Pháp tăng cường khả năng răn đe hạt nhân sau cảnh báo sắc lạnh của Nga

Lần đầu tiên sau khoảng 30 năm, Pháp cùng lúc triển khai 3 trong số 4 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chiến lược chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) tham gia tuần tra trên biển.

Sự gia tăng đáng kể trong hoạt động răn đe hạt nhân của Pháp dường như là tín hiệu cảnh báo với Nga vào thời điểm căng thẳng gia tăng tới mức chưa từng có tại châu Âu. Phương Tây lo ngại rằng, vũ khí hạt nhân có thể là một phần trong kế hoạch của Điện Kremlin nếu chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine bị đình trệ.

Tàu ngầm Le Terrible của hải quân Pháp. Tàu được hạ thủy vào ngày 21/3/2008. Ảnh: reddit.

Tàu ngầm Le Terrible của hải quân Pháp. Tàu được hạ thủy vào ngày 21/3/2008. Ảnh: reddit.

Tờ Telegramme – tờ báo của thành phố cảng Brest (Pháp) nơi đặt căn cứ tàu ngầm hạt nhân cho biết, hai chiếc SSBN bổ sung đã rời căn cứ ở bán đảo Île Longue. 2 con tàu này sẽ kết hợp với một tàu ngầm khác tiến hành tuần tra tại Đại Tây Dương. Thông thường, Pháp chỉ triển khai một trong số SSBN thực hiện nhiệm vụ tuần tra.

Hiện Pháp đang có các SSBN là Le Triomphant, Le Téméraire, Le Vigilant và Le Terrible, được đưa vào hoạt động trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2010. Mỗi chiếc có thể mang 16 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) M51.2.

Tên lửa M51.2 nặng 54 tấn, tầm bắn lên đến 10.000 km, có thể mang theo từ 6 đến 10 đầu đạn hạt nhân với sức công phá 150 kiloton, có tính năng tự tìm diệt mục tiêu. Theo Telegramme, số lượng SLBM mà Pháp hiện có được cho là đủ để trang bị cho cả 3 tàu ngầm cùng một lúc trong trường hợp cần thiết.

Thời gian của đợt triển khai mới nhất không được tiết lộ, nhưng rõ ràng Pháp đang bắt đầu tăng cường lực lượng răn đe hạt nhân sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24/2. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ cuối thời kỳ chiến tranh Lạnh, Pháp cùng lúc huy động 3 SSBN trên biển.

Thông thường, mỗi cuộc tuần tra kéo dài từ 2 đến 3 tháng. Trong thời gian 3 tàu ngầm trên được triển khai, chiếc SSBN thứ 4 sẽ được bảo trì.

SSBN là phương tiện hữu hiệu để tiến hành một cuộc tấn công đáp trả nếu Pháp bị tấn công hạt nhân. Pháp hy vọng, việc gia tăng sự hiện diện của chúng trên biển sẽ tạo ra công cụ răn đe hiệu quả đối với Nga, giúp ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân tiềm tàng vào lãnh thổ Pháp. Paris cho rằng, kế hoạch này là phù hợp trong bối cảnh Moscow tuyên bố không loại trừ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu sự tồn vong bị đe dọa. Mỹ và các đồng minh châu Âu vẫn luôn lo ngại nếu cuộc chiến ở Ukraine leo thang, Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân “có giới hạn” để ngăn cản NATO can dự sâu hơn vào tình hình Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị đặt lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất kể từ khi Nga bắt đầu thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine. “Các nước phương Tây không chỉ có những hành động không thân thiện chống lại Nga trong lĩnh vực kinh tế, mà các quan chức hàng đầu của NATO cũng đưa ra những tuyên bố gây hấn đối với đất nước chúng tôi”, ông Putin cho biết trong bài phát biểu trên truyền hình thời điểm đó.

Theo giới phân tích, Pháp nhiều khả năng đã điều chỉnh lại chính sách hạt nhân để gửi thông điệp rõ ràng tới Điện Kremlin rằng nước này luôn sẵn sàng ứng phó nếu ông Putin xem xét lựa chọn phương án tấn công hạt nhân. Ngoài cảnh báo Nga, việc triển khai 2 hoặc 3 thay vì 1 tàu ngầm hạt nhân trên biển có thể hạn chế những rủi ro nói chung đối với lực lượng này. Nếu chỉ có duy nhất 1 SSBN thực hiện nhiệm vụ tuần tra thì nguy cơ bị đối phương phát hiện, theo dõi hoặc tấn công sẽ cao hơn. Trái lại, việc tăng gấp đôi số lượng tàu sẽ khiến đối phương phải từ bỏ ý định tấn công do e ngại vấp phải sự đáp trả mạnh mẽ.

Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp. Ảnh: Dassault Aviation

Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp. Ảnh: Dassault Aviation

Hiện, Pháp cũng đang tăng cường năng lực của các lực lượng hạt nhân khác của nước này. Ngày 24/3, quân đội Pháp thông báo đã cải tạo và thử nghiệm thành công một loại tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân có thể trang bị cho nhiều dòng máy bay chiến đấu hiện nay. Đây là một phần trong kế hoạch thúc đẩy năng lực hạt nhân của không quân.

Theo thông báo, tên lửa siêu thanh ASMP-A đã được phóng từ máy bay chiến đấu Rafale. Tên lửa ASMP nặng 860kg, dài 5,38m, đường kính thân 300mm, trang bị đầu đạn hạt nhân 150 kiloton hoặc 300 kiloton. Tên lửa trang bị động cơ phản lực tĩnh siêu âm cho phép đạt tốc độ gấp 3 lần vận tốc âm thanh, Mach 3.

Tên lửa ASMP-A cũng có thể được trang bị cho phiên bản máy bay chiến đấu Rafale M của Hải quân Pháp hoạt động trên tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Charles de Gaulle hiện đang được triển khai tại Địa Trung Hải.

Dù tuyên bố rằng những tên lửa này sẽ không được sử dụng trong “những trường hợp thông thường”, nhưng Pháp vẫn luôn đặt mục tiêu đảm bảo khả năng răn đe hạt nhân hiện hữu bất cứ lúc nào trong bối cảnh an ninh châu Âu đang ngày càng bất ổn./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo The Drive

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/phap-tang-cuong-kha-nang-ran-de-hat-nhan-sau-canh-bao-sac-lanh-cua-nga-post932874.vov