Phát hiện cơ chế ngăn chặn bệnh ung thư phổ biến thứ hai
Các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor (CSHL) vừa phát hiện rằng việc ức chế hai gien FGFR2 và EGFR có thể ngăn chặn ung thư tụy giai đoạn đầu tiến triển, mở ra một hướng đi đầy hứa hẹn trong công tác phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Ung thư tụy: Cuộc chạy đua với thời gian
Ung thư tụy được dự báo sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng thứ hai vào năm 2030. Một trong những thách thức lớn nhất của căn bệnh này là thường chỉ được chẩn đoán khi đã ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị trở nên khó khăn. Do đó, đối phó với ung thư tụy – dù ở cấp độ cá nhân hay cộng đồng – giống như một cuộc chạy đua với thời gian.
Giáo sư David Tuveson, Giám đốc Trung tâm Ung thư của CSHL, đã diễn tả sự cấp bách này bằng một phép so sánh đầy hình ảnh: “Ai trong chúng ta cũng có những nốt ruồi trên da. Phần lớn thì không sao, nhưng có những nốt ruồi cần được bác sĩ da liễu theo dõi thường xuyên. Có khi họ phải cắt bỏ và gửi cho chuyên gia giải phẫu bệnh để xác định xem đó có phải là một khối u ác tính sớm hay không.
Nhưng đó là những gì bạn có thể nhìn thấy. Hãy tưởng tượng điều đó đang diễn ra trong tụy của bạn — vì thực tế là vậy. Ai trong chúng ta cũng mang trong mình những ‘phiên bản đầu tiên’ của ung thư ở nhiều mô khác nhau, vào mọi thời điểm”.
Giờ hãy thử tưởng tượng chúng ta có thể điều trị những “phiên bản đầu tiên” ấy ngay trong tụy — trước khi chúng trở thành ung thư thực sự. Một khám phá mới tại Trung tâm Ung thư CSHL có thể giúp điều đó trở thành hiện thực.
Vai trò của các gien KRAS và FGFR2

Tiến sĩ Claudia Tonelli đã tìm ra cách để “chặn đứng” ung thư tụy ngay từ giai đoạn sớm.
Tiến sĩ Claudia Tonelli, nhà nghiên cứu tại CSHL, cùng với Giáo sư Tuveson đã tìm ra cách để “chặn đứng” ung thư tụy ngay từ giai đoạn sớm.
Tiến sĩ Tonelli giải thích: “Hơn 95% bệnh nhân ung thư tụy có đột biến ở gien KRAS. Đây là gien gây ung thư chủ lực trong bệnh này. Chúng tôi phát hiện một gien khác, FGFR2, có vai trò khuếch đại tín hiệu từ KRAS đột biến. Khi điều này xảy ra, những ‘phiên bản đầu tiên’ của ung thư tụy sẽ trở nên nguy hiểm hơn nhiều”.
Nhóm nghiên cứu đã quan sát hiện tượng này trên chuột và các organoid — mô tụy người được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Nhưng họ không chỉ đơn thuần quan sát — mục tiêu là ngăn mô tụy trở thành ung thư.
May mắn là FGFR2 đã được biết đến như một gien sinh ung thư trong các loại ung thư khác, và hiện đã có nhiều loại thuốc ức chế FGFR2 đang được sử dụng lâm sàng.
Chặn ung thư tụy ngay từ sớm
Khi nhóm nghiên cứu ức chế FGFR2 vào đúng thời điểm, họ thu được kết quả như mong muốn: quá trình hình thành khối u bị chậm lại đáng kể. Khi họ kết hợp ức chế FGFR2 với EGFR — một protein hoạt động quá mức trong ung thư tụy — kết quả còn khả quan hơn: số lượng “phiên bản đầu tiên” của ung thư giảm mạnh ngay từ đầu.
Tiến sĩ Tonelli chia sẻ: “Với ngày càng nhiều loại thuốc ức chế FGFR2 được đưa vào lâm sàng, nghiên cứu của chúng tôi đặt nền móng cho việc thử nghiệm phối hợp FGFR2 và EGFR nhằm chặn đứng ung thư tụy từ giai đoạn sớm”.
Những bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc ung thư tụy có thể sẽ là những người đầu tiên được áp dụng phương pháp này. Hiện tại, cuộc chiến chống ung thư tụy vẫn là một cuộc chạy đua với thời gian. Nhưng với khám phá này, ngày mà chúng ta có thể “đi trước một bước” có thể không còn xa.