Pháp luật quy định như thế nào về xét tuyển và bố trí việc làm đối với người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp?
Bạn đọc Nguyễn Văn Anh ở đường Triệu Việt Vương, phường 4, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật quy định như thế nào về xét tuyển và bố trí việc làm đối với người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp?
Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 12 Nghị định số 141/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số. Cụ thể như sau:
1. Hằng năm, các cơ sở giáo dục gửi danh sách, bàn giao hồ sơ và bằng tốt nghiệp của người học theo chế độ cử tuyển đã tốt nghiệp cho UBND cấp tỉnh.
2. UBND cấp tỉnh căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm, số lượng người làm việc và số biên chế công chức được giao đối với vị trí việc làm là cán bộ, công chức; căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, số lượng người làm việc được giao, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập đối với vị trí việc làm là viên chức và căn cứ vào hồ sơ người học theo chế độ cử tuyển đã tốt nghiệp để xây dựng kế hoạch xét tuyển vào công chức, viên chức đối với người học theo chế độ cử tuyển.
3. UBND cấp tỉnh chỉ đạo việc tổ chức xét tuyển và bố trí việc làm đối với người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức hoặc gửi hồ sơ tới các đơn vị, tổ chức khác có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đào tạo chuyên môn phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.
4. Thời gian người học theo chế độ cử tuyển chờ xét tuyển và bố trí việc làm tối đa là 12 tháng, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ để xét tuyển.
* Bạn đọc Trần Hương Ly ở xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 344 Văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng Hình sự. Cụ thể như sau:
1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị.
2. Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của tòa án nhân dân cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng cáo, kháng nghị.
3. Tòa án quân sự cấp quân khu có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của tòa án quân sự khu vực bị kháng cáo, kháng nghị.
4. Tòa án Quân sự Trung ương có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của tòa án quân sự cấp quân khu bị kháng cáo, kháng nghị.