Phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa để xây dựng và phát triển quê hương

Quảng Trị là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa. Trải qua nhiều thời đại, con người ở mảnh đất này đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách để làm nên những kỳ tích hào hùng trong đấu tranh và xây dựng, để lại nhiều di sản văn hóa truyền thống vô cùng quý giá.

* LÊ MINH TUẤN, TUV, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch

Mảnh đất của nhiều di sản, di tích mang tầm quốc gia, quốc tế

Trên con đường vào phía Nam để tìm đất “vạn đại dung thân”, Nguyễn Hoàng đã đến Ái Tử của tỉnh Quảng Trị (năm 1558). Ông đã chọn nơi đây làm thủ phủ mở đầu cho thời thịnh đạt của các chúa Nguyễn mở đất Đàng Trong. Vì vậy, di tích quốc gia các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn và Thành Tân Sở có vị trí cực kỳ quan trọng trong lịch sử dân tộc. Đặc biệt, trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc cũng để lại cho Quảng Trị nhiều di sản, di tích mang tầm quốc gia, quốc tế như: Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh; Di tích quốc gia Thành Tân Sở, Khu Chính phủ CMLTCH miền Nam Việt Nam, Sân bay Tà Cơn, Cồn Tiên - Dốc Miếu, Căn cứ Làng Vây…

Hiện Quảng Trị có 500 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng các cấp với 4 di tích quốc gia đặc biệt (gồm 28 điểm di tích thành phần), 20 di tích quốc gia (gồm 57 điểm di tích thành phần) và 476 di tích cấp tỉnh thuộc các loại hình di tích lịch sử văn hóa, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh… Đó là nguồn tài nguyên, tài sản vô giá góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là kinh tế du lịch và công tác giáo dục truyền thống quê hương.

 Các phần mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 luôn được chăm sóc chu đáo - Ảnh: PV

Các phần mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 luôn được chăm sóc chu đáo - Ảnh: PV

Trong những năm qua, trên cơ sở cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh, công tác đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh được quan tâm triển khai thực hiện và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cùng với nguồn lực của nhà nước, tỉnh Quảng Trị đã và đang tích cực kêu gọi nguồn lực xã hội hóa trong bảo tồn, tôn tạo di tích. Hiện Tập đoàn T&T đang đầu tư xây dựng công trình điện chiếu sáng Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có chủ trương hỗ trợ xây dựng điện chiếu sáng ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9.

Trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi 2 Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải và Cảng quân sự Đông Hà. Hiện nay, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp cùng các đơn vị tư vấn lập quy hoạch trình Bộ Văn hoáThể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, nhiệm vụ quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh và Di tích quốc gia Hệ thống khai thác nước cổ Gio An.

Góp phần bồi đắp, nhân lên niềm tự hào về quê hương Quảng Trị

Những năm qua ở tỉnh Quảng Trị, công tác phát huy giá trị di tích trong phát triển kinh tế - xã hội được đặc biệt chú trọng khai thác. Hệ thống di tích sau khi được đầu tư tôn tạo, đưa vào sử dụng đã phát huy tốt giá trị, đáp ứng tâm nguyện, sự mong mỏi và tình cảm của Nhân dân cả nước đối với Quảng Trị. Không chỉ phục vụ trực tiếp cho di tích mà còn phục vụ đắc lực nhiều mặt trong đời sống dân sinh cũng như mang lại những hiệu quả thiết thực, có tính toàn diện về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội. Trung bình hằng năm, tại các điểm di tích lịch sử văn hóa đã đón tiếp trên 310.000 du khách, trong đó có trên 50.000 khách quốc tế.

Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, tuy không thu vé tham quan, chỉ từ nguồn đóng góp công đức của khách tham quan hằng năm tăng dần từ 1,5 tỉ đồng (năm 2009) lên 2,5 tỉ đồng (năm 2020). Các di tích như Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc, Sân bay Tà Cơn… hằng năm thu từ vé tham quan của du khách đạt khoảng 2 tỉ đồng. Kinh phí thu được từ vé tham quan và nguồn công đức chủ yếu để duy trì hoạt động từ di tích và đầu tư cho công tác duy tu, sửa chữa tại các điểm di tích. Hiệu quả kinh tế từ nguồn thu ngân sách ở di tích không lớn nhưng hiệu quả xã hội từ hệ thống di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh là rất cao, có sức lan tỏa hết sức sâu rộng.

Hằng năm, vào những dịp lễ kỷ niệm, tỉnh Quảng Trị đã đón nhiều đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành trung ương về dâng hương ở Thành Cổ Quảng Trị, Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, hai Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9. Hàng ngàn lượt cựu chiến binh, hàng trăm đoàn của các tỉnh, thành phố trong cả nước, con em Quảng Trị ở nước ngoài và khắp mọi miền Tổ quốc tổ chức nhiều cuộc hành hương về Quảng Trị, dâng hương và tham quan ở các điểm di tích lịch sử -văn hóa. Chính từ di tích, từ nghĩa cử tri ân đã hình thành nên một số lễ hội cách mạng độc đáo, tạo ra những sản phẩm tinh thần mới có dấu ấn sâu đậm và sức lan tỏa rộng trong đời sống Nhân dân, nổi bật là Lễ hội tri ân các anh hùng liệt sĩ ở hai Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Đường 9, Lễ hội Thống nhất non sông ở Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải,

Lễ hội thả hoa trên sông Thạch Hãn…Cùng với hệ thống di tích lịch sử chiến trang cách mạng, các lễ hội cách mạng đã chuyển hóa những giá trị tâm linh trở nên sinh động và đem lại nhận thức tươi mới, sự rung động sâu sắc đối với mọi người, trong đó có đông đảo khách du lịch khi về với Quảng Trị. Quảng Trị còn là điểm kết nối của ba tuyến du lịch lớn là lộ trình xuyên Việt, trục Hành lang kinh tế Đông - Tây, con đường di sản miền Trung. Những di tích lịch sử cách mạng là một thành tố quan trọng để Quảng Trị có “thương hiệu” du lịch trong nước và khu vực, trong đó nổi bật là du lịch DMZ, du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội…

 Chương trình nghệ thuật "Tân Sở dấy nghĩa Cần Vương" ở vùng Cùa, Cam Lộ - Ảnh: PV

Chương trình nghệ thuật "Tân Sở dấy nghĩa Cần Vương" ở vùng Cùa, Cam Lộ - Ảnh: PV

Trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trong xu thế hội nhập và phát triển kinh tế thị trường, hệ thống di tích lịch sử văn hóa càng có ý nghĩa lịch sử và nhân văn sâu sắc trong công tác giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Là mảnh đất có bề dày lịch sử văn hóa, có số lượng di tích lớn, đặc biệt là loại hình di tích chiến tranh cách mạng, đây là minh chứng, tư liệu sống để truyền thụ, bồi đắp tình yêu, niềm tự hào về quê hương cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các cấp học ở nhà trường, giúp cho các em nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong phấn đấu học tập, lao động để gìn giữ và phát huy hơn nữa truyền thống quê hương thông qua các hoạt động thực tế, trực quan sinh động ở các di tích.

Có thể nói, công tác giáo dục truyền thống lịch sử địa phương đã thực sự tạo động lực, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm với quê hương, biết vượt qua mọi khó khăn, thử thách, có ý chí và khát vọng phấn đấu để trở thành những công dân có ích, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, làm rạng danh truyền thống lịch sử văn hóa của mảnh đất, con người Quảng Trị.

Nhiều giải pháp để đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa

Trong những năm qua, mặc dù tỉnh đã rất cố gắng huy động được nhiều nguồn lực cho công tác đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhưng từ thực tiễn trong công tác đầu tư, tôn tạo và phát huy giá trị di tích vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Trong số 476 di tích cấp tỉnh thì có đến 293 di tích chưa hoàn thành hồ sơ khoa học và hồ sơ pháp lý, chưa được khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc chỉ giới và cũng chỉ được đầu tư, tôn tạo với 60/476 di tích. Cùng với đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; công tác thanh tra chuyên ngành chưa được quan tâm, chú trọng cũng đã ảnh hưởng đến công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để thực hiện hiệu quả việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trong công tác phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tới cần được tập trung thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể như sau:

Trước hết cần sớm hoàn thành công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch các di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia. Trong quy hoạch, bên cạnh việc đảm bảo các quy định trong công tác quy hoạch di tích thì cần quan tâm đến việc quy hoạch các khu hoạt động, dịch vụ “bổ trợ” nằm ngoài vùng lõi di tích nhằm phục vụ nhu cầu của du khách. Đồng thời phải quán triệt nguyên tắc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phải đảm bảo tính trung thực, tính đặc trưng và giá trị gốc của di sản.

Thực hiện việc tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên cơ sở đảm bảo tính nguyên vẹn, tôn trọng yếu tố gốc, sự bền vững, sự hài hòa của di tích với cảnh quan lịch sử - văn hóa của khu vực. Khẳng định bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Huy động tối đa các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Gắn công tác bảo tồn di sản văn hóa, đầu tư tôn tạo, chống xuống cấp di tích với phát triển du lịch bền vững, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá mảnh đất, con người, văn hóa Quảng Trị với các địa phương trong cả nước và bè bạn quốc tế. Tranh thủ các kênh thông tin, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phát huy hiệu quả hệ thống phát thanh cơ sở, cổng thông tin điện tử của huyện và các địa phương; chú trọng sử dụng các hình thức tuyên truyền thông qua báo chí, truyền hình, sân khấu hóa… Phối hợp đầu tư xây dựng các phim tài liệu ngắn, các tài liệu truyền thanh, tập gấp giới thiệu di sản văn hóa của tỉnh để tuyên truyền, quảng bá trong các lễ hội hoặc bán, tặng cho du khách ở các địa điểm di tích.

Bảo vệ, phát huy và khai thác giá trị di sản văn hóa một cách hợp lý, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là kinh tế du lịch. Tạo lập sự hài hòa giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới với bảo vệ di sản văn hóa và phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Chú trọng đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Huy động nguồn lực toàn xã hội cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích. Tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương và nguồn lực xã hội hóa cho công tác tu bổ, chống xuống cấp đối với các di tích, cụm di tích xếp hạng; đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, hệ thống dịch vụ cho khai thác giá trị di tích lịch sử văn hóa; triển khai việc cắm mốc chỉ giới, lắp đặt biển chỉ dẫn đối với các di tích.

Chú trọng xây dựng được các sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử nổi bật nhằm tạo ra sự khác biệt, tăng tính hấp dẫn để thu hút du khách. Hiện nay, du lịch di sản đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế đất nước nói chung và Quảng Trị nói riêng. Phần lớn lượng du khách trong nước và quốc tế đến Quảng Trị chủ yếu tham quan các di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng của địa phương.

Đây không chỉ là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, là tiềm năng lợi thế so sánh trong phát triển du lịch ở Quảng Trị mà còn là nguồn lực để xây dựng những điểm đến, những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, riêng có của Quảng Trị như: Du lịch trải nghiệm văn hóa lịch sử, du lịch “về nguồn”, du lịch tâm linh, du lịch khám phá, du lịch DMZ…Vì vậy cần tập trung nguồn lực để biến các di tích này thành những điểm đến du lịch thật sự hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Đồng thời cần làm “sống dậy” các di tích vốn rất nổi tiếng, riêng có của Quảng Trị như Hệ thống khai thác nước giếng cổ Gio An, Sân bay Tà Cơn, Căn cứ Cồn Tiên - Dốc Miếu, những địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn Hoàng...

Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng các tour, tuyến du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa độc đáo, nổi tiếng của tỉnh, trong đó chú trọng đổi mới lịch trình, lộ trình, làm mới nội dung tham quan, thuyết trình; đặc biệt là phải tạo được cảm xúc mạnh cho du khách thông qua phát huy yếu tố tri ân, tâm linh. Đồng thời phải phục dựng, nâng cấp một số lễ hội cách mạng tiêu biểu riêng có của tỉnh, gắn với đầu tư nâng cấp các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có lợi thế cho phát triển kinh tế du lịch.

Thống nhất quan điểm, chủ trương, khuyến khích tạo điều kiện để doanh nghiệp liên doanh, liên kết trong công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo và khai thác phát triển du lịch đối với các di tích có tiềm năng lợi thế. Giải quyết tốt mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa với lợi ích của các chủ thể tham gia vào việc đầu tư khai thác du lịch ở các di tích. Đồng thời phải xây dựng các cơ chế, chính sách thông thoáng, thuận lợi, hài hòa lợi ích trong mời gọi doanh nghiệp đầu tư, liên doanh liên kết trong công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích và khai thác phát triển du lịch từ các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Với sự quan tâm đầu tư của trung ương, đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và các cấp chính quyền địa phương, sự chung tay ủng hộ đầu tư của các doanh nghiệp, các đơn vị, các tổ chức cá nhân trên mọi miền Tổ quốc cho công tác quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh, hệ thống di tích lịch sử văn hóa của tỉnh ngày càng được khởi sắc, phát huy tốt ý nghĩa giá trị trong phát triển kinh tế-xã hội hôm nay và phát triển bền vững, lâu dài cho các thế hệ mai sau.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=168672&title=phat-huy-gia-tri-cac-di-tich-lich-su-van-hoa-de-xay-dung-va-phat-trien-que-huong