Phát huy chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Trong bối cảnh nguồn ngân sách bố trí cho công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) còn nhiều khó khăn, hạn hẹp thì nguồn từ chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho các đơn vị chủ rừng tăng cường lực lượng QLBVR hiệu quả hơn.

 Thu hoạch măng tre

Thu hoạch măng tre

Ổn định cuộc sống từ DVMTR

Nhiều hộ ở Ban Quản lý (BQL) rừng cộng đồng thôn A Tin, xã Thượng Nhật (Nam Đông) được hỗ trợ, vay vốn từ DVMTR, góp phần phát triển sinh kế, ổn định cuộc sống. Ông Trần Văn Đát, thành viên Ban Quản lý (BQL) rừng cộng đồng A Tin chia sẻ, từ năm 2018, gia đình ông được vay 5 triệu đồng, cộng với mỗi ngày tuần tra rừng được hỗ trợ 100-200 ngàn đồng đã đầu tư mua cây giống lâm nghiệp và phân bón trồng rừng kinh tế. Từ nguồn vốn vay ban đầu tuy không lớn, nhưng giúp gia đình ông trồng hơn 1ha rừng keo với gần 3.000 cây.

Với hình thức cho vay quay vòng vốn, chỉ sau 2 năm, gia đình ông Đát hoàn trả vốn cho các hộ thành viên khác vay. Ông Đát xởi lởi: “Nhờ thu hoạch từ lứa keo đầu tiên, mới đây gia đình có điều kiện đầu tư thêm các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt mang lại hiệu quả. Đời sống gia đình từng bước đi vào ổn định nhờ nguồn vốn vay từ DVMTR”.

Theo ông Trần Văn Biên - Trưởng BQL rừng cộng đồng thôn Dỗi, từ nguồn lực hỗ trợ của chính sách chi trả DVMTR để triển khai mô hình phát triển sinh kế, đến nay BQL rừng cộng đồng thôn Dỗi đã trồng hơn 21 ngàn cây mây, 500 gốc tre lấy măng, 2.000 cây lồ ô và 500 cây mít dưới tán rừng tự nhiên. Từ đó, ý thức của cộng đồng được nâng lên, nhiều người dân tích cực tham gia QLBVR.

Việc họp bàn kế hoạch kết hợp giữa tuần tra BVR, chăm sóc vườn, rừng và làm giàu rừng trở thành hoạt động thường xuyên, hàng tháng của cộng đồng thôn Dỗi. Các thành viên trong cộng đồng chú trọng chăm sóc rừng mây, khai thác lâm sản phụ. Điều đó không chỉ giúp cho các thành viên cộng đồng thôn Dỗi gắn bó với rừng hơn, mà còn làm đa dạng hệ sinh thái, chất lượng rừng ngày càng được nâng cao. Nhờ đó đã ngăn chặn kịp thời các hành vi, dấu hiệu xâm phạm tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng.

BQL rừng cộng đồng thôn Dỗi là một trong những điển hình sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn tiền DVMTR trong công tác QLBVR, gắn với phát triển các mô hình sinh kế. Từ năm 2018, cộng đồng thôn Dỗi bắt đầu được chi trả DVMTR, với diện tích được giao quản lý, bảo vệ 689ha (từ năm 2011). Từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, cộng đồng thôn Dỗi hỗ trợ cho công tác quản lý, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác tuần tra rừng.

BQL rừng cộng đồng thôn Dỗi còn trích một phần kinh phí cho hàng chục hộ thành viên vay vốn theo hình thức quay vòng để xây dựng các mô hình sinh kế, như chăn nuôi gà, nuôi cá, trồng tre lấy măng, trồng mây dưới tán rừng tự nhiên và dọc khe suối. Mô hình trồng tre, mây không chỉ góp phần phòng, chống sạt lở núi, sông suối trong mùa mưa lũ mà còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.

Thêm mô hình sinh kế, lực lượng BVR

Trong bối cảnh nguồn ngân sách bố trí cho công tác QLBVR còn khó khăn, hạn hẹp thì nguồn kinh phí chi trả DVMTR cho các công ty lâm nghiệp, BQL rừng phòng hộ, đặc dụng hết sức có ý nghĩa, giúp cho các chủ rừng tổ chức tăng cường thêm lực lượng QLBVR. Hiện nay có 9 đơn vị có cung ứng DVMTR trên địa bàn tỉnh đã tổ chức xây dựng lực lượng BVR chuyên trách và lực lượng BVR với gần 300 người (đa số là người dân địa phương và người đồng bào dân tộc thiểu số).

Ông Nguyễn Tất Tùng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thông tin, sau 12 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh và mang lại hiệu quả tích cực. Từ đó, huy động được nguồn lực đáng kể cho công tác QLBVR và phát triển rừng, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người dân sinh sống gắn bó với rừng.

Từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, không ít cộng đồng thôn, bản trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển sinh kế, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ gia đình là thành viên thuộc các BQL rừng cộng đồng, nhóm hộ thôn, bản. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.438 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia QLBVR được cung ứng DVMTR.

Từ nguồn chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) sẽ tăng thêm nhiều đối tượng, người dân sống gần rừng được hưởng lợi thông qua việc giao khoán QLBVR. Các cộng đồng dân cư sống tiếp giáp với rừng thuộc các chủ rừng là tổ chức, ngoài được hỗ trợ 50 triệu đồng (cho mỗi cộng đồng/năm) để phát triển sinh kế còn được nhận nguồn kinh phí từ giao khoán QLBVR mỗi ha 300-600 ngàn đồng/năm. Điều này sẽ giúp nâng cao đời sống cho người dân sống gần rừng và là nguồn bổ sung quan trọng để tăng nguồn lực khi phối, kết hợp với các nguồn kính phí từ các chương trình, chính sách QLBVR khác ở địa phương. Qua đó tạo mối liên kết chặt chẽ giữa chủ rừng với cộng đồng sống gần rừng trong công tác QLBVR.

Thừa Thiên Huế là một trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ được tham gia thí điểm ERPA với Ngân hàng Thế giới (WB). Đây là hoạt động chi trả giảm phát thải dựa vào kết quả, tiến tới triển khai toàn diện về DVMTR theo quy định. Qua đó, huy động thêm nguồn thu cho công tác QLBVR và phát triển rừng của tỉnh. Dự kiến, số tiền Quỹ Trung ương điều phối cho tỉnh trong ba năm (2023 - 2025) khoảng 5,609 triệu USD (tương đương khoảng 131 tỷ đồng). Trong đó, năm 2023 tỉnh được điều phối hơn 37 tỷ đồng để thực hiện chi trả cho 800 chủ rừng, gồm 721 chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình, 11 chủ rừng là tổ chức, 58 UBND xã và 10 tổ chức khác có rừng tự nhiên.

Bài, ảnh: Thế Vương

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/phat-huy-chinh-sach-chi-tra-dich-vu-moi-truong-rung-134406.html