Pháp tăng tốc siết chặt hàng giá rẻ
Pháp vừa đề xuất đẩy nhanh việc áp thuế đối với hàng thương mại điện tử giá rẻ vào EU, yêu cầu triển khai từ năm 2026 thay vì đợi đến 2028 như kế hoạch. Động thái này nằm trong nỗ lực tăng cường kiểm soát làn sóng hàng hóa giá rẻ từ các nền tảng như Shein và Temu.
Rút ngắn thời hạn áp thuế
Ngày 29/4, Pháp đã đề xuất áp dụng phí xử lý đối với các gói hàng thương mại điện tử có giá trị thấp được vận chuyển vào Liên minh châu Âu (EU). Theo Reuters, hiện EU có kế hoạch bãi bỏ chính sách miễn thuế đối với các gói hàng có giá trị dưới 150 euro (tương đương 171 USD) kể từ năm 2028. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài khoản công của Pháp Amélie de Montchalin cho rằng, cần có các biện pháp tính phí xử lý đối với các gói hàng như vậy ngay từ năm 2026.

Pháp kêu gọi EU sớm có biện pháp đối với hàng hóa thương mại điện tử giá rẻ tràn vào thị trường.
Pháp cho biết sẽ tăng cường kiểm tra các gói hàng nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe như dược phẩm và mỹ phẩm. Cơ quan hải quan Pháp cũng sẽ bắt đầu công bố danh sách các sản phẩm bị rút khỏi các nền tảng thương mại điện tử do vi phạm quy định của EU. Đề xuất của Pháp sẽ cần nhận được sự đồng thuận của toàn khối và áp dụng thống nhất ở tất cả các quốc gia thành viên. Biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh Pháp đang tìm cách tăng cường kiểm soát hoạt động của các nền tảng thương mại điện tử, chẳng hạn như Shein và Temu.
Những nền tảng này lâu nay thường cung cấp các sản phẩm giá rẻ đến tay người tiêu dùng ở Pháp và các nước khác ở châu Âu mà không phải chịu thuế nhập khẩu. Các nhà bán lẻ và nhà hoạch định chính sách châu Âu ngày càng phản đối chính sách miễn thuế này. Họ cho rằng chúng mang lại cho Shein và Temu lợi thế không công bằng khi giúp các nền tảng này giữ giá các sản phẩm từ quần áo đến điện thoại thông minh ở mức rất thấp. Những sản phẩm này được vận chuyển trực tiếp từ các nhà máy ở Trung Quốc, và do được miễn thuế nên chúng không bị kiểm định và tuân thủ các quy định của khối.
"Điều này gây rủi ro cho người dân Pháp. Các sản phẩm này cũng gây ảnh hưởng lớn tới các thương hiệu vì tình trạng làm giả tràn lan", Bộ trưởng phụ trách Tài khoản công của Pháp, bà Amélie de Montchalin khẳng định. Bộ trưởng Tài chính Eric Lombard nhấn mạnh: "Chúng ta đang ở trong một liên minh thuế quan, vì vậy không thể hành động một mình", Lombard nói. Ông cũng cho biết thêm, mỗi năm khoảng 1,5 tỷ gói hàng thương mại điện tử được vận chuyển đến người tiêu dùng Pháp mỗi năm và khoảng 800 triệu trong số đó có giá trị dưới 150 euro. Bên cạnh đó, Pháp cũng có kế hoạch tăng mạnh số lượng bưu kiện bị kiểm tra với mục tiêu kiểm tra gấp ba lần hiện tại và sẽ công bố danh sách các sản phẩm bị gỡ khỏi các nền tảng trực tuyến do vi phạm quy định
Về phía doanh nghiệp, Shein khẳng định công ty tuân thủ đầy đủ các luật lệ tại các thị trường mà họ hoạt động bao gồm Pháp. Họ cho rằng, thành công của mình không đến từ chính sách miễn thuế. Temu hiện chưa đưa ra bình luận.
Mỹ, EU đồng loạt siết hàng thương mại điện tử giá rẻ
Mỹ từng là thị trường lớn nhất của Shein và Temu cũng đã thông báo xóa bỏ miễn thuế đối với các bưu kiện có giá trị dưới 800 USD (còn gọi là ưu đãi “de minimis” - miễn thuế nhập khẩu tối thiểu) khiến 4 triệu đơn hàng giá rẻ mỗi ngày của Trung Quốc “chết đứng”. Việc bãi bỏ chính sách này có hiệu lực kể từ ngày 2/5. Trước đây, quy định này cho phép các gói hàng có giá trị dưới 800 USD được miễn thuế khi nhập vào Mỹ. Sự thay đổi này nằm trong khuôn khổ gói thuế quan mới 10% áp dụng với hàng hóa Trung Quốc, khiến các đơn vị bưu chính buộc phải điều chỉnh toàn diện quy trình vận hành.
Theo Bloomberg, Washington được cho là đang nỗ lực đóng kẽ hở mà các công ty thương mại điện tử như Temu và Shein đã khai thác trong nhiều năm để mở rộng thị phần tại Mỹ. Chiến lược vận chuyển nhiều gói hàng nhỏ lẻ đã giúp họ tạo được lợi thế cạnh tranh so với những đối thủ như Amazon.com. Các chuyên gia cảnh báo rằng khối lượng bưu kiện khổng lồ từ Trung Quốc không chỉ gây khó khăn trong việc kiểm soát mà còn tiềm ẩn nguy cơ chứa đựng hàng hóa bất hợp pháp hoặc nguy hiểm.
Liên quan đến việc áp thuế hàng điện tử giá rẻ, trước đó, ngày 5/2, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã tuyên bố sẽ tìm cách áp các khoản phí mới đối với hàng nhập khẩu thương mại điện tử, như một phần trong nỗ lực ngăn chặn xu hướng gia tăng khối lượng sản phẩm “có hại” chảy vào Liên minh châu Âu (EU).
EC cho biết mối lo ngại xuất phát từ khoảng 4,6 tỷ mặt hàng trị giá thấp dưới 22 EUR (23 USD) nhập khẩu vào EU vào năm 2024, tương đương với 12 triệu bưu kiện mỗi ngày, gấp đôi so với năm 2023. Theo đó, EC kêu gọi giới lập pháp EU và các quốc gia thành viên cân nhắc áp phí xử lý đối với các giao dịch mua hàng trực tuyến được nhập khẩu trực tiếp tới người tiêu dùng, để thanh toán “chi phí giám sát việc tuân thủ của hàng tỷ lô hàng như vậy đối với hệ thống quy định của EU”.
EC cho rằng, hàng nhập khẩu giá rẻ không an toàn gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với những người bán hàng EU tuân thủ các quy tắc, trong khi số lượng lớn các gói hàng được vận chuyển có tác động tiêu cực đến môi trường và khí hậu. Theo EC, trong một số điều kiện nhất định, các nền tảng thương mại điện tử cũng có thể phải chịu trách nhiệm về việc bán các sản phẩm không tuân thủ hoặc gây nguy hiểm.
Bên cạnh đó, EC cũng giới thiệu biện pháp mới có tên là quét an toàn sản phẩm - một công cụ giám sát điện tử, lần đầu tiên cho phép giới chức EU kiểm tra độ an toàn của sản phẩm trước khi chúng được vận chuyển. EC còn kêu gọi các nước EU nhanh chóng bãi bỏ việc miễn thuế đối với các bưu kiện dưới 150 EUR.
Ngày 6/2, EC cho biết đã yêu cầu nhà bán lẻ thời trang nhanh Trung Quốc Shein cung cấp các tài liệu nội bộ và thông tin chi tiết hơn về những rủi ro liên quan đến sự hiện diện của nội dung và hàng hóa bất hợp pháp trên sàn thương mại điện tử của công ty này. EC cũng yêu cầu Shein cung cấp thông tin chi tiết về các biện pháp đã áp dụng để giảm thiểu rủi ro liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng và phúc lợi của người dùng.