Phát huy giá trị di sản ở các làng quê:Động lực xây dựng nông thôn mới
Những ngày đầu năm 2025, nhiều địa phương thuộc khu vực ngoại thành của Hà Nội đã tổ chức công bố và đón nhận xếp hạng di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
Những di sản được vinh danh là tài sản quý giá để các địa phương gìn giữ, phát huy, đặc biệt là tận dụng thế mạnh này nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu (xã Tích Lộc, huyện Phúc Thọ) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Náo nức đón nhận danh hiệu
Trong những ngày đầu năm mới Ất Tỵ, người dân làng Tường Phiêu (xã Tích Lộc, huyện Phúc Thọ) rộn ràng niềm vui khi lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước đó, năm 2018, đình Tường Phiêu cũng đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Tích Lộc Lê Thị Kim Phương, đình Tường Phiêu thờ 4 vị Thành hoàng làng, gồm: Ba vị đức Thánh Tản Viên và Quán Sơn Thành hoàng. Đình mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và mỹ thuật, được xem là công trình kiến trúc biểu tượng của xứ Đoài. Mỗi năm, ở đình tổ chức 4 lễ tiết, trong đó dịp rằm tháng Giêng là lễ lớn nhất, nhằm tưởng nhớ ngày sinh của Tản Viên Sơn Thánh. Vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, dân làng Tường Phiêu sẽ tổ chức lễ rước Tam vị Thánh Tản và Thành hoàng làng từ đình Cả lên đền Ngô Sơn (đền Ngo) vào ban đêm vô cùng đặc biệt.
Cùng với Tường Phiêu, những ngày qua, nhân dân làng Đại Phùng (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) cũng náo nức vui hội làng và đón nhận Di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng. Bà Đặng Thị Ty, nguyên cán bộ văn hóa huyện Đan Phượng, sinh sống ở xóm Đình Nam, thôn Đại Phùng, chia sẻ, năm nay làng mở hội lớn (theo hương ước 5 năm mở hội lớn một lần). Dịp này, nhân dân và chính quyền địa phương đón nhận Di tích quốc gia đặc biệt, nên hội làng càng vui hơn với nhiều hoạt động tế lễ, rước thánh, các trò chơi dân gian...
Còn tại xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai), những ngày qua, chính quyền và nhân dân đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê vào đúng dịp hội làng. Lễ đón nhận thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hóa của ông cha để lại, tôn vinh giá trị kiến trúc nghệ thuật của di tích chùa Bối Khê. Nhân dịp này, địa phương đã tổ chức nhiều chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao phong phú phục vụ nhân dân và du khách…
Đưa di sản trở thành tài sản quý
Di sản được vinh danh không chỉ là niềm vinh dự, tự hào to lớn của người dân các địa phương, mà còn giúp các làng quê ở Hà Nội khai thác tiềm năng, lợi thế để xây dựng nông thôn mới, biến di sản thành tài sản quý giá để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Ông Lê Huy Trọng, Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Người cao tuổi thôn Song Khê (xã Tam Hưng) thông tin, chùa Bối Khê vừa thờ Phật, vừa thờ Thánh. Người Tam Hưng rất tự hào bởi có Đức thánh Bối là người làng mình. Đó là biểu tượng, hướng dân làng làm nhiều việc thiện, chăm lo cho con cái học hành tiến bộ, chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước…
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Vũ Quỳnh cho biết, với những giá trị quý giá về kiến trúc, lịch sử, văn hóa của chùa Bối Khê, sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, địa phương tiếp tục chăm lo trùng tu, tôn tạo, giữ gìn di tích. Đồng thời, có giải pháp để khai thác giá trị của di tích trong phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Còn theo Bí thư Đảng ủy xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) Vũ Đình Tuấn, từ việc đón nhận Di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng, xã đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tại di tích để phát triển “du lịch thông minh”, nhằm đánh thức và khai thác mạnh tiềm năng di sản văn hóa, phục vụ đa dạng cho các hoạt động tham quan, trải nghiệm di tích của nhân dân và du khách thập phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng nông thôn mới.
Với mong muốn bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu, huyện Phúc Thọ có kế hoạch rà soát, thực hiện việc quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết khu vực để tôn tạo, trùng tu và mở rộng di tích, bảo đảm không gian tổ chức lễ hội phù hợp với cảnh quan, môi trường. “Huyện tiếp tục nghiên cứu, tư liệu hóa Lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu, tổ chức các hoạt động giáo dục, truyền dạy để các thế hệ mai sau hiểu rõ và tiếp nối di sản. Khuyến khích cộng đồng địa phương tích cực tham gia vào việc thực hành, gìn giữ nghi lễ truyền thống, tăng cường kết nối lễ hội với du lịch để thu hút du khách”, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn khẳng định.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, những di sản văn hóa là tài sản vô giá để bồi đắp nét đẹp văn hóa ở mỗi làng quê, củng cố gắn kết tình làng, nghĩa xóm, cộng đồng dân cư và xa hơn, giúp các làng quê khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân địa phương.