Pháp luật và cuộc sống: Xem bói online, nhiều người 'tiền mất tật mang'
Theo thông tin ghi nhận từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), vào dịp Tết vừa qua, diễn ra tình trạng xem bói online (trên mạng xã hội).
Chỉ cần nhập từ khóa "xem bói online”, “giải hạn online” trên các nền tảng mạng xã hội sẽ hiện ra hàng loạt thông tin quảng cáo về dịch vụ này. Trong đó, nhiều dịch vụ xem bói mất phí hoặc phí tùy tâm, khá linh hoạt với đủ loại như: Xem chỉ tay, xem tử vi, tướng số, vận hạn... Truy cập vào nhóm “Xem bói online chuẩn” có 285.000 thành viên tham gia trên Facebook, chúng tôi thấy, mỗi ngày có khoảng 300 bài viết mới, nội dung xoay quanh việc nhận xem bói online giá rẻ, rao bán vật phẩm phong thủy... Ngoài các bài viết, không ít "thầy bói online" còn livestream để xem bói hữu duyên cho những người đang theo dõi buổi phát trực tiếp của mình. Ai có nhu cầu chỉ cần để lại thông tin hoặc nhắn tin riêng, "thầy" sẽ trả lời ngay tức thì. Với những giao dịch có phí, người xem cần phải chuyển khoản trước thì "thầy" mới xem.

Ảnh minh họa: Báo Sức khỏe&Đời sống
Anh N.V.P ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội là nạn nhân của việc xem bói online chia sẻ: “Cuối năm vừa rồi, công việc không thuận lợi khiến tôi bế tắc, mất niềm tin vào cuộc sống, dẫn đến mù quáng tin vào những yếu tố tâm linh. Khi tôi xem bói online, các đối tượng nắm bắt được tâm lý đã “tát nước theo mưa”, dùng những lời lẽ đe dọa khiến tôi sợ hãi và mong muốn được giải hạn. Họ yêu cầu tôi chuyển tiền để họ làm khóa lễ giải hạn, "mở cung tài lộc" online. Sau khi làm lễ xong, các đối tượng tiếp tục đưa ra thông tin các vật phẩm phong thủy đã được làm lễ, trì chú, "mở cung tài lộc" để ép tôi mua thêm. Các đối tượng bảo những vật phong thủy này đã được làm lễ theo tên, tuổi từng người nên nếu không mua sẽ gặp vận hạn xấu, tai ương. Nghe đến đây, tôi biết mình đã bị lừa...”.
Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã khuyến cáo về những hình thức lừa đảo liên quan đến dịch vụ tâm linh. Công an tại nhiều địa phương cũng đã xử lý, truy tố nhiều đối tượng lợi dụng tuyên truyền mê tín dị đoan để chiếm đoạt tài sản, song vẫn còn nhiều người bị sập bẫy. Cuối tháng 10-2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 5, TP Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Phan Thị Thu Trang (sinh năm 1990, trú tại quận 5) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cơ quan điều tra, Trang sử dụng mạng xã hội Facebook, TikTok với các nickname như: Phan Thu Trang, Phong Thủy Tâm Linh-Phan Thu Trang, rồi đăng tải bài viết nhằm thu hút người dân có nhu cầu xem bói, tử vi, tướng số và bán các vật phẩm phong thủy. Khi có người liên hệ, Trang bịa ra các câu chuyện tâm linh nhằm thao túng tâm lý khách hàng. Những người nào tâm lý yếu, tin vào chuyện tâm linh, dần dần sẽ sập bẫy của “cô đồng”. Sau đó, Trang yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để cúng giải hạn, giải bùa, giải vong. Sau khi nhận được tiền của các nạn nhân, Phan Thị Thu Trang trả nợ và tiêu xài cá nhân với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 28 tỷ đồng...
Ông Nguyễn Phú Lương, Phó giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, khuyến cáo: “Người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng, không nên mù quáng tin vào hình thức liên quan đến tâm linh trên mạng xã hội, cần tìm hiểu kỹ và xác minh chính xác danh tính đối tượng trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào trên mạng xã hội. Trong trường hợp trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, người dân cần báo ngay với cơ quan công an để được hỗ trợ và giải quyết kịp thời”.