Phát hiện sớm ca nhiễm COVID-19, 'chặn' nguy cơ diễn tiến nặng

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân trong khu cách ly y tế điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN

Theo Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Châu Khắc Toàn, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, phụ trách chuyên môn khu cách ly y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 (Bệnh viện Đa khoa Phú Yên), vấn đề quan trọng trong điều trị COVID-19 là làm sao để các F0 không diễn tiến nặng, hạn chế tử vong. Muốn vậy, cần tiêm vắc xin sớm và đầy đủ. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2, người dân phải báo ngay cho cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị sớm bằng thuốc kháng virus.

Sau một thời gian khá dài có vài ca COVID-19 viêm phổi nặng, hầu hết F0 chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, trong vòng gần 10 ngày đầu của tháng 12, Phú Yên ghi nhận 5 ca tử vong do/liên quan đến COVID-19. Trong 5 ca tử vong, một ca có bệnh nền nặng (suy tim, nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, suy thận mạn...), tử vong do bệnh nền; hai ca rất cao tuổi (hơn 90 tuổi), một người bị liệt 2 chi dưới - di chứng tai biến mạch não, một người bị tăng huyết áp - đái tháo đường type 2 - suy tim.

Đáng nói là có một ca tử vong ngoại viện. Trường hợp này có yếu tố dịch tễ, xuất hiện triệu chứng đã hơn một tuần nhưng vẫn ở nhà cho đến khi nguy kịch. Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện thì đã tử vong; xét nghiệm PCR cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Đây không phải là trường hợp đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 và tử vong vì đến bệnh viện quá muộn. Hồi tháng 7/2021, một trường hợp liên quan đến ổ dịch ở chợ Tuy Hòa, mắc COVID-19 nhưng vẫn ở nhà, tự điều trị cho đến khi nguy kịch mới vào bệnh viện và tử vong sau đó.

Tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở Phú Yên thấp hơn nhiều so với tỉ lệ tử vong trong cả nước, song không vì thế mà chủ quan. Điều quan trọng khi thích ứng linh hoạt, “sống chung với COVID-19” là làm sao hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ F0 diễn tiến nặng, nguy kịch và tử vong.

Báo Phú Yên đã trao đổi với Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Châu Khắc Toàn, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, phụ trách chuyên môn khu cách ly y tế điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.

* Thưa bác sĩ, ông có thể cho biết điểm chung của các ca bệnh nặng, nguy kịch và tử vong do COVID-19?

- Tất cả các trường hợp tử vong do bệnh COVID-19 từ ngày 23/6 đến nay đều có điểm chung là chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19, hoặc mới chỉ tiêm một mũi vắc xin.

Các trường hợp tử vong do bệnh COVID-19 đều ở nhóm tuổi trên 50, phần lớn mắc các bệnh nền: Đái tháo đường, suy tim, suy thận mạn, tăng huyết áp, ung thư...

Từ ngày 15/10, Phú Yên triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir của Bộ Y tế. Các trường hợp phát hiện sớm nhiễm SARS-CoV-2 được điều trị bằng thuốc kháng virus Molnupiravir, không có ca nào diễn biến nặng, nguy kịch và tử vong do COVID-19. Trong khoảng 800 bệnh nhân điều trị bằng thuốc Molnupiravir tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 ở các địa phương, không ca nào diễn tiến nặng, phải chuyển tầng. Còn những ca diễn tiến nặng, nguy kịch và tử vong là những ca phát hiện muộn, đã nặng khi vào viện, mà đã nặng rồi thì uống thuốc kháng virus không hiệu quả. Thuốc kháng virus Molnupiravir chỉ có hiệu quả ở bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng. Khi đã khó thở, suy hô hấp rồi thì không có chỉ định điều trị bằng thuốc Molnupiravir nữa.

* Vậy vấn đề mấu chốt trong điều trị COVID-19 là gì, thưa bác sĩ?

- Vấn đề quan trọng trong điều trị là làm sao để các F0 đừng chuyển nặng, hạn chế tử vong. Muốn vậy, cần tiêm vắc xin sớm và đầy đủ. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2, người dân phải báo ngay cho cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị sớm bằng thuốc kháng virus.

* Phú Yên đã triển khai thí điểm quản lý F0 tại nhà. Bác sĩ có khuyến cáo gì đối với các F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà để phát hiện sớm bệnh diễn tiến nặng?

- Đối với các trường hợp đủ điều kiện cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà, để phát hiện sớm bệnh diễn tiến nặng, cần trang bị máy đo SpO2 (máy đo nồng độ oxy trong máu) kẹp ngón. Máy này tương đối rẻ, dễ sử dụng. Đo SpO2 ít nhất 2 lần/ngày.

Gọi điện thoại báo cho trạm y tế địa phương nếu SpO2 ≤ 95% hoặc nếu thấy khó thở, thở hụt hơi, đau tức ngực thường xuyên, đau tăng khi hít sâu hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, bú kém, ăn kém, nôn hoặc bất kỳ tình trạng nào mà bạn cảm thấy không ổn, lo lắng.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Các dấu hiệu, biểu hiện nhiễm SARS-CoV-2:

Ho; sốt (trên 37,50C); đau đầu; đau họng, rát họng; sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi; khó thở; đau ngực, tức ngực; đau mỏi người, đau cơ; mất vị giác; mất khứu giác; đau bụng, buồn nôn; tiêu chảy.

Theo “Hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị” vừa được Bộ Y tế ban hành, có 4 mức nguy cơ: thấp, trung bình, cao và rất cao.

Nguy cơ thấp là các F0 từ 3 tháng tuổi đến dưới 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vắc xin, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường và SpO2 từ 97% trở lên. F0 thuộc nhóm này được chăm sóc tại nhà riêng (đủ điều kiện theo quy định). Trạm y tế, nhân viên y tế, tình nguyện viên… theo dõi, quản lý người nhiễm, phát hiện sớm dấu hiệu chuyển tầng cao hơn, đồng thời hỗ trợ tâm lý, dinh dưỡng, vận động, theo dõi sức khỏe liên tục, đánh giá nguy cơ; cung cấp gói chăm sóc tại nhà (thuốc kháng virus, vitamin, nhu yếu phẩm…).

YÊN LAN (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/417/268565/phat-hien-som-ca-nhiem-covid-19--chan--nguy-co-dien-tien-nang.html