Tàu sân bay duy nhất của Hải quân Nga vào thời điểm này, chiếc Đô đốc Kuznetsov hiện vẫn đang phải nằm ở nhà máy để tiến hành đại tu sửa chữa lớn sau màn thể hiện thiếu thuyết phục suốt thời gian qua.
Hình ảnh gắn liền với chiếc chiến hạm này không phải năng lực tác chiến mà lại là những cột khói đen mù mịt do sử dụng nồi hơi đã quá cũ, khiến Hải quân Nga phải cấp tốc đưa nó vào đại tu sau khi trở về từ chiến trường Syria hồi cuối năm 2016.
Trong khi đó được đưa vào đại tu gần như cùng thời điểm nhưng tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulle (số hiệu R91) của Hải quân Pháp lại đã bắt đầu ra khơi từ hôm 14/9 vừa qua.
Từ tháng 12/2016 tới nay, sau khi hoàn thành công tác đại tu thiết bị cũng như lò phản ứng, chiếc siêu hàng không mẫu hạm này đã trải qua hơn 800 bài kiểm tra các loại với chất lượng cao.
Trong thời gian thử nghiệm trên biển sắp tới, con tàu sẽ hoàn thành nốt 200 bài kiểm tra còn lại trước khi chính thức quay lại thành phần tác chiến của hạm đội.
Như vậy dễ dàng nhận thấy rằng thời gian để Hải quân Pháp đại tu một con tàu sân bay hạt nhân phức tạp như chiếc Charles de Gaulle chỉ mất chưa tới 2 năm, còn tàu Đô đốc Kuznetsov của Nga cần ít nhất là 5 năm mới xong.
Tiến độ hoàn thành công việc của Hải quân Pháp nhanh như vậy theo đánh giá là nhờ họ mạnh tay chi tới 1,3 tỷ Euro trong một thời gian rất ngắn, số tiền này đủ để đóng một khu trục hạm đa năng tối tân nhất.
Đối với Nga, nguồn tài chính của họ lúc này không hề dồi dào do còn phải phân bổ vào nhiều chương trình vũ khí cực kỳ tham vọng khác, trong đó đáng kể nhất là 5 loại vũ khí chiến lược được Tổng thống Putin giới thiệu trong thông điệp liên bang hồi tháng 3.
Bên cạnh đó nền kinh tế Nga được cho là vẫn còn nhiều khó khăn vì vướng phải các biện pháp cấm vận từ phương Tây, dẫn tới việc nhiều dự án trang bị chiến hạm cho Hải quân bị chậm trễ.
Ngoài ra cũng phải nhắc đến một vấn đề khác đó là tàu sân bay Nga được họ phân loại là tuần dương hạm hạng nặng mang máy bay, nó sở hữu một kho vũ khí rất đồ sộ.
Trong khi Hải quân Pháp chỉ tiến hành cải tạo năng lực tác chiến hàng không cho chiến hạm của mình thì Nga còn tham vọng nâng cấp toàn bộ các tổ hợp tên lửa trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.
Do đa phần các loại tên lửa mà tàu sân bay Nga mang theo được chế tạo từ thời Liên Xô đã rất lạc hậu, cho nên dĩ nhiên thời gian để Moskva hoàn thành công việc cũng lâu hơn nhiều.
Nhưng qua sự việc trên, có thể thấy rằng học thuyết sử dụng tàu sân bay của Nga đang tồn tại nhiều bất cập, khả năng phối hợp tác chiến theo biên đội hạn chế khiến nó buộc phải mang theo cả kho vũ khí, dẫn tới làm giảm chức năng chính yếu.
Trong vòng ít nhất 3 năm nữa, Nga là siêu cường quân sự duy nhất trên thế giới không có biên đội tác chiến tàu sân bay trong thành phần của Hải quân, đây là điều khó chấp nhận đối với tham vọng của họ.
Việt Dũng