Phát hiện mới về năng lượng tối củng cố quan điểm của Einstein về lực hấp dẫn

Những phát hiện mới, được công bố ngày 19/11, đã một lần nữa củng cố những dự đoán trong Thuyết tương đối rộng mang tính đột phá của nhà vật lý Albert Einstein vào năm 1915. Đó là kết quả nghiên cứu kéo dài nhiều năm về lịch sử vũ trụ, tập trung vào năng lượng tối - một lực vô hình và bí ẩn đang đẩy nhanh quá trình giãn nở liên tục của vũ trụ.

Đài quan sát quốc gia Kitt Peak ở Arizona (Mỹ). Ảnh: Reuteurs

Đài quan sát quốc gia Kitt Peak ở Arizona (Mỹ). Ảnh: Reuteurs

Nghiên cứu có sự tham gia của hơn 900 nhà nghiên cứu từ hơn 70 tổ chức trên toàn thế giới, do Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley của Bộ Năng lượng Mỹ quản lý. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu trong một năm quan sát của Thiết bị quang phổ năng lượng tối (DESI) tại Đài quan sát quốc gia Kitt Peak ở Arizona (Mỹ), với việc quan sát gần 6 triệu thiên hà có niên đại 11 tỷ năm.

Trọng lực là một trong những lực cơ bản của vũ trụ. Lý thuyết của Einstein liên kết không gian, thời gian và trọng lực. Lý thuyết này cho rằng sự tập trung khối lượng và năng lượng làm cong cấu trúc của không gian - thời gian, ảnh hưởng đến chuyển động của bất cứ thứ gì đi qua gần đó.

Nhà vũ trụ học Dragan Huterer của Đại học Michigan, đồng lãnh đạo nhóm chuyên gia tham gia giải thích dữ liệu từ DESI, cho biết những phát hiện mới của DESI cho thấy lực hấp dẫn hoạt động đúng như Einstein đã dự đoán.

Sự kiện vụ nổ Big Bang 13,8 tỷ năm trước đã khởi đầu vũ trụ, và vũ trụ đã mở rộng kể từ đó. Năm 1998, các nhà khoa học đã tiết lộ rằng sự mở rộng này thực sự đang tăng tốc, lý do là năng lượng tối. Tháng 4 vừa qua, các nhà khoa học DESI đã công bố bản đồ 3 chiều lớn nhất của vũ trụ và công bố những phát hiện cho thấy năng lượng tối có thể không phải là một lực bất biến mà là một lực động, phát triển theo thời gian.

Nhà vật lý thiên văn Mustapha Ishak-Boushaki thuộc Đại học Texas tại Dallas, đồng trưởng nhóm làm việc, cho biết: "Dữ liệu DESI của chúng tôi cho thấy phù hợp với thuyết hấp dẫn của Einstein nhưng vẫn thiên về năng lượng tối động. Năng lượng tối dường như là động và yếu đi. Điều đó thay đổi tương lai của quá trình tiến hóa của vũ trụ, vốn không nhất thiết sẽ tăng tốc mãi mãi trong quá trình giãn nở của nó".

Ông Ishak-Boushaki nhấn mạnh: “Việc phát hiện năng lượng tối là động được xem là phát hiện quan trọng nhất kể từ khi phát hiện ra gia tốc vũ trụ vào năm 1998". Những phát hiện mới dường như chứng thực mô hình chuẩn hiện tại của vũ trụ học, bao gồm cả thuyết tương đối rộng.

Vũ trụ bao gồm vật chất thông thường - các ngôi sao, hành tinh, khí, bụi và mọi thứ quen thuộc trên Trái Đất, trong đó có con người- cũng như vật chất tối (tức vật chất vô hình có thể chiếm khoảng 27% vũ trụ), và năng lượng tối (có thể chiếm 68% vũ trụ).

Chuyên gia Huterer cho biết: "Năng lượng tối giúp thúc đẩy sự giãn nở của vũ trụ. Bản chất vật lý của năng lượng tối hiện vẫn chưa được biết rõ". Nghiên cứu mới đã được công bố trên kho lưu trữ trực tuyến arXiv trước khi được các chuyên gia bình duyệt.

PV

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/phat-hien-moi-ve-nang-luong-toi-cung-co-quan-diem-cua-458258.htm