Pháp sẽ có Chính phủ thiểu số?

Vào ngày 30.6 tới, các cử tri Pháp sẽ đi bỏ phiếu vòng đầu tiên trong cuộc bầu cử Quốc hội sớm do Tổng thống Emmanuel Macron khởi xướng, sau khi liên minh của ông vấp phải thất bại đáng kể trong cuộc bầu cử châu Âu vào đầu tháng 6.

Nguồn: FT montage; Getty/Dreamstime

Nguồn: FT montage; Getty/Dreamstime

Theo các cuộc thăm dò gần đây, đảng Tập hợp quốc gia cực hữu và các đồng minh được dự đoán dẫn đầu, song thiếu đa số tuyệt đối cần thiết để thành lập Chính phủ.

Dữ liệu thăm dò và dự đoán

Cuộc thăm dò của Ipsos được công bố tuần qua cho thấy: Đảng Tập hợp quốc gia của nhân vật cực hữu Marine Le Pen và đồng minh của họ đang dẫn đầu với 35,5% số người ủng hộ. Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới đứng thứ hai với 29,5%, bỏ xa liên minh Ensemble (Đồng lòng) của Tổng thống Macron với chỉ 19,5%.

Trong khi đó, thăm dò của Elabe cho BFMTV và La Tribune du Dimanche dự đoán, 36% cử tri sẽ bầu cho đảng Tập hợp quốc gia và đồng minh kỳ vọng có 250-280 ghế trong Hạ viện. Số ghế này chưa đủ đạt đa số tuyệt đối là 289 ghế. Ở Pháp, người lãnh đạo đảng chính trị giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp sẽ trở thành người đứng đầu Chính phủ. Nhân vật này được tổng thống bổ nhiệm và Quốc hội phê chuẩn.Vì thế, lãnh đạo Jordan Bardella của đảng Tập hợp quốc gia chỉ có thể trở thành Thủ tướng nếu đa số của ông nhận được sự ủng hộ từ các đảng khác.

Tương tự, cuộc thăm dò ý kiến của Odoxa dành cho Le Nouvel Obs vào thứ 6 tuần trước nhận định, đảng Tập hợp quốc gia và đồng minh sẽ nhận được 33% phiếu bầu, Mặt trận Bình dân mới ở mức 28% và Ensemble ở mức 19%. Còn Euronews Super Poll đánh giá, đảng Tâp hợp quốc gia và đảng Cộng hòa sẽ nhận được tỷ lệ ủng hộ là 33,6%, tiếp theo là Mặt trận Bình dân mới với 27,9% và liên minh Ensemble ở mức 19%. Nói chung, các cuộc khảo sát đều cho thấy kết quả khá tương đồng.

Theo luật bầu cử Pháp, chỉ đảng nào đạt ít nhất 12,5% số phiếu ủng hộ mới có thể tiến vào vòng hai. Vòng này có kế hoạch diễn ra vào ngày 7.7 và sẽ quyết định kết quả cuối cùng của một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất ở Pháp trong hơn hai thập kỷ qua.

Kịch bản tiềm năng

Sự nổi tiếng ngày càng tăng của phe cực hữu, đặc biệt là trong giới cử tri trẻ, phản ánh những thay đổi xã hội rộng lớn hơn và sự không hài lòng ngày càng tăng đối với các đảng phái truyền thống. Sự tập trung của đảng vào các vấn đề như nhập cư, bản sắc dân tộc và chủ nghĩa dân tộc về kinh tế gây được tiếng vang với một bộ phận dân chúng cảm thấy bị toàn cầu hóa và Liên minh châu Âu bỏ lại phía sau.

Nếu đảng Tập hợp quốc gia và đảng Cộng hòa đồng minh của họ không đạt được đa số tuyệt đối nhưng vẫn là khối đảng lớn nhất, họ vẫn có thể điều hành với tư cách là Chính phủ thiểu số, tìm kiếm hỗ trợ đặc biệt từ nhiều đảng khác về các vấn đề chính. Hoặc họ có thể nỗ lực thành lập một liên minh lớn, như các đảng từ Mặt trận Bình dân mới hoặc các phe phái trung dung, mặc dù sự khác biệt về hệ tư tưởng có thể gây ra nhiều rào cản đáng kể. Trong trường hợp khả năng thành lập liên minh lớn này bất khả thi, Pháp có tiềm năng phải đối mặt với một thời kỳ bất ổn và tê liệt chính trị, kéo theo nhiều hệ lụy về quản trị và hoạch định chính sách.

Đối với Liên minh của Tổng thống Macron, họ phải đối mặt với trận chiến thực sự khó khăn. Chịu tổn thất đáng kể trong cuộc bầu cử châu Âu vào đầu tháng 6, Liên minh Ensemble đang phải chật vật để duy trì chỗ đứng của mình. Chương trình cải cách đầy tham vọng của Tổng thống Macron, đặc biệt là trong các lĩnh vực như lương hưu hay luật lao động vấp phải nhiều phản đối. Nếu liên minh không giành được những ghế quan trọng trong cuộc bầu cử tới, ảnh hưởng của Tổng thống Macron sẽ giảm đi đáng kể, hạn chế khả năng thực hiện chương trình nghị sự của ông.

Chắc chắn, kết quả cuộc bầu cử ở Pháp sẽ được theo dõi chặt chẽ trên khắp châu Âu. Thành tích đáng kinh ngạc của đảng Tập hợp quốc gia có thể khuyến khích các phong trào cực hữu khác trên lục địa, báo hiệu sự thay đổi trong nền chính trị châu Âu theo hướng các chính sách dân tộc và dân túy hơn. Ngược lại, sự trỗi dậy của các đảng cánh tả hoặc trung dung có thể củng cố lập trường ủng hộ EU và cách tiếp cận hợp tác trước những thách thức chung như biến đổi khí hậu, di cư hay bất bình đẳng kinh tế...

Vì thế, nhiều nhà phân tích quốc tế nhận định, cuộc bầu cử sắp tới không chỉ là phép thử đối với nước Pháp, mà còn là phong vũ biểu cho các xu hướng chính trị rộng lớn hơn đang lan rộng khắp châu Âu. Kết quả sẽ định hình tương lai của nền chính trị Pháp và ảnh hưởng đến quỹ đạo của EU.

Ngọc Minh (Theo Euronews)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/phap-se-co-chinh-phu-thieu-so--i376843/