Số ca bệnh tay chân miệng ở TP.HCM tiếp tục tăng
TP.HCM bước vào mùa bệnh tay chân miệng, số ca bệnh tăng trong hai tuần liên tiếp. Cơ quan y tế cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là phòng chống dịch bệnh.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ nổi nhiều mẩn đỏ ở lòng bàn chân. Ảnh: Nguyễn Thuận.
Theo số liệu mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), tình hình bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu hạ nhiệt trong tuần 16 (14/4-20/4). Tuy nhiên, số ca mắc tay chân miệng lại ghi nhận sự gia tăng đáng kể, trong khi bệnh sởi vẫn duy trì số ca mắc ở mức cao.
Cụ thể, trong tuần qua, TP.HCM ghi nhận 290 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 13,8% so với trung bình 4 tuần trước đó. Tính chung từ đầu năm đến nay, thành phố đã có 6.624 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Các khu vực có tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cao nhất là huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi và TP Thủ Đức.
Đối với bệnh sởi, TP.HCM ghi nhận 189 ca mắc có địa chỉ tại thành phố, giảm 16,9% so với trung bình 4 tuần trước. Tuy nhiên, tổng số ca sởi tích lũy từ đầu dịch đến tuần 16/2025 vẫn ở mức cao, với 8.948 trường hợp. Các quận, huyện ghi nhận số ca mắc sởi cao nhất tính đến thời điểm này là huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và TP Thủ Đức.
Trong khi đó, dịch bệnh tay chân miệng lại có xu hướng gia tăng trong hai tuần liên tiếp. Trong tuần 15, thành phố ghi nhận 476 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 36,6% so với trung bình 4 tuần trước. Trong tuần 16, thành phố ghi nhận 544 ca mắc mới, tăng tới 35,5% so với mức trung bình của 4 tuần trước. Lũy kế từ đầu năm, đã có 3.721 ca tay chân miệng. Các quận, huyện có tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cao là quận Bình Tân, quận 8 và huyện Nhà Bè.
Trước diễn biến phức tạp của các dịch bệnh, đặc biệt là sự gia tăng trở lại của tay chân miệng, ngành y tế TP.HCM tiếp tục khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện duy trì vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống, diệt muỗi và lăng quăng đối với sốt xuất huyết, cũng như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng đối với tay chân miệng là những biện pháp quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.
Bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng bệnh, do đó, HCDC khuyến cáo người dân chủ động phòng chống bệnh, bằng cách
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày
Lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày của trẻ như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.
Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất.