Phát hiện chỉ chuột ngoài đồng mới dễ nhiễm hantavirus

Chuột từ lâu bị coi là loài lây lan dịch bệnh, nhưng một nghiên cứu mới cho thấy môi trường bị con người biến đổi có thể ảnh hưởng đến lượng virus mà chuột mang theo đến mức nào.

Các nhà nghiên cứu ở Madagascar đã phát hiện ra rằng chuột đen là loài duy nhất mang một chủng hantavirus

Các nhà nghiên cứu ở Madagascar đã phát hiện ra rằng chuột đen là loài duy nhất mang một chủng hantavirus

Các nhà nghiên cứu khi khảo sát rừng và đất nông nghiệp ở Madagascar đã phát hiện ra rằng chuột đen là loài duy nhất mang một chủng hantavirus nguy hiểm. Điều bất ngờ là, trong khi loài chuột này sinh sôi mạnh mẽ ở các khu vực nông nghiệp và thường xuyên mang theo virus, thì không có cá thể nào sống trong rừng tự nhiên nhiễm bệnh. Nghiên cứu này nhấn mạnh rằng việc sử dụng đất đai của con người — chứ không chỉ động vật — có thể quyết định nguy cơ lây bệnh.

Nghiên cứu này, được tài trợ bởi Viện Y tế Quốc gia Mỹ và Đại học Duke, là kết quả của một mạng lưới hợp tác quốc tế đa ngành: sinh thái học dịch bệnh, khoa học xã hội, y học thú y. Trong suốt 8 năm, nhóm nghiên cứu đã khảo sát các mầm bệnh có thể lây sang người ở động vật hoang dã, gia súc và cộng đồng dân cư — từ rừng nguyên sinh đến vùng đất bị con người khai phá nặng nề.

Chuột đen mang hantavirus ở Madagascar

Các loài xâm lấn không chỉ gây tổn hại cho hệ sinh thái, mà đôi khi còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Khi động vật xâm nhập môi trường mới, chúng có thể mang theo các mầm bệnh lạ. Một số trong đó có thể lây sang người — như đại dịch COVID-19 đã cho thấy nhân loại một bài học đau đớn.

Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học đến từ Đại học California Santa Barbara, Đại học Réunion và Đại học Duke đã xác định chuột đen là nguồn lây hantavirus tiềm tàng ở vùng nông thôn Madagascar. Đó là khu vực từng là rừng nhưng ngày càng bị khai thác cho mục đích nông nghiệp và định cư. Nghiên cứu này vừa được công bố hôm qua (ngày 7.4) trên tạp chí Ecology and Evolution (Sinh thái và tiến hóa).

Chuột từ lâu đã sống bên cạnh con người nhưng không phải là những người bạn. Chúng phá hoại mùa màng, đục khoét kho lương thực, làm tổ trong nhà, ngoài cống và theo chân chúng ta đi khắp thế giới. Vai trò của chúng trong việc truyền bệnh đã được ghi nhận rõ. Chuột đen (Rattus rattus), có nguồn gốc từ Nam Á, lan sang châu Âu qua các chuyến tàu buôn và đến Madagascar trong khoảng thế kỷ 10 đến 14.

Các nhà sinh thái học dịch bệnh muốn tìm hiểu loài nào ở Madagascar có thể truyền hantavirus cũng như việc sử dụng đất của con người ảnh hưởng thế nào đến tỷ lệ nhiễm bệnh trong các loài động vật.

Chủng virus riêng biệt và bằng chứng phơi nhiễm trong dân cư

Nghiên cứu sinh tiến sĩ Kayla Kauffman tại phòng thí nghiệm của Giáo sư Hillary Young (UCSB), đồng tác giả chính chia sẻ. “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến hantavirus ở Madagascar vì nơi đây có những chủng virus độc đáo chưa được nghiên cứu kỹ”. Ngoài ra, bằng chứng về phơi nhiễm trong cộng đồng người Malagasy rất cao. Điều đó cho thấy sự hiện diện mạnh mẽ của virus trong môi trường sống.

Nhóm nghiên cứu đã làm việc với các cộng đồng sống cạnh bìa rừng quốc gia Marojejy, phía đông bắc Madagascar. Người dân cho phép nhóm đặt bẫy chuột và dơi trong nhà, ngoài đồng và cả ở đồn điền trồng vani, ruộng nương... của họ. Nhóm cũng được cấp phép đặt bẫy trong rừng nhiệt đời nguyên sinh bên trong rừng quốc gia.

Gần 2.000 mẫu vật được gửi đến phòng thí nghiệm ở La Réunion để xét nghiệm hantavirus. Những mẫu dương tính được giải trình tự gien để phân tích quan hệ giữa virus trong các cá thể chuột, cũng như so sánh với các chủng virus khác trên thế giới. Kết quả này sẽ giúp truy nguồn gốc hantavirus tại Madagascar.

Sau khi lấy mẫu từ 17 loài thú nhỏ và 11 loài dơi, nhóm nghiên cứu phát hiện virus chỉ tồn tại ở chuột đen. Kauffman chia sẻ: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi chỉ có chuột đen nhiễm hantavirus, bởi vì ở những nơi khác trên thế giới, nhiều loài thú nhỏ ngoại lai khác cũng thường xuyên nhiễm”.

Nông nghiệp là điểm nóng lây nhiễm

Những con chuột lớn tuổi và nặng cân hơn có tỷ lệ nhiễm cao hơn, và chúng chủ yếu bị bắt ở khu vực đồng ruộng, không phải trong nhà dân. Kauffman nói: “Điều này có nghĩa là người dân ít có nguy cơ nhiễm bệnh tại nhà hơn so với khi làm việc ngoài đồng”.

Đáng chú ý, trong khi nhiều con chuột trong đồn điền mang virus, không một cá thể nào sống trong rừng tự nhiên bị nhiễm. Điều này chứng minh môi trường bị con người biến đổi làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh ở động vật và từ đó là nguy cơ lây sang người.

Hiện tại, nhóm đang sử dụng mẫu từ nghiên cứu này và các nghiên cứu khác để xác định thời điểm hantavirus xuất hiện tại Madagascar, đồng thời tiếp tục điều tra tác động của phân mảnh môi trường sống và sử dụng đất đến động vật và các ký sinh trùng mà chúng mang theo.

Hantavirus hay virus Hanta thuộc họ Bunyaviridae, là virus sống chủ yếu trong cơ thể các loài động vật gặm nhấm, đặc biệt là ở chuột. Virus này được tìm thấy đầu tiên tại Hàn Quốc, tên gọi Hantavirus bắt nguồn từ tên con sông Hanta - nơi virus lần đầu tiên được phân lập.

Virus Hanta có khả năng gây bệnh là nhờ các gai bề mặt giúp chúng bám dính và tiết ra các chất độc gây rối loạn hoạt động sinh lý bình thường của cơ thể. Ký chủ tự nhiên của loại virus này là các động vật gặm nhấm. Tại đó virus phát triển và gây bệnh thường không biểu hiện triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng. Ở người, bệnh do virus Hanta có thể không biểu hiện triệu chứng, triệu chứng nhẹ hoặc nặng.

Cơ chế sinh bệnh của virus Hanta hiện nay vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng vì thiếu dữ liệu trên mô hình thực nghiệm. Virus này gây bệnh trên người thường đa dạng, có thể là nhiễm trùng không triệu chứng hoặc các thể lâm sang có biểu hiện triệu chứng nặng, nhẹ khác nhau. Có 2 thể lâm sàng biểu hiện nặng đó là Hội chứng phổi (HPS) và Hội chứng thận kèm theo sốt xuất huyết (HFRS).

Hội chứng phổi (HPS)

Đối với hội chứng phổi, virus gây nhiều ảnh hưởng đến tạng phổi, lách, túi mật. Trong đó phổi là cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong giai đoạn sớm của bệnh, bệnh nhân có các triệu chứng giống với bệnh cúm thông thường, bao gồm: sốt, ho, nhức đầu, đau mỏi cơ bắp, chán ăn, suy nhược cơ thể,…). Khoảng 4 - 10 ngày sau khi phát bệnh, bệnh nhân bắt đầu có những biểu hiện nặng hơn: sốt cao, ho, khó thở, thở gấp,… có thể dẫn đến chứng suy hô hấp.

Hội chứng thận kèm theo sốt xuất huyết (HFRS)

Ở hội chứng thận kèm sốt xuất huyết, có sự xuất hiện tăng tính thấm thành mạch dẫn đến tình trạng hạ huyết áp và gây rối loạn chức năng điều hòa nội môi. Điều này gây ảnh hưởng đến hoạt động sinh lý của các cơ quan trong cơ thể, trong đó ảnh hưởng nặng nhất chính là thận. Bệnh nhân có dấu hiệu sốt, đau cơ kéo dài từ 3 - 7 ngày, sau đó giảm tiểu cầu, hạ huyết áp và vô niệu. Tỷ lệ tử vong có thể 5 - 10% tùy từng giai đoạn bệnh tiến triển.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/phat-hien-chi-chuot-ngoai-dong-moi-de-nhiem-hantavirus-231294.html