Pháp và đồng minh rút quân khỏi Mali: Mỹ lo

Ngày 17/2, các quan chức giấu tên của Mỹ nhận định, số lượng lính đánh thuê Nga ở Mali dự kiến sẽ tăng lên sau khi Pháp và các đồng minh quân sự tuyên bố rút quân khỏi quốc gia Tây Phi này.

Các binh sĩ thuộc lực lượng Barkhane của Pháp kết thúc nhiệm vụ kéo dài 4 tháng tại Sahel lên máy bay rời căn cứ ở Gao, Mali hồi tháng 6/2021. (Nguồn: AP)

Các binh sĩ thuộc lực lượng Barkhane của Pháp kết thúc nhiệm vụ kéo dài 4 tháng tại Sahel lên máy bay rời căn cứ ở Gao, Mali hồi tháng 6/2021. (Nguồn: AP)

Các nhà ngoại giao Mỹ lo ngại quyết định rút 2.400 binh sĩ Pháp khỏi Mali - tâm điểm của bạo lực ở khu vực Sahel, thành trì của cả nhóm khủng bố Al-Qaeda và các chi nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng - có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng bạo lực, gây bất ổn cho các nước láng giềng và thúc đẩy làn sóng di cư.

Hai quan chức quốc phòng cấp cao yêu cầu giấu tên của Mỹ cho biết, có khoảng 3.000-5.000 lính đánh thuê tư nhân thuộc Tập đoàn Wagner của Nga trên khắp châu Phi, trong đó, khoảng 800-1.000 người đang hiện diện ở Mali.

Một quan chức Mỹ tin chắc rằng, số lượng lính đánh thuê từ Tập đoàn Wagner ở Mali sẽ tăng lên khi các binh sĩ Pháp rời đi và Washington đang theo dõi chặt chẽ mọi loại vũ khí sát thương có thể được tuồn vào quốc gia châu Phi này.

Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tập đoàn Wagner của Nga, cáo buộc tập đoàn này thực hiện các hoạt động bí mật nhân danh Điện Kremlin. Tổng thống Vladimir Putin phủ nhận mọi cáo buộc và khẳng định rằng, Wagner không đại diện cho Nhà nước Nga.

Trước đó cùng ngày, Pháp và các đồng minh trong chiến dịch chống thánh chiến Barkhane ở Mali thông báo sẽ "phối hợp rút" lực lượng khỏi quốc gia này do vấp phải "nhiều cản trở" từ chính quyền quân sự nước sở tại, bác bỏ suy luận cho rằng, việc triển khai lực lượng kéo dài gần một thập kỷ này đã kết thúc trong thất bại.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể tiếp tục can dự quân sự cùng với chính quyền trên thực tế vốn không cùng chiến lược và mục tiêu ngầm với mình”.

Theo ông, việc rút quân của Pháp và các đồng minh khỏi Mali sẽ diễn ra từ 4-6 tháng, trong thời gian đó sẽ diễn ra ít các chiến dịch chống phiến quân Hồi giáo ở Sahel.

Về lính đánh thuê Nga, nhà lãnh đạo Pháp cho rằng, lực lượng này - thuộc công ty quân sự tư nhân Nga Wagner - đang ở Mali "để đảm bảo lợi ích kinh doanh" của công ty và chính quyền quân sự ở Bamako.

Sau thông báo của Pháp, quân đội Mali cho hay, Bamako đã đề nghị tiếp tục hợp tác song phương với các quốc gia châu Âu tham gia lực lượng Takuba, gồm 11 nước: Đức, Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Pháp, Na Uy, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Czech, Anh và Thụy Điển.

Theo Ngoại trưởng Abdoulaye Diop và Bộ trưởng Quốc phòng Sadio Camara của Mali, tất cả các đối tác muốn hợp tác với Mali trong hoạt động đảm bảo an ninh đều được hoan nghênh.

(theo AFP, Reuters)

Bảo Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phap-va-dong-minh-rut-quan-khoi-mali-my-lo-174344.html