Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981 (Chương I)
Vào khoảng 1000 năm sau khi Phật nhập Niết bàn là thời kỳ Phật giáo Ấn Độ phát triển đến chỗ rực rỡ, có nhiều bậc Đại đức, nhiều vị Luận sư ra đời xiển dương giáo lý.
CHƯƠNG 1: PHẬT GIÁO Ở ẤN ĐỘ
I. ẤN ĐỘ THỜI CỔ ĐẠI
Thời cổ đại, phạm vi địa lý Ấn Độ chủ yếu gồm các nước Ấn Độ, Pakistan, Băng la đét và Nêpal ngày nay và chia làm hai miền Bắc - Nam với dãy núi Viadia làm ranh giới.
Các nhà sử học chia lịch sử Ấn Độ cổ đại làm hai thời kỳ:
- Thời kỳ văn hóa Harapa, còn gọi là nền Văn minh sông Ấn
Chủ nhân của nền văn hóa này là người Đravia cư trú chủ yếu ở Nam Ấn Độ (1).
- Thời kỳ văn hóa Vệ Đà, còn gọi là nền Văn minh sông Hằng. Chủ nhân của nền văn hóa này là người Aryan cư trú chủ yếu ở Bắc Ấn Độ.
Về mặt xã hội, văn hóa Harapa bắt đầu xuất hiện nhà nước, giai cấp-thời kỳ đầu của nhà nước phương Đông cổ đại.
Với văn hóa Vệ Đà, văn minh Ấn Độ chuyển tư lưu vực sông Ấn sang sông Hằng. Cùng với sự phát triển về kinh tế, về mặt xã hội thời kỳ Vệ Đà có những bước chuyển biến quan trọng đó là thời kỳ tan rã hẳn của chế độ thị tộc và việc hình thành nhà nước hoàn chỉnh.
Nếu như thời kỳ văn hóa Harapa được biết qua các hiện vật khảo cổ, thì nền văn hóa Vệ Đà được phản ánh qua bộ Thánh kinh Vệ Đà, xuất hiện vào những năm 1500 trước Công nguyên và chia làm 4 bộ (gọi là Tứ Vệ Đà):
- Bộ thứ nhất là Lê Cu Vệ Đà, 1017 bài Thánh ca dài ngắn khác nhau, được cử hành tế lễ, tán thán thiên thần như những nhân vật có quyền ban phúc giáng họa cho người thế gian. Đây là bộ Vệ Đà duy nhất được dùng làm tư liệu để khảo sát về trạng thái tối cổ của giống người Aryan.
- Bộ thứ hai là Sa Ma Vệ Đà, gồm 1549 bài Thánh ca được các tăng lữ Bà la môn xướng lên trong lễ “tửu tế”.
- Bộ thứ ba là Dạ Nhu (Yayur) Vệ Đà, về đại thể thì Dạ Nhu Vệ Đà tương đồng với Sa Ma Vệ Đà, ấy là dạy cách thực hành tế lễ phải như thế nào, nhưng bất đồng ở chỗ là trong đại bộ phận Lê Cu Vệ Đà thì Dạ Nhu Vệ Đà chưa xuất hiện lời tế thần sáng tạo độc nhất và duy nhất (2).
- Bộ thứ tư là A Thát Bà (Atharva) Vệ Đà: Về nội dung chia làm 20 quyển, với 731 bài Thánh ca. A Thát Bà Vệ Đà nói về quan hệ giữa người Aryan với cư dân gốc bản địa Ấn Độ sau khi hai bên có sự tiếp xúc qua lại và chịu sự hấp thụ nhiều yếu tố tín ngưỡng của nhau mà hình thành; do đó A Thát Bà Vệ Đà phần nhiều là những câu phù chú ma thuật và trừ ma yểm quỷ. Chỉ có số ít bài thơ được dùng để ca tụng Thượng đế; vì vậy A Thát Bà Vệ Đà phần lớn mang sắc thái mê tín.
Điều đáng quan tâm là, trong thời kỳ Vệ Đà cùng với quá trình phân hóa giai cấp và hình thành nhà nước, ở Ấn Độ xuất hiện đạo Bà la môn và hình thành chế độ phân chia đẳng cấp thành 4 giai tầng với thành phần khác nhau.
II. HOÀN CẢNH XÃ HỘI ẤN ĐỘ TRƯỚC KHI PHẬT RA ĐỜI
Trước khi Phật ra đời, xã hội Ấn Độ chia làm bốn đẳng cấp cách biệt nhau:
- Đẳng cấp Bà la môn (Brahmanas)
- Đẳng cấp Sát đế lỵ (Ksastryas).
- Đẳng cấp Vệ xá (Vaisyas).
- Đẳng cấp Thủ đà la (Soudras)
1) Đẳng cấp Bà la môn
Đẳng cấp Bà la môn chuyên việc cúng tế trong nước, chiếm địa vị cao nhất trong xã hội thời bấy giờ. Để nắm giữ địa vị này lâu dài, họ bịa đặt những điều dị đoan để mê hoặc quần chúng. Họ nói rằng bốn đẳng cấp là bốn dòng họ đều do Phạm thiên (3) sinh ra.
Để duy trì lâu dài chế độ đẳng cấp khắc nghiệt, đẳng cấp Bà la môn còn soạn ra một bộ luật có tính chất nửa tôn giáo nửa chính trị, bộ luật Ma nu với âm mưu chia rẽ bốn đẳng cấp sâu sắc hơn. Cụ thể, bộ luật này ngăn cấm việc hôn nhân giữa trai gái ở hai đẳng cấp khác nhau.
Để giữ địa vị độc tôn lâu dài, đẳng cấp Bà la môn còn sửa lại văn tự các kinh sách cho thật khúc mắc, khó hiểu và huyền bí, để chỉ mình họ nắm được, hiểu được và từ đó giữ độc quyền về việc cúng tế.
2) Đẳng cấp Sát đế lỵ
Đẳng cấp Sát đế lỵ là dòng họ vua quan, quý phái quý tộc nắm quyền cai trị và tầng lớp võ sĩ.
3) Đẳng cấp Vệ xá
Đẳng cấp Vệ xá bao gồm dân tự do là những người làm nông nghiệp, buôn bán và thợ thủ công.
4) Đẳng cấp Thủ đà la
Đẳng cấp Thủ đà la gồm những người nghèo khổ, là đẳng cấp cuối cùng trong xã hội thời bấy giờ. Họ sống cơ cực, làm tôi đòi cho các đẳng cấp trên. Đẳng cấp này gồm những dòng họ bị dân tộc Aryan chinh phục, bị các đẳng cấp trên khinh miệt, thậm chí không cho đến gần.
Ngoài ra, còn đẳng cấp Ba ly xá (Paria) là con cháu của bố là một trong ba đẳng cấp trên với mẹ là Thủ đà la. Đẳng cấp này tuy ít nhưng thân phận là những người cùng khổ, hơn cả đẳng cấp Thủ đà la.
Sau khi ra đời, đạo Bà la môn nhanh chóng trở thành tôn giáo chính thống của xã hội Ấn Độ.
Theo kinh Vệ Đà, các đẳng cấp được sinh ra từ những bộ phận khác nhau của Phạm Thiên: Bà la môn được sinh ra từ miệng; đẳng cấp Sát đế lỵ sinh ra từ tay (có sách nói là từ rốn); đẳng cấp Vệ xá sinh ra từ đùi (có sách nói từ xương sống); đẳng cấp Thủ đà la sinh ra từ bàn chân Phạm Thiên. Đạo Bà la môn còn lập luận rằng trong các loài sinh vật, ưu tú nhất là loài động vật có trí khôn; trong các loài động vật có trí khôn thì ưu tú nhất là con người, trong con người, ưu tú nhất là Bà la môn.
Tình hình trên làm cho tầng lớp đa số trong xã hội Ấn Độ - những người Thủ đà la càng oán ghét chế độ bóc lột, oán ghét chế độ phân chia đẳng cấp. Phản ánh tâm trạng của những người nô lệ lúc đó, ở Ấn Độ đã xuất hiện nhiều trào lưu tư tưởng, trào lưu xã hội thuộc các xu hướng khác nhau. Các trào lưu đó đều gặp nhau ở chỗ, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp chống lại chế độ đẳng cấp và sự chuyên quyền, độc đoán của đẳng cấp thống trị Bà la môn, đòi kiến lập một xã hội bình đẳng và tự do.
Đạo Phật là một trong những trào lưu đó.
III. ĐỨC PHẬT RA ĐỜI
Năm 563 trước Công nguyên, đức Thích ca Mâu ni (Sàkỳ amuni) - người sáng lập đạo Phật ra đời tại vùng Đông Bắc sông Rápti (La Bạt Đề) bên ranh giới Ấn Độ của nước Nepal ngày nay.
Ngài thuộc dòng họ Thích ca (Sàkya), dòng họ này chia làm mười bộ tộc, mỗi bộ tộc chiếm một thành nhỏ, trong đó có thành Ca tỳ La vệ (Kapilavastu) là lớn hơn cả. Vua thành này là Tịnh Phạn vương (Suddhodana) sinh ra Thái tử Tất Đạt Đa (Sidharthe) tức Phật Thích ca Mâu ni sau này. Đối diện với thành Ca tỳ La vệ, bên kia sông Rapli là thành Câu Lợi (Koli). Theo một tập quán cổ truyền... không biết từ bao giờ, hai dòng họ Thích Ca và Câu Lợi đời đời thông gia với nhau. Vua Tịnh Phạn, theo tập quán đó đã lấy hai chị em con vua Câu Lợi là vương phi, tức là Ma Gia (Maya) và Bà Xa Bà Đề (Pajapati). Hoàng hậu Maya năm 15 tuổi thụ thai. Theo phong tục Ấn Độ, người phụ nữ sắp đến ngày sinh nở thì trở về ở cữ nhà bố mẹ đẻ của mình. Hoàng hậu về nhà, nhưng đi nửa đường thì trở dạ đẻ, bèn vào vườn Lâm tỳ ni (Lumnini) và sinh ra Thái tử Tất Đạt Đa vào lúc mặt trời mọc ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch năm 563 trước Công nguyên. Hoàng hậu Ma Gia sinh Thái tử được bảy ngày thì qua đời. Em hoàng hậu là Bà Xa Bà Đề thay chị nuôi dưỡng chăm sóc Thái tử cho đến tuổi trưởng thành.
1. Thời kỳ niên thiếu và trưởng thành của Thái tử
Thái tử Tất Đạt Đa sinh ra rất thông minh, năm bảy, tám tuổi, Thái tử theo các thầy Bà la môn học văn chương, võ nghệ và học hành rất xuất sắc. Lớn lên, Thái tử trở thành một người văn võ toàn tài, lại sinh vào nơi quyền quý, nên ai ai cũng cho rằng Thái tử là người sung sướng, được hưởng hạnh phúc hoàn toàn.
Nhưng hoàn cảnh xã hội thời bấy giờ đã khiến cho Thái tử có nhiều trăn trở, trong khi mình sống sung sướng trong vương cung xa hoa tráng lệ còn quần chúng nhân dân lại bị áp bức bóc lột, sống đau khổ không sao kể xiết, còn đói không có ăn, rét không có áo, ốm không có thuốc, chết bị vứt xác như một con vật… và Thái tử tự hỏi mình phải làm gì để cứu vớt, giải thoát cho họ. Câu hỏi đó cứ quanh quẩn trong tâm tư Thái tử cho đến khi tự đáy lòng ngài, nảy ra một ý định đi tìm con đường giải thoát, đưa chúng sinh từ một cuộc sống phiền não đến một cuộc sống yên vui hạnh phúc.
Vua cha biết ý định của Thái tử, và tìm mọi cách can ngăn: Trước hết là cưới vợ cho Thái tử, ít lâu sau, sinh được một trai đặt tên là La Hầu La (Rahula). Vua cha lại cho sửa sang cung điện thực là tráng lệ, cho hàng trăm mỹ nữ hằng ngày túc trực bên Thái tử, tổ chức vui chơi múa hát mong làm cho Thái tử quên nỗi buồn phiền, bỏ ý nghĩ đi tìm con đường giải thoát cho chúng sinh, bỏ ý nghĩ đi tìm đạo. Nhưng chí Thái tử đã quyết, không có gì lay chuyển nổi, kể cả những cảnh vui chơi, khoái lạc thế gian. Vì thế, năm hai mươi chín tuổi, ngài ra đi, tìm Chân Lý và An Tĩnh.(4)
2. Thời kỳ tìm đạo, tu đạo và thành đạo
Thái tử Tất Đạt Đa phải có quyết tâm mãnh liệt mới từ bỏ được cuộc sống xa hoa tột bậc trong cung điện vua cha và rời bỏ được tình nghĩa vợ con đầm ấm, ra đi dày dạn tuyết sương, ra đi tìm đạo, tìm một lối sống, một triết lý sống cho nhân loại.
Trước tiên, Thái tử đến thăm vị tiên tên Bhagava để tận mắt tìm hiểu sự thực của việc khổ hành. Kế đến ngài đến thăm Arada Kalama và Udraka Ramaputtra, để học cách tu hành và tự mình thực hiện thử. Nhưng rồi Thái tử cũng thấy rằng đây không phải là con đường tu, Ngài liền đi đến nước Magadha và quyết định tu khổ hạnh tại cánh rừng Uruvilva bên cạnh dòng sông Nairanjana (Ni Liên Thiền) chảy xuôi dòng về thành Gaya.
Tại đây, Thái tử đã tu theo phương pháp cực kỳ khổ hạnh, sau này ngài đã nói rằng: “Không có ai trong quá khứ cũng như hiện tại và tương lai đã từng tu theo một phương pháp cực kỳ khổ hạnh như thế”.
Nhưng rồi Thái tử cũng thấy rằng mình đã không đạt được những điều mong muốn, sau 6 năm trường, ngài liền bỏ cách tu thân này và đi xuống dòng sông Nairanjana để tắm rửa, rũ sạch nhơ bẩn trên thân thể và nhận từ tay một người thiếu nữ tên là Sujasta bát sữa dê lấy lại sức.
Lúc này, có 5 nhà tu theo phương pháp khổ hạnh ở cùng cánh rừng trên đã cho rằng ngài đã trụy lạc nên bỏ ngài mà tìm nơi khác.
Lúc ấy chỉ còn một mình Thái tử giữa trời đất, ngài ngồi tịnh tâm dưới một bóng cây, dấn thân ngồi trầm tư mặc tưởng lần cuối. Thái tử tự nhủ: “Dù máu ta có khô cứng, thịt có rữa ra, xương ta có tàn thì ta cũng quyết ngồi đây cho đến khi ngộ được đạo”.
Và Thái tử nhập định luôn trong 49 ngày, đêm ngày cuối cùng thì trên bầu trời xanh thẳm, sao mai hiện lên sáng rực, thâm tâm Thái tử trở lên vắng lặng và sáng suốt hoàn toàn, bao nhiêu phiền não của đời sống trong ngũ dục, trong màn tối vô minh đều trong khoảnh khắc rũ sạch.
Ngày 8 tháng 12 âm lịch, Thái tử đã thành đạo. Từ đó Ngài có biệt hiệu là Thích ca Mâu ni (Sakyamuni) - bậc thánh của dòng họ Thích Ca và được gọi là Buddha phiên âm qua chữ Hán là Phật đà, ta quen gọi là Phật (hay Bụt) tức người đã giác ngộ, đã hiểu được chân lý.
Năm đó Ngài 35 tuổi.
IV. PHẬT THÍCH CA MÂU NI CHUYỂN PHÁP LUÂN
Giáo pháp của đức Phật gọi là Pháp luân, giảng thuyết giáo pháp gọi là Chuyển pháp luân. Luân là luân bảo của Chuyển thánh luân vương có hai nghĩa là hồi chuyển và nghiền nát. Hồi chuyển cả 4 thiên hạ, nghiền nát hết mọi thù địch. Giáo pháp của đức Phật nhằm hồi chuyển khắp chúng sinh, nghiền nát hết mọi phiền não, nên ví với bánh xe pháp. Chuyển là để ví với pháp. Phép chuyển tự tâm mà dời sang tâm khác giống như chuyển bánh xe.
1. Thời kỳ Phật thuyết pháp
Sau khi thành đạo, đức Thích Ca thực hiện chương trình giáo hóa chúng sinh, sách Phật gọi là chuyển pháp luân. Đức Phật đến vườn Lộc Giã, ở ngoài thành Ba la nại (Vàràmasì) nói pháp Tứ Diệu đế cho năm người bạn trước cùng tu hầu hạ ngài, sau họ bỏ ngài mà đi. Ngài đến là để báo đáp công đức của họ trước kia. Năm vị đó là: A Nhã Kiều Trần Như; Bạt đề; A Thuyết Thị; Ma Ha Nam và Bà Ba.
5 vị Tỷ khiêu này được coi là những đệ tử đầu tiên của đức Phật, sau này trở thành Tăng bảo đầu tiên - Pháp Tứ đế được gọi là Pháp bảo và Phật Thích ca Mâu ni là Phật bảo.
Phật, Pháp, Tăng là Tam bảo (Buddhi, Dharma, Sangha)
Ròng rã bốn mươi chín năm thuyết pháp, Phật Thích ca đã đi nhiều nơi, tiếp cận nhiều tầng lớp, đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ và thu hút được nhiều người tin theo. Phật đã giác ngộ được nhiều hạng người từ tướng cướp Vô Não đến các hoàng thân quốc thích trong hoàng gia tin theo giáo lý của ngài. Đức Thích ca cũng vấp phải gian nan vất vả, khi thì bị người anh em bà con là Đề Bà Đạt Đa làm phản, khi thì bị người Bà la môn ghen ghét vu cáo tình ái với Chiên già, một cô gái lẳng lơ… Nhưng đức Phật đã vượt qua tất cả. Ngài đã chọn được 1250 đệ tử tiêu biểu, trong đó có 10 vị ưu tú nhất, sách Phật gọi là Thập đại Thánh chúng hay Thập đại đệ tử, gồm:
1- Xá Lợi Phất: vị Thánh chúng “Trí tuệ” số một;
2- Mục Kiền Liên: vị Thánh chúng “Thần thông” số một;
3- Tu Bồ Đề: vị Thánh chúng “giải không” (tức là thực hiện được nhiều việc thiện) số một;
4- Phu Lâu La: vị Thánh chúng “thuyết pháp” số một;
5- Ca Chiên Diên: vị Thánh chúng “luận giải” số một;
6- Đại Ca Diếp: vị Thánh chúng “phẩm hạnh” số một;
7- An Na Luật: vị Thánh chúng “thiên nhãn thông” số một;
8- Ưu Bà Ly: vị Thánh chúng “trì giới” số một (tức là thực hiện giới luật nghiêm túc nhất);
9- A Nan Đa: Vị Thánh chúng “đa văn” số một (tức là thông minh hay chữ nhất);
10- La Hầu La: vị Thánh chúng “mật hạnh” số một (tức là chịu nhẫn nhục nhất).
Các nhà nghiên cứu Phật học thường chia thời gian thuyết pháp của đức Thích ca Mâu ni trong 49 năm thành 5 thời kỳ, gọi là Ngũ thời Phật pháp, cụ thể:
1- Thời Hoa Nghiêm: Sau khi thành đạo, đức Phật ngồi dưới gốc cây Bồ đề thêm 21 ngày. Sau đó ngài bắt đầu thuyết pháp. Tất cả những lời giảng của Phật thời gian này được các đệ tử của Ngài ghi lại thành bộ Kinh Hoa Nghiêm, được gọi là thời Hoa Nghiêm.
2- Thời A Hàm: Sau khi thuyết pháp lần thứ nhất, đức Thích ca nhận thấy rằng dân chúng không hiểu hết được ý mình, nên Ngài căn cứ vào trình độ đối tượng, giảng về phương pháp tu hành trong suốt 12 năm. Tất cả lời giảng của đức Phật được ghi thành bộ Kinh A Hàm, được gọi là thời A Hàm.
3- Thời Phương Đẳng: Sau thời A Hàm, giáo lý Phật giáo được phổ cập. Song các học phái, luận thuyết khác ở Ấn Độ nổi lên chống đối, đả kích. Cho nên vừa nói về phương pháp tu hành, trong 8 năm đức Phật vừa nhấn mạnh về luận thuyết, cả Tiểu thừa và Đại thừa. Tất cả những lời giảng của ngài được ghi vào 2 bộ kinh: Kinh Duy Ma và Kinh Đại Tập, được gọi là thời Phương Đẳng.
4- Thời Bát Nhã: Sau khi trao đổi luận với các học thuyết khác ở thời Phương Đẳng, uy tín của đức Thích ca Mâu ni và giáo thuyết của Phật được khẳng định. Ngài tiếp tục nâng cao nội dung thuyết giảng của mình trong 22 năm. Tất cả những lời giảng đó của đức Phật được ghi trong Kinh Bát Nhã, được gọi là thời Bát Nhã.
5- Thời Pháp Hoa: Thời kỳ này, sau khi Phật giáo đã hưng thịnh, đánh đổ được các luận thuyết đương thời, đức Thích ca đem lý thuyết về Bồ Tát để giáo hóa chúng sinh suốt 7 năm. Tất cả những lời giảng đó được ghi trong Kinh Pháp Hoa, được gọi là thời Pháp Hoa.
2. Phật Thích ca Mâu ni nhập Niết bàn
Phật Thích ca Mâu ni, năm 80 tuổi, thấy công việc giáo hóa chúng sinh đã đầy đủ, bèn từ thành Vương Xá (Rajaguiba) đi đến thành Câu Thi Na Yết La (Kuninagara) nay là Kasa thuộc miền Gorakhpour. Cùng với một số đệ tử, Phật qua sông Hằng (Ganga) đến núi Bà Xá Lỵ của nước Ma Yết Đà. Thời ấy lại là mùa mưa. Ở Ấn Độ, mùa mưa bắt đầu từ trung tuần tháng Tư và kéo dài ba tháng. Trong thời gian này, các đệ tử không đi ra ngoài, ở một nơi để chuyên tu học.
Bấy giờ Phật muốn ở lại Bà Xá Lỵ, an cư ba tháng, nhưng vì xứ này nghèo, không đủ lương thực cung cấp cho hết thảy đại chúng nên Phật bèn cho họ giải tán. Còn Phật và đệ tử A Nan Đà an cư ở đấy. An cư xong, Phật cùng A Nan đà đi về phía Tây đến thành Java, ở đấy Phật thụ trai xong, trở về núi Câu Thi Na Yết La, trên sông Bạt Đề. Trong một ngày đêm Phật nói xong bộ Đại Niết Bàn, rồi Phật nằm, đầu quay về hướng Bắc, mặt hướng về phía Nam mà tịch.
Trước khi tịch, Phật bảo đức A Nan Đà rằng: “Này Anan, ngươi nói rằng sau khi ta diệt độ, không còn nơi nương tựa nữa. Ngươi không nên nghĩ thế, những kinh luật luận mà ta nói ra sẽ là nơi nương tựa che chở cho đệ tử”. Phật lại nói thêm: “Này các đệ tử, chớ có buông lung, phóng túng, hết thảy các công đức và các việc thiện đều nhờ tính không phóng túng mà thành tựu. Ta sở dĩ thành chính đẳng chính giác là vì ta không bao giờ buông lung phóng túng. Này các đệ tử, hết thảy các sự vật đã có hình tướng, thì một ngày kia sẽ bị diệt hoại”.
Sau khi Phật tịch diệt, các đệ tử Phật đợi Đức đại Ca Diếp là bậc đứng đầu trong hàng đệ tử, từ Cưu Linh Sơn về mới cử hành lễ hỏa táng gọi là trà tỳ.
Người xứ Ma Yết Đà và người trong 8 nước khác cùng một dòng họ với đức Thích Ca chia nhau hài cốt của người, mang về nhập tháp. Năm ấy là năm 480 trước Công nguyên (có sách ghi là 483 trước Công nguyên).
Phật tịch diệt rồi thì đức Đại Ca Diếp là đệ nhất tổ, tiếp đến tổ Ưu Ba Ly, tổ A Nan Đà, trong khoảng một trăm năm sau Phật tịch diệt tình hình tăng già rất yên ổn, giữ giới luật nghiêm túc. Các tổ cứ lần lượt truyền y bát cho nhau, cho đến thế kỷ thứ VI sau Công nguyên truyền đến tổ thứ 28 là tổ Bồ Đề Đạt Ma (Boddhidarma) từ Ấn Độ qua Trung Hoa và là đệ nhất tổ (Sơ tổ) phái Thiền tông của Trung Quốc.
Hiện nay ở Ấn Độ, còn bốn di tích lịch sử quý giá đối với Phật giáo là: Nơi Phật đản sinh: vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini); Nơi Phật thành đạo: thành Phật Đà Ra Gia (Buddhagaya); Nơi Phật thuyết pháp lần đầu tiên: Vườn Lộc Giã (Jaipatna); Nơi Phật tịch diệt: Thành Câu Thi Na Ga Ra (Kinnagara).
3. Những hội nghị kết tập giáo pháp sau khi Phật tịch diệt
Lúc sinh thời, đi thuyết pháp các nơi, Phật chỉ nói mà không soạn thành văn bản, các đệ tử nghe Phật thuyết pháp cũng không ghi chép tại chỗ.
Khi Phật tịch diệt rồi, các đệ tử mới tập hợp nhau lại để đọc tụng lại những lời Phật dạy, và sau này ghi thành văn bản. Có tất cả sáu kỳ kết tập kinh điển.
- Kết tập lần thứ nhất
Sau Phật nhập Niết bàn, Đức đại Ca Diếp đi đến thành Vương Xá xứ Jippala, bấy giờ chủ thành Vương Xá là vua A Xà Thế, là vị vua ngoại hộ rất đắc lực, do đó vua giúp ngài Ca Diếp kiến lập tịnh xá cạnh núi Tỳ bà la (Vebhàra) ở trước Thất Diệp Quật (Sapta parnaguhà). Tại đây, ngài Đại Ca Diếp tập hợp được 500 Tỷ khiêu và tổ chức an cư vào mùa mưa lần thứ nhất sau Phật nhập diệt. Trong mùa an cư này, từ tháng thứ hai trở lui Đại Ca Diếp bắt đầu mở cuộc kết tập kéo dài trong bảy tháng (Bắc truyền cho là có ba tháng). Vị Tôn giả đầu tiên được yêu cầu tụng xuất Luật tạng là ngài Ưu Bà Li. Thứ đến là Tôn giả A Nan Đa tụng xuất Kinh tạng (Pháp tạng).
Hội nghị kết tập kinh điển lần thứ nhất này được đặt dưới sự chủ tọa của đức Đại Ca Diếp, cũng chỉ tụng đọc, chưa ai ghi chép thành văn bản.
Trong hội nghị, đức A Nan Đa đọc lại bốn tập kinh A Hàm, là bộ kinh Phật giảng trong những ngày đầu sau khi thành đạo, đức Ưu Bà Li đọc tụng giới luật luôn trong tám mươi ngày mới kết thúc, nên người ta thường gọi bộ luật là bộ 80 tạng luật (bát thập tụng). Sau này các đệ tử phỏng theo bộ luật này mà viết ra những bộ Tứ phần luật, Ngũ phần luật.
- Kết tập lần thứ hai
Sau khi Phật nhập diệt được 110 năm, Hội nghị kết tập lần thứ hai được triệu tập họp tại thành Tỳ (Phệ) Xá Li (Vaisali) số người dự Pháp hội này là 700 vị, nên gọi là Thất bách tập pháp, dưới sự chủ tọa của Trưởng lão Da Xá, kéo dài trong tám tháng. Nội dung được đưa ra Hội nghị thảo luận gồm 10 khoản, được gọi là Thập sự phi pháp của các Tỷ khiêu nhóm Bạt Kỳ, gồm:
1) Diêm tịnh, là có thể giữ muối ăn ở một góc để dùng lâu dài, chứ không phải chỉ để dùng trong 7 ngày.
2) Nhị chỉ tịnh, là quá giờ Ngọ có thể dùng hai ngón tay bốc thức ăn mà ăn, không phạm lỗi phi thời.
3) Tam tụ lạc gian tịnh, là khi đi từ thôn này sang thôn khác, ngoài thời gian quy định, có thể được ăn thêm.
4) Trụ xứ tịnh, trụ ở cùng một cảnh giới nhưng vẫn có thể thuyết giới riêng trong một ngày trai riêng, không nhất thiết lúc nào cũng phải lên nơi làm lễ công cộng.
5) Tùy ý tịnh (còn gọi là hậu thính tịnh), chúng tăng không bị cắt quyền làm việc, sau khi xong việc được đại chúng thừa nhận, liền được tùy ý thi hành sự vụ.
6) Tập tiên sở tập tịnh (còn gọi là Cửu tụ tịnh), là nếu có lệ quen, bất kể việc gì đều có thể làm.
7) Sinh hòa hợp tịnh: Quá giờ Ngọ không được ăn sữa mới, nhưng có thể ăn sữa còn thừa, không bị hạn chế, nên đối với loại thức ăn sinh hòa hợp hơi biến chất thì có thể ăn được.
8) Thủy tịnh (còn gọi là ẩm xà lâu già tửu tịnh). Xà lâu già có nghĩa là đục, chỉ loại rượu trắng, rượu cam. Đó là loại chưng cất từ dung dịch cây Da thụ. Loại rượu uống này chính là rượu đã tinh phân rồi.
9) Bất ích lâu ni sư đàn na tịnh, loại vải cói trang sức lâu đời có dung quá mức quy định cũng không coi là phạm tội.
10) Kim tiền tịnh, tay cầm vàng bạc tiền của cũng không coi là phạm tội.
Chư vị Thượng tọa đều đứng về phía ngài Da Xá coi mười việc trên là phi pháp, trái với giới luật do Phật chế định.
Như vậy, các Tỷ khiêu Bạt Kỳ thảm bại trong Hội nghị này, nên lòng cảm thấy bất bình. Truyền thuyết rằng có sự kết tập riêng của đại chúng thuộc hệ phía Đông. Cũng từ đó tách khỏi phái Thượng tọa, và trở thành hai phái: hệ phía Đông thuộc Đại chúng Bộ với tư tưởng cấp tiến và phóng khoáng; và hệ phía Tây thuộc Thượng tọa Bộ với tư tưởng bảo thủ (5). Thượng tọa bộ đọc kinh điển bằng tiếng Pàli, Đại chúng bộ đọc kinh bằng tiếng Sankrit.
- Kết tập lần thứ ba
Hội nghị kết tập lần thứ ba sau Phật nhập Niết bàn 2 thế kỷ, họp tại thành Hoan Thị (Pataliputra) tức Bihar và Patra ngày nay, gồm gần 1.000 Tỷ khiêu do Đại sư Mục Kiền Liên Tử Đế Tu (Mongaliputta- Tissa) chủ tọa, họp trong 9 tháng, hoàng đế A Dục ngoại hộ.
Động cơ của lần kết tập này là ở chỗ vua A Dục rất tin Phật pháp vì vậy những người theo hướng ngoại đạo cùng đường kiếm ăn, họ bèn giả làm hình dạng Tỷ khiêu, trà trộn vào hàng ngũ tín đồ Phật giáo, làm hỗn loạn ý nghĩa Phật giáo, vì vậy cần phải phân biệt chính - tà và mở cuộc kết tập này.
Hội nghị kết tập lần thứ ba kết quả tốt đẹp hơn hai kỳ kết tập trước. Ba tạng kinh, luật, luận đều được hoàn chỉnh và ghi chép thành văn bản.
Ngoài việc ghi chép thành văn bản, hoàng đế A Dục còn tổ chức các giáo đoàn đi truyền bá đạo Phật ra các nước ngoài, bắt đầu truyền sang các nước lân cận như: Xiêm La (Thái Lan), Miến Điện (Myanmar) Tích Lan (SriLanca), Tây Tạng, rồi đến các nước ở xa như Ba Tư (Iran), Sy ri, Ai cập, Hy Lạp, v.v...
- Kết tập lần thứ tư
Hội nghị kết tập lần thứ tư sau Phật nhập Niết bàn 6 thế kỷ (125-150 sau Công nguyên) họp tại Ca Thấp Di La (nay là Kasmir) do ngài Hiếp Tôn Giả chủ tọa, vua Ca Nhị Sắc Ca ngoại hộ. Số Tỷ khiêu tham gia Hội nghị là 500 người. Hội nghị chủ trương giải thích thêm kinh, luật, luận cho rõ nghĩa vì thời này cách Phật đã xa, trong nội bộ Phật giáo có nhiều quan điểm bất đồng giữa hai phái Thượng tọa và Đại chúng.
Có sách cho rằng trong bốn Hội nghị kết tập kinh điển, các Tỷ khiêu chỉ chuyên sưu tầm, tụng đọc, ghi chép kinh điển Tiểu thừa. Nhưng, thực ra thì trong cả bốn hội nghị kết tập, đều có kết tập kinh điển Đại thừa. Kinh Bồ Tát Xử Thai, quyển 7 - Xuất Phẩm Kinh có chép: Sau khi Phật tịch diệt 7 ngày, 500 vị La Hán nhận mệnh của ngài Đại ca diếp, đi đến các quốc độ... thỉnh mời đến họp mặt, có đến 84.000 vị Tỷ khiêu, tất cả đồng lòng mời ngài A Nan Đa làm Thượng thủ, và kết tập được Bồ Tát tạng (kinh Đại thừa) Thanh Văn tạng: Thai Hóa tạng, Trung Ấn tạng, Ma Ha Diễn Phương Đẳng tạng, Tạp tạng, Giới Luật tạng, Thập Trụ Bồ Tát tạng, Kim Cương tạng, Phật tạng, cả thảy có 8 tạng.
Trong bốn kỳ kết tập nói trên, hai kỳ đầu chỉ họp chúng lại rồi các vị Thượng tọa lên đàn giảng tụng lại những lời Phật dạy cho nhớ, hai lần kết tập sau mới có biên bản chép lại thành kinh điển.
- Kết tập lần thứ 5 và lần thứ 6
Vào năm 1871 tại Mandalay và năm 1954-1956 tại Rangoon đã tổ chức hội nghị kết tập kinh điển lần thứ 5 và hội nghị kết tập kinh điển lần thứ 6 do chính phủ nước chủ nhà Myanmar ngoại hộ.
Đạo Phật với xã hội Ấn Độ
Đạo Phật đã có ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội thời bấy giờ. Nhờ đạo Phật mà quan hệ giữa các đẳng cấp bớt hà khắc, có khoan hòa hơn trước, nỗi đau khổ của đẳng cấp dưới được giảm dần, thuế khóa được giảm nhẹ khắp nơi trong nước, bệnh xá được xây dựng, chăm lo thuốc men cho người ốm.
Trong số những vua chúa sùng bái đạo Phật thời bấy giờ điển hình nhất có vua A Dục (Asoka) 264-226 trước Công nguyên. Đất nước vua A Dục bao gồm tất cả Ấn Độ, về phía Bắc có xứ Sind, Cengjob, Cachemir, Nepal; về phía Nam bờ cõi lan đến xứ Godassy, giữa xứ Godassy và Krichna - xứ bản hộ Andratuwcs, là xứ Haidirabad bây giờ.
Vua A Dục sắc xây tới 84.000 bảo tháp (Stupa) để thờ Phật và kỷ niệm những nơi Phật đi qua. Ngày nay người ta còn thấy những di tích rải rác suốt từ núi Cachimur đến Go dassy, từ Genjab đến Bengah.
Vua A Dục đã triệu tập một hội nghị Phật giáo ở thành Patathapontra gồm hơn một nghìn vị tăng có tài có đức về dự, để bàn về kế hoạch truyền bá đạo Phật. Cuộc truyền giáo được thực hiện ngay sau khi hội nghị bế mạc: Tỷ khiêu Maharakita qua Hy Lạp, Tỷ khiêu Mahajana và Sahadeva qua các xứ gần Hymalaya. Con trai và con gái vua A Dục là Masandra và Sanghamita qua SriLanca, Sama và Indre qua Myanmar. Căn cứ theo bia đá dựng trong thời kỳ vua A Dục trị vì, thì những nước Cận Đông đã được Phật truyền sang là Syni (Syria) dưới đời vua Antochus II, Ai Cập (Egypti) dưới thời vua Polemy II, Macodoine dưới thời vua Anti gone gorotra, Epine dưới thời vua Alexandre, Magas dưới thời vua Cyrine.
Từ trung tâm Phật giáo là Ấn Độ, Phật giáo truyền theo hai phương: Nam phương Phật giáo và Bắc phương Phật giáo (còn gọi là Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Bắc truyền, chỉ là sự phân chia về địa lý). Hiện nay, Phật giáo truyền ở SriLanka, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia v.v... gọi là Phật giáo Nam truyền hay Theravada; Phật giáo truyền ở Nepal, Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan v.v... và cả đến Việt Nam ta, gọi là Phật giáo Bắc truyền.
Phật giáo Nam truyền so lại gần với Phật giáo Nguyên thủy, còn Phật giáo Bắc truyền phần nhiều thuộc phái phát triển Phật giáo.
Qua các lần kết tập, lần lượt chia thành 20 bộ phái, tuy chia ra nhiều bộ phái như vậy nhưng vẫn tôn thờ một giáo chủ là đức Phật Thích Ca, và giáo lý đều nương vào lời ngài dạy từ trước làm Thánh điển. (6)
Vào khoảng 1000 năm sau khi Phật nhập Niết bàn là thời kỳ Phật giáo Ấn Độ phát triển đến chỗ rực rỡ, có nhiều bậc Đại đức, nhiều vị Luận sư ra đời xiển dương giáo lý.
Về sau, Ấn Độ giáo (là sự kết hợp giữa kinh Vệ Đà của Bà la môn giáo với “Bạc Già Phạn Ca” của tín ngưỡng dân gian mà thành) hấp thụ Phật giáo và cách tân, kết quả Ấn Độ giáo trở thành quốc giáo của dân tộc Ấn Độ. Họ hết sức bài xích Phật giáo, lại có quân đội Hồi giáo xâm lược Ấn Độ từ nửa cuối thế kỷ X đến cuối thế kỷ XI thực hiện chính sách triệt tiêu Phật giáo. Những ai không theo Hồi giáo thì lập tức nhập vào Ấn Độ giáo.
Vào cuối thế kỷ XII, Phật giáo tại Ấn Độ coi như bị tuyệt tích (7).
Còn tiếp...
Tác giả: Nguyễn Đại Đồng, trích sách: Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981. Nhà xuất bản Tôn Giáo
***
Chú thích:
(1). Sông Ấn có 5 nhánh nên vùng đồng bằng lưu vực sông Ấn gọi là Punjab (5 nhánh sông)
(2). Pháp sư Thánh Nghiệm, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Tâm Trí dịch, Nxb Phương Đông, 2008, tr26-27.
(3). Phạm Thiên (Brahmadeva) nay gọi là Bà la hạ ma thiên, tức cõi Sơ thiền ở Sắc giới. Các vị trời ở cõi này đã xa lìa dâm dục ở cõi Dục giới, được tịch tĩnh thanh tịnh, nên gọi là Phạm Thiên. Trong đó có ba cõi trời: Đệ nhất là Phạm chúng thiên, đệ nhị là Phạm phụ thiên, đệ tam là Đại phạm thiên. Nhưng từ thường gọi là Phạm Thiên là chỉ vị Đại Phạm thiên vương tên là Thi Thí. Ngài rất tin Phật pháp. Mỗi lần gặp Phật ra đời là ngài đến sớm nhất thỉnh Phật chuyển pháp luân.
(4). Có tài liệu nói năm đó Thái tử 19 tuổi.
(5). Sau khi Phật diệt độ, khu vực giáo hóa của Phật giáo ngược lên theo phân chi của lưu vực sông Hằng, là sông Diêm Ngưu Na, từ đó phát triển rộng về hướng Tây cho đến sông Ma Thâu La (nay là sông Juma thuộc bờ Tây sông Mutra) hình thành nên hệ Phật giáo rất quan trọng ở Tây Ấn Độ. Lúc bấy giờ tại Đông Ấn Độ lấy thành Tỳ Xá Li làm trung tâm của Tỷ khiêu tộc Bạt Kỳ.
(6). Thích Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb Tân Việt, Hà Nội, 1943.
(7). Pháp sư Thánh Nghiêm, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Tâm Trí dịch, Nxb Phương Đông, 2008.