gói dẫn hướng, có thể bắn 40 quả rocket 122mm vào mục tiêu.

Việc gia tăng khả năng chiến đấu của WR-40 Langusta được thực hiện bằng cách hiện đại hóa khung gầm, giúp tăng khả năng bảo vệ tên lửa, đồng thời trang bị các hệ thống dẫn đường và điều khiển hỏa lực, hệ thống định vị vệ tinh hiện đại.

Đạn sử dụng là loại đạn nổ phân mảnh cao. Loại đạn mới của Ba Lan đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện khả năng chiến đấu, giúp tăng tầm bắn tối đa của pháo phản lực từ 20,4km lên 42km.

Theo các chuyên gia, quá trình phát triển đạn tên lửa 122mm Feniks-Z bắt đầu ở Ba Lan cùng thời điểm với ý tưởng hiện đại hóa Grad BM-21. Hiện nay, quá trình nâng cấp các loại đạn này vẫn tiếp tục.

Nếu những phiên bản đầu tiên được thử nghiệm vào những năm 2000, có tầm bay đạt 32km, thì phiên bản mới nhất của tên lửa M-21 FHE Feniks cải tiến năm 2017 có tầm bắn tối đa là 42km. Khối lượng của tên lửa này là 65kg, chiều dài 2,7m, tốc độ bay tối đa 1.170m/giây. Quân đội Ba Lan đã đặt hàng ít nhất 3.140 loại đạn này trong năm 2019.

Mặc dù những tổ hợp WR-40 Langusta đầu tiên đã được quân đội Ba Lan đặt hàng vào năm 2008, song quá trình tái trang bị hệ thống pháo phản lực hiện đại hóa cho lực lượng mặt đất đang diễn ra khá chậm.

Tính đến năm 2018, số lượng WR-40 Langusta được chuyển giao cho quân đội ước tính khoảng 75 chiếc. Tất cả đều tập trung tại 3 trung đoàn pháo binh của quân đội Ba Lan. Ngoài ra, có 3 chiếc WR-40 Langusta đang được vận hành tại Trung tâm huấn luyện pháo binh ở Torun.

MINH TUẤN (Theo Topwar)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/phao-phan-luc-wr-40-langusta-cua-quan-doi-ba-lan-683591